Gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một dấu mốc quan trọng của Việt Nam năm 2015. Mục tiêu chính của TPP là thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước nước thành viên. Thắt chặt hơn mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia, thông qua các biện pháp giảm các hàng rào thuế quan giữa các nước, giúp tăng cường trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Cùng với đó, sự ra đời của AEC cũng được xem là một thành tựu to lớn trong quá trình hình thành, hội nhập và phát triển của ASEAN trong suốt gần 50 năm qua.Mục tiêu của chiến lược là hình thành một thị trường chung của các nước thành viên trong đó có 5 cấu phần quan trọng: tự do di chuyển hàng hóa, tự do cung cấp dịch vụ, tự do đầu tư, tự do di chuyển vốn, tự do di chuyển của lao động có kĩ năng.
Thành phần tham dự chương trình: Về phía Báo cáo viên: PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam; Về phía doanh nghiệp: Ông Phan Thanh Miễn – Chủ tịch hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nghệ An; Về phía khoa Kinh tế: PGS.TS Bùi Văn Dũng-Trưởng khoa Kinh tế cùng tập thể Giảng viên, sinh viên ngành Kế toán.
Mở đầu chương trình, PGS.TS Bùi Văn Dũng – Trưởng Khoa Kinh tế đã có bài phát biểu về tổng quan của TPP, AEC và khai mạc chương trình. Tiếp theo là phần báo cáo chuyên đề, PGS.TS Đặng Văn Thanh đã vẽ ra bức tranh tổng quan về sự hình thành và phát triển của ngành kế toán và kiểm toán tại Việt Nam. Bên cạnh đó, trong phần báo cáo của mình, thầy cũng đã chỉ ra các Tổ chức nghề nghiệp về Kế toán và Kiểm toán trong đó có Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (viết tắt là VAA). VAA là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), là thành viên của Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC) và là thành viên của Hiệp Hội Kế toán các nước Đông Nam Á (AFA) từ năm 1998, Thành viên Hiệp hội kế toán các nước Châu Á –Thái bình dương – CAPA. Các câu lạc bộ về kế toán, thuế, kiểm toán các chi hội của Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam tại các tỉnh thành … là nơi để cho các kế toán viên, kế toán trưởng, những người hành nghề kế toán, thuế, kiểm toán, giảng viên, nhà khoa học giao lưu và trao đổi những kinh nghiệm thực tế cũng như những nghiên cứu về chế độ, chuẩn mực và chính sách pháp luật.
Báo cáo chuyên đề cũng nhấn mạnh 03 yêu cầu đổi mới của kế toán, kiểm toán trong thời kỳ hội nhập bao gồm: Tính chuyên nghiệp và trách nhiệm xã hội của kế toán, kiểm toán; Về năng lực chuyên môn: Kỹ năng, trình độ tổ chức, điều hành; Về đạo đức nghề nghiệp: Khách quan, bản lĩnh nghề nghiệp. Đồng thời, Báo cáo viên cũng nêu ra định hướng và chiến lược phát triển của Kế toán và Kiểm toán theo Quyết định số 480 QĐ-TTg 18-3-2013 Chiến lược Kế toán-kiểm toán Việt Nam đến năm 2020 là tạo lập một hệ thống kế toán, kiểm toán hoàn chỉnh phù hợp với cơ chế quản lý của nhà nước Việt nam và phát triển nghề nghiệp kế toán, kiểm toán khu vực và thế giới nhằm thỏa mãn yêu cầu thông tin cho quản lý, điều hành và kiểm kê, kiểm soát các nguồn lực của nền kinh tế, các hoạt động kinh tế -tài chính của đất nước. Hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam hoạt động trong một khuôn khổ pháp lý đầy đủ, tiếp thu có chọn lọc các thông lệ, nguyên tắc và chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế.
Đề cập đến chủ đề về sự tác động của TPP và AEC, Báo cáo viên PGS.TS Đặng Văn Thanh đã nêu ra 4 vấn đề về Thị trường dịch vụ tự do; Tự do di chuyển thể nhân, lao động chuyên nghiệp; Thừa nhận chứng chỉ hành nghề; Kiểm soát chất lượng hành nghề và hoạt động của tổ chức nghề nghiệp. Đồng thời, Thầy cũng nhấn mạnh 4 thách thức đối với lĩnh vực kế toán và kiểm toán về chương trình, nội dung đào tạo; Chứng chỉ hành nghề CPA, CA, CFA; Số lượng kế toán viên chuyên nghiệp; Chất lượng dịch vụ kế toán và kiểm toán.
Tiếp theo Báo cáo chuyên đề là phần Giao lưu với chuyên gia, PGS.TS Đặng Văn Thanh đã giải đáp những thắc mắc của các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm cuối. Đồng thời, nêu rõ cơ hội việc làm luôn rộng mở đối với sinh viên ngành Kế toán, đặc biệt là nhu cầu tuyển dụng kế toán tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam trong thời gian tới. Thêm vào đó, Thầy cũng đã khuyến khích sinh viên lập nghiệp sau khi ra trường, trở thành những kế toán, kiểm toán viên chuyên nghiệp, thành lập các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ kế toán, kiểm toán có chất lượng không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nước ngoài. Một điều cũng không kém phần quan trọng mà PGS.TS Đặng Văn Thanh nhắn nhủ tới các bạn sinh viên đó là Giáo dục đại học mang đến cho các bạn những kiến thức nền, muốn thành công thì ngay nội tại các bạn phải tự rèn luyện, trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm làm việc; đặc biệt trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, các bạn cần tìm hiểu thêm kiến thức pháp luật và văn hóa các nước.
Kết thúc chương trình, PGS.TS Bùi Văn Dũng – Trưởng khoa Kinh tế đã có bài phát biểu cảm ơn PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam và Ông Phan Thanh Miễn – Chủ tịch hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nghệ An đã tới tham dự chương trình.
Một số hình ảnh chương trình:
Tin & Ảnh: Nhật Linh - Bộ môn Kế toán