Xã hội ngày càng có xu hướng phát triển, nhu cầu lao động tăng cao, thị trường việc làm rộng mở do đó nhiều nhà hàng, doanh nghiệp  ở thành phố  Vinh đã và đang tuyển dụng nhiều nhân viên làm việc bán thời gian. Nhờ đó các bạn sinh viên có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm thêm hơn để trang trải cho chi phí sinh hoạt cũng như tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm và kĩ năng sống. Dựa vào nhiều yếu tố chủ quan hay khách quan mà các bạn sinh viên có thể chọn  cho mình những công việc làm thêm phù hợp. Song vấn đề đặt ra là những yếu tố nào tác động trực tiếp đến quyết định đi làm thêm của các bạn sinh viên khoa Kinh tế - Đại học Vinh?

Đi làm thêm vì muốn kiếm thêm thu nhập

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Vinh, đa số tại các quán ăn, nhà hàng hình ảnh các bạn sinh viên đang làm việc tại quán không còn là quá xa lạ. Tại đây, sinh viên có thể làm thêm lâu dài và có được một mức thu nhập kha khá hàng tháng để trang trải cuộc sống và chi tiêu những việc cá nhân. Với ưu điểm năng động, nhanh nhẹn, dễ thích ứng với công việc nên sinh viên thường được ưu tiên tuyển dụng.
Phan Trung Hiếu – sinh viên năm thứ 3 ngành Quản trị kinh doanh là một  sinh viên đã làm thêm tại quán karaoke tại đường Nguyễn Văn Cừ. Trong kỳ nghỉ hè vừa qua, Hiếu đã tranh thủ thời gian rảnh để có thể đi làm và kiếm thêm thu  nhập cho bản thân. Công việc chính của Hiếu tại đây là tiếp tân, phục vụ, dọn phòng. Lương thu nhập tại đây từ 8.000 đồng – 10.000 đồng/1 giờ. Lịch làm việc thường là từ 7 giờ tối đến 1 giờ sáng hôm sau. Thời điểm lúc đó là mùa hè với lượng khách đông nên dẫn đến tình  trạng các nhân viên làm việc xoay tua, không cố định trong việc sắp xếp công việc.
“Công việc vất vả, làm việc  thường xuyên nhưng lương khá là bèo so với  công sức mình bỏ ra. Nhưng chỉ làm có 1 tháng hè thôi nên mình tranh thủ được việc gì hay việc đó, có tiền trang trải cuộc sống là được rồi. Hết tháng mình lại nghỉ làm để lo việc học nên không đòi hỏi quá nhiều về lương thưởng. Họ nhận mình là mình vui rồi.” – Hiếu cho biết.
 

Đi làm thêm vì đam mê, sở thích của bản thân

Không chỉ ở quán karaoke mà những nơi như quán cà phê, shop quần áo cũng được sinh viên lựa chọn khá nhiều. Những công việc ở các quán cà phê hay shop quần áo được các bạn lựa chọn nhiều hơn vì dễ xin việc hơn nữa những công việc này quanh khu vực Đại học Vinh, ở gần trọ nên các bạn sẽ tiện cho công việc và di chuyển hơn.
Hoàng Mạnh Tân – Sinh viên năm thứ 2 chuyên ngành Quản trị kinh doanh đang làm việc tại Hiim Coffee. Hiện tân đang là nhân viên pha chế tại quán. Lịch làm việc của Tân chủ yếu là thời gian tối vì lịch học và 1 phần sắp xếp để phù hợp ca của các bạn sinh viên khác làm thêm tại quán.


                                 (Hoàng Mạnh Tân đang pha coffee tại quán)

“Ở đây đa phần là các bạn sinh viên làm việc. Chủ dễ tính, mình có thể dễ dàng giao tiếp cởi mở với mọi người. Khách hàng cũng đầy đủ tầng lớp, mình có thể học hỏi thêm nhiều điều từ họ. Từ cách giao tiếp, nghe những câu chuyện kinh doanh của họ. Em làm ở đây có thể thoải mái vẽ hoa vẽ lá lên tác phẩm của mình,dù chưa hoàn thiện và đẹp như mong muốn nhưng em vẫn tự hào vì nó là đam mê của em .“Đồ uống được coi là nghệ thuật và người pha chế là một nghệ nhân..” - Tân dí dỏm chia sẻ thêm về công việc của mình đang làm
Ngoài có thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt, Tân còn được cọ xát thực tế, tích lũy kinh nghiệm sống, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc và từ quá trình làm thêm. Tân có thể nhận ra khả năng giao tiếp, thuyết phục khách hàng, chăm  sóc khách hàng của mình đang ở mức nào và có kế hoạch để hoàn thiện những kĩ năng mình còn thiếu.
“Nhà em ở thành phố Vinh, vì ở gần nhà nên em muốn đi làm thêm để kiếm thu nhập. Chứ xin bố mẹ mãi đâu được. Ít nhất  mình cũng có điều kiện hơn các  bạn là nhà ở Vinh, nhưng không vì thế mà em không đi kiếm thêm tiền tiêu” – Tân dí dỏm chia sẻ thêm về công việc của mình đang làm

Không chỉ đi làm thêm bằng tay chân, các bạn sinh viên cũng lựa chọn công việc làm thêm bằng trí óc như đi dạy gia sư, viết các bài báo cho các fanpage, ... Công việc tưởng chừng nhàn hạ nhưng nó cũng mang lại nhiều khó khăn và áp lực cho các bạn sinh viên. Mỗi bài viết dao động từ 20.000 – 100.000đ với các trang mạng nhỏ, và nhiều hơn nếu có kỹ năng và tiếng nói riêng. Đối với công việc gia  sư lương dao động từ 100.000 – 150.000đ/1 buổi. Với khoản tiền này cũng đủ để các bạn trang trải cho cuộc sống của mình.

Trần Thị Nhung – sinh viên khóa 59 – chuyên ngành Kế toán cho biết: “Mình dạy 1 tuần 2 buổi tối, làm việc từ 19h30 đến khoảng 22h, tùy vào khối  lượng bài tập của học sinh. Trước mình nghỉ dạy rồi nhưng sau gia đình bảo học sinh muốn học với mình nên mình mới đi dạy lại và cũng chỉ làm gia sư thôi, hiện tại không tính làm việc gì thêm.”
Hiếu, Tân, Nhung là ba trong số rất nhiều bạn sinh viên hiện nay đã và đang  đi làm thêm. Mỗi người đều sự nỗ lực để hoàn thành công việc của mình cũng như học hỏi những kinh nghiệm và kĩ năng mềm hữu ích. Có thể thấy rằng, với các bạn trẻ, làm thêm không chỉ mang đến một nguồn thu nhập mà qua những công việc thực tế, các bạn còn được thử thách năng lực bản thân, rèn luyện kĩ năng cần thiết như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, tính kỉ luật và tuân thủ quy tắc làm việc, sự kiên trì, khéo léo và cẩn thận. Những bài học thực tế, những kĩ năng sống, những kinh nghiệm chính là hành tranh quý giá giúp sinh viên hình thành phong cách làm việc chuyên nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh trong nghề nghiệp ở hiện tại và trong tương lai

Khó khăn và áp lực trong công việc làm thêm

Bên cạnh đó, cũng có những khó khăn, thử thách mà các bạn sinh viên làm thêm phải vượt qua như công việc không phù hợp hay gặp áp lực về việc sắp xếp thời gian cho việc vừa đi học vừa đi làm thêm.
Hiếu cho biết: “Đi làm thêm nó cũng có mặt lợi nhưng cũng có mặt ảnh hưởng , việc sắp xếp lịch làm phù hợp với lịch học nên phải đi làm ca đêm dẫn đến về muộn, thức khuya, mệt mỏi, nhưng đi làm thêm sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm, giao lưu học hỏi từ các đồng nghiệp. May là mình làm hè chứ nếu đi học mà làm kiểu này chắc mình ốm và trụ không nổi mất” – Hiếu chia sẻ thêm

Về những khó khăn, thử thách trong quá trình làm gia sư, Nhung chia sẻ: Khó khăn của mình ban đầu gặp phải là làm quen và tạo thiện cảm với học sinh. Vì nếu học sinh không muốn học với mình sẽ rất khó để có thể làm việc và hướng dẫn em đến kết quả tốt nhất. Phần nữa là các dạng bài tập lâu mình không làm cần phải nghiên cứu trước khi đi dạy, vì nếu hướng dẫn sai sẽ ảnh hưởng đến kết quả của học sinh. Rất may mắn là học sinh của mình rất ngoan và dễ tính, phần nữa có sự ủng hộ giúp đỡ từ gia đình nên việc dạy thêm của mình rất tốt. Tuy nhiên cũng có khó khăn vì tùy theo khối lượng bài tập mà học sinh được giao mà mình phải giải quyết trong vòng 2 tiếng hoặc hơn. Xong sớm thì không sao, về muộn mình cũng mệt mà cũng sợ nguy hiểm. Hơn nữa là phần thi cuối kỳ, nếu kết quả tốt thì mình   sẽ được thưởng thêm, ngược lại mình rất áy náy với gia đình và học sinh.

Đúc rút từ những kinh nghiệm, kĩ năng từ việc đi làm thêm, các sinh viên rất cần những lời khuyên và sự định hướng trong việc lựa chọn công việc làm thêm phù hợp cũng như quản lí thời gian trong quá trình làm thêm.
Tân chia sẻ: Khi đi làm thêm ở đây mình đã sắp xếp một thời gian biểu phù hợp với  việc học và đi làm. Nên việc làm thêm ở đây không ảnh hưởng lớn đến  việc học tập của mình. Mình vẫn đi học chính khóa và các hoạt động khác đầy đủ.
Sinh viên cần chọn cho mình một công việc làm thêm phù hợp tại những địa chỉ uy tín, vừa bổ sung kiến thức cho ngành mình theo học cũng như học hỏi thêm kinh nghiệm cá nhân. Bên cạnh đó, không phải công việc nào cũng cần kinh
nghiệm và chuyên môn theo lối học thuật, vậy nên các bạn cần linh hoạt, thay đổi bản thân phù hợp. Vì vậy, dù là công việc nào, các bạn sinh viên cũng nên đặt ra cho mình những câu hỏi cho bản thân: Mình chọn công việc này với mục tiêu gì? Mình sẽ học được gì từ công việc này? Mình có thay đổi được bản thân qua quá trình làm việc hay không?

Nội dung của bài viết là một phần trong đề tài đạt giải Nhì cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2020 – 2021 của Trường Đại học Vinh: “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định đi làm thêm của sinh viên Khoa Kinh tế - Trường Đại học Vinh” của nhóm tác giả Hoàng Vĩnh Thái, Trương Thị Thơ, Nguyễn Thùy Dương, Phan Thị Mai Hương và Đào Nữ Hà Trang do TS. Nguyễn Thị Bích Thủy hướng dẫn.

TS. Nguyễn Thị Bích Thủy và nhóm nghiên cứu