Triển vọng thu hút FDI 2017
Nhìn lại năm 2016
Theo số liệu của Hệ thống thông tin quốc gia về Đầu tư nước ngoài, trong năm 2016, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm đăng ký cấp mới, tăng thêm góp vốnvà mua cổ phần đạt 24,4 tỷ USD.Trong năm 2016 số dự án cấp mới và điều chỉnh vốn vẫn tăng mạnh so với 2015. Cả nước có 2.556 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký là 15,18 tỷ USD, tăng 27% về số dự án và bằng 97,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Có 1.225 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,76 tỷ USD, tăng 50,5% về số dự án và bằng 80,3% về vốn tăng thêm so với cùng kỳ.
Cũng trong năm 2016, có 2.547 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần với tỷ lệ vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện với tổng vốn đầu tư là 3,425 tỷ USD, mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay.
Những tháng đầu năm 2017
Trong quý đầu tiên năm 2017 đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt mức kỉ lục so với các cùng kì năm trước xét trên cả số dự án cấp mới, số vốn đăng kí và vốn giải ngân. Tính đến ngày 20/03/2017 cả nước có 493 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký là 2,917 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016; có 223 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,94 tỷ USD, tăng 206,4 % so với cùng kỳ năm 2016 và 1077 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị góp vốn là 852,86 triệu USD, tăng 171,5% so với cùng kỳ 2016.
Tính chung trong quý I/2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 7,71 tỷ USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2016. Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 6,54 tỷ USD, chiếm đến 84,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 343,69 triệu USD, chiếm 4,4% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 296,8 triệu USD, chiếm 3,85% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Về các đối tác đầu tư, Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 3,74 tỷ USD, chiếm 48,61% tổng vốn đầu tư; Singapore đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 910,8 triệu USD, chiếm 11,81% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 823,6 triệu USD, chiếm 10,68% tổng vốn đầu tư.
Theo địa bàn đầu tư, trong quý I/2017 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 52 tỉnh thành phố, trong đó Bắc Ninh là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất, với tổng số vốn đăng ký là 2,61 tỷ USD, chiếm 33,86% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký là 1,39 triệu USD, chiếm 18,04% tổng vốn đầu tư. TP Hồ Chí Minh đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký gần 600 triệu USD chiếm 7,78% tổng vốn đầu tư.
Dự đoán cả năm 2017
Các chuyên gia kinh tế có cái nhìn khá lạc quan về triển vọng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2017. Vốn FDI năm 2017 vào Việt Nam có thể sẽ tăng bất chấp kinh tế trên thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức, và Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục trở thành địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư trên thế giới. Chung quan điểm này, trong một nghiên cứu mới đây, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) nhìn nhận, thu hút FDI của Việt Nam tiếp tục khả quan nhờ hưởng lợi khi có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực về triển vọng cũng như cơ hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các hiệp định thương mại đàm phán thành công sẽ đem lại cơ hội thu hút FDI vào Việt Nam, không chỉ là đầu tư mới, mà cả mở rộng các dự án đầu tư sẵn có.Dự báo năm 2017, việc thu hút FDI vẫn tăng trưởng tốt, với số vốn đăng ký và vốn thực hiện sẽ tăng khoảng 10 - 12% so với năm 2016.
Kinh tế gia Aaron Batten củaNgân hàngphát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam cũngcho biết đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng ngay cả khi không còn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).Chuyên gia này cũng nhận định rằng nghị trình hội nhập của Việt Nam ngày càng được mở rộng, giúp cho Việt Nam không bị phụ thuộc nhiều vào một thị trường duy nhất. Dù Trung Quốc thời gian qua có đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, nhưng các nguồn FDI chính vẫn là Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, ASEAN và Bắc Mỹ.
Đây là những tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất khu vực Châu Á. Chúng ta cần tận dụng cơ hội này để thu hút và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn nữa, góp phần đưa nền kinh tế phát triển vững mạnh.
Bộ môn Kinh tế Đầu tư & Phát triển
(Sưu tầm)