Thực hiện định hướng đổi mới phương pháp đào tạo đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, ngày 29 tháng 6 năm 2017, Bộ Tài chính đã kết hợp với World Bank và trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học về đổi mới phương pháp đào tạo, cập nhật giáo trình giảng dạy kế toán phù hợp với yêu cầu cải cách kế toán trong giai đoạn mới.

Hội thảo có sự tham dự của ông Trịnh Đức Vinh - Phó Vụ trưởng Vụ chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính; ông John Nyaga - Giám đốc Tài chính cấp cao của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Bà Đặng Thị Mai Trang – Đại diện lãnh đạo, chuyên gia đến từ Viện kế toán công chứng Vương Quốc Anh và xứ Wales (ICAEW).

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Trần Đình Khôi Nguyên – Pho hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho biết thách thức lớn nhất của các cơ sở giáo dục đào tạo khi Việt Nam xây dựng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) là thay đổi phương pháp dạy và học để phù hợp với hệ thống kế toán dựa vào IFRS. Đồng thời, giảng viên khi biên soanh giáo trình cần tiếp cận theo hướng phân tích, đánh giá thay vì lặp lại các quy tắc. Ông cho rằng các trường Đại học, Cao đẳng cần phải có hướng đi đúng đắn trong việc đổi mới phương pháp giáo dục, đáp ứng với yêu cầu hiện nay.         

Cũng tại hội thảo này, ông Trịnh Đức Vinh - Phó Vụ trưởng, Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính cho rằng, con đường tiến tới IFRS là con đường tất yếu của Việt Nam. Việc nhìn nhận được những khó khăn, thách thức sẽ giúp các cơ quan hữu quan cùng tìm ra giải pháp hiệu quả để sớm đưa IFRS vào áp dụng tại Việt Nam. Và việc xây dựng đề án cải tiến phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán, đáp ứng các chuẩn mực, yêu cầu của khu vực ASEAN và quốc tế là trách nhiệm của 3 nhà: Nhà hoạch định chính sách, nhà tuyển dụng và nhà trường. Ông bày tỏ mong muốn, “Đến năm 2020, với sự chung tay của các thể chế tài chính, cơ quan, ban ngành, các hiệp hội nghề nghiệp kế toán kiểm toán, các trường đại học, các tổ chức tiên phong áp dụng, cùng sự phối hợp với tổ chức quốc tế có kinh nghiệm và uy tín chuyên môn cao, Bộ Tài chính có thể cơ bản đưa chuẩn mực kế toán Việt Nam đến gần hơn và sớm tiệm cận với các chuẩn mực kế toán quốc tế”.

Theo ông John Nyaga - Giám đốc Tài chính cấp cao của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nêntạo nhiều cơ hội thực tập, cọ xát thực tế cho sinh viên tại các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài. Đây cũng là cơ hội để sinh viên tiếp cận với các chuẩn mực kế toán quốc tế.Xây dựng định hướng của các trường đại học tại Việt Nam trong tương lai, trong đó tập trung vào đổi mới phương pháp giáo dục gắn liền với chuẩn mực IFRS.

Trong bối cảnh hiện nayPGS.TS Nguyễn Hữu Ánh – Viện trưởng Viện Kế toán  đề xuất: Cần xây dựng các chương trình trao đổi trực tiếp giữa sinh viên và giảng viên, giữa sinh viên và doanh nghiệp nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong đào tạo và bồi dưỡng. Và ông cũng cho rằng “Bộ Tài Chính nên có lập 1 diễn đàn và thường xuyên đưa ra các câu hỏi thực tế mà doanh nghiệp đang vướng mắc để giảng viên và sinh viên có thể tham khảo cũng như giúp doanh nghiệp giải quyết vướng mắc”.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Phan Xuân Vạn - Tổng giám đốc công ty Kiểm toán AAC khẳng định rằng doanh nghiệp sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc cọ xát thực tế của sinh viên khi đang ngồi ghế nhà trường. Bởi, sinh viên được đào tạo bài bản, vừa nắm vững lý thuyết, vừa thực hành giỏi thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí đào tạo lại sau khi tuyển dụng. Còn ông Chung Thành Tiến – Giám đốc công ty dịch vụ kế toán Đồng Hưng đã trình bày hết sức thẳng thắn về thực trạng đào tạo sinh viên kế toán hiện nay tại các trường đại học chưa đáp ứng được mong muốn của các nhà tuyển dụng. Đồng thời ông cũng đề xuất giải pháp xây dựng khung đào tạo mới tại các trường đại học, cao đẳng, tiến tới đào tạo kế toán như đào tạo nghề - gắn liền với thực tiễn.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Công Phương – Phó Trưởng khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cho rằng Khoa kế toán, bộ môn kế toán tài chính của các trường cần soạn thảo ra nhiều tài liệu giảng dạy của mình như các giáo trình, slides thuyết trình, nghiên cứu trường hợp, bài tập, các bài trắc nghiệm theo chuẩn mực IFRS. Biên soạn giáo trình kế toán tài chính cũng cần có sự thay đổi về cách tiếp cận. Thay vì trình bày lại những gì được nêu trong chế độ kế toán (nhất là liệt kê định khoản) hay chuẩn mực, cần tập trung trình bày và phân tích khái niệm, nguyên tắc kế toán.


BỘ MÔN KẾ TOÁN ĐẠI HỌC VINH