1.    Khái quát kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng Việt Nam năm 2018


Kết thúc năm 2018, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng Việt Nam có những cải thiện rõ nét:

Thứ nhất, các kết quả kinh doanh tăng cao hơn so với năm trước. Theo Báo cáo Tổng quan về thị trường tài chính năm 2018 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia:

- Nguồn vốn huy động trong năm 2018 từ tổ chức kinh tế và dân cư của hệ thống tăng trưởng ổn định, ước tăng 15% so với năm 2017 (năm 2017 tăng 14,6%).

- Tài sản hệ thống các TCTD tăng khoảng 11,5% so với cuối năm 2017; trong đó, tổng tín dụng ước tăng khoảng 14-15% giảm nhẹ so với năm 2017 (17,6%).  Mặc dù đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong ba năm gần đây, nhưng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

- Lợi nhuận ước tăng trưởng 40%. Nhiều chỉ tiêu sinh lời tiếp tục được cải thiện, với ROA ước đạt 0,9% và ROE ước đạt 13,6% (năm 2017 là 11,22%).

- Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng đã được cải thiện, đạt 11,1% nhờ vốn tự có tăng 12,2%, trong khi tổng tài sản có rủi ro tăng thấp hơn (khoảng 10,8%). Tỷ lệ vốn cấp I/tổng tài sản có hệ số rủi ro là 8,8% (năm 2017 là 7,8%).

- Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn bình quân đã giảm đáng kể, xuống còn 28,7% cho thấy các NHTM đã chủ động cơ cấu lại kỳ hạn huy động và cho vay để đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dưới 40% từ 1/1/2019.

Thứ hai, mặt bằng lãi suất giữ ổn định. Mặc dù một số ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất huy động nhưng mức độ tăng nhỏ, không thể hiện xu hướng tăng của thị trường.

Hiện mặt bằng lãi suất huy động đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,6%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3%-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3%-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5%-7,3%/năm.

 Lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến khoảng 6%-9%/năm đối với ngắn hạn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn; đối với khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4%-5%/năm.

Thứ ba, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển hướng theo hướng tích cực tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các dự án lớn, trọng tâm trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ. Tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng năm qua thấp hơn so với năm 2017, ước tăng trưởng 14-15% (năm 2017 tăng 17,6%), nhưng chất lượng tăng cao. Nhiều nhà băng vẫn đạt được lợi nhuận tăng đột biến như VIB, Eximbank, OCB, TPBank, Nam A Bank…

Một trong những nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận cao trong năm 2018, bên cạnh tín dụng còn có nguồn thu từ xử lý nợ xấu.

 Xử lý nợ xấu cũng có chuyển biến tích cực, đó là việc có 6 ngân hàng đã công bố xóa sạch nợ tại công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) bao gồm: Vietcombank, Techcombank, MBBank, VietinBank, ACB và VIB.

Trong năm 2018, giá trị xử lý nợ xấu tăng khoảng 30% so với năm 2017 (không bao gồm nợ bán cho VAMC). Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 59,8%; thu nợ từ khách hàng chiếm 33,2%; bán phát mại tài sản chiếm 3%, còn lại là các hình thức khác.

Thứ tư, với các ngân hàng Việt thì hoạt động kinh doanh truyền thống là tín dụng vẫn chiếm ưu thế, đóng góp 80 - 90% vào tổng lợi nhuận. Do đó, hiện nay các sản phẩm thu hút được nhiều khách hàng nhất là vay vốn, tiếp đến là nhu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán và thẻ, sau đó là nhu cầu gửi tiền. Tuy nhiên, để giảm dần phụ thuộc vào tín dụng và tăng trưởng lợi nhuận bền vững, các nhà băng đã và đang từng bước đẩy mạnh hoạt động dịch vụ.

Thứ năm, nhiệm vụ tăng vốn của ngành ngân hàng trong nhiều năm qua gặp khó khăn, nhưng trong năm 2018 ghi nhận hai nhà băng đạt CAR theo chuẩn Basel II trước thời hạn là năm 2020 là VIB và Vietcombank.

Thứ sáu, do vốn huy động tăng trưởng ổn định trong khi tín dụng tăng thấp hơn so với các năm trước nên thanh khoản của hệ thống TCTD năm 2018 duy trì ổn định.

2.    Thách thức đối với các ngân hàng Việt Nam trong năm 2019

Kết quả kinh doanh thuận lợi năm 2018 sẽ tạo tiền đề cho các ngân hàng hoạt động kinh doanh tốt hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, bước sang năm 2019, hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như sau:

-Thách thức lớn nhất chính là những biến động bất thường từ thị trường tài chính toàn cầu xuất phát từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và lộ trình thắt chặt tiền tệ của FED. Nếu cuộc chiến này trở nên căng thẳng hơn, chắc chắn sẽ khiến tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại. Trong khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, theo đó mức độ chịu ảnh hưởng sẽ là không nhỏ nếu tình hình kinh tế thế giới xấu đi. Sự bất lợi trên sẽ gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, sức ép từ Hiệp định CTPPP đối với ngân hàng cũng lớn dần khi các NĐT nước ngoài tham gia sâu, rộng hơn, cạnh tranh gay gắt với các ngân hàng trong nước.

Những thay đổi về chính sách lãi suất của FED sẽ tác động lên chính sách lãi suất của ngân hàng Việt. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sẽ tạo sức ép lên lãi suất huy động tiền gửi của các ngân hàng. Khi các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động VND thì sẽ khó để tránh tăng lãi suất đầu ra.

- Bản thân nội tại hệ thống ngân hàng vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề chưa được giải quyết rốt ráo như xử lý nợ xấu, quản trị rủi ro vẫn còn chưa đáp ứng quy định thông lệ quốc tế.

- Hoạt động tín dụng của các ngân hàng có thể sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn từ năm 2019. Trong bối cảnh đó, muốn duy trì được lợi nhuận để đáp ứng yêu cầu của cổ đông, buộc các ngân hàng phải tiết giảm chi phí hoạt động, đồng thời đẩy mạnh các dịch vụ thu phí. Muốn như vậy các NHTM cần phải đi sâu vào số hóa để giảm thiểu các chi phí về quản trị, quản lý, giảm thiểu nhân lực…

- Áp lực tăng vốn của các ngân hàng là rất lớn trong năm 2019, nhất là nhóm ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng khi mà Thông tư 41 quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng với những yêu cầu khắt khe hơn theo chuẩn Basel 2 sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2020 và lộ trình NHNN đề ra là đến năm 2020, hệ thống ngân hàng Việt Nam phải có từ 12 - 15 ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II.

 Để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, bên cạnh chia cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng cổ phiếu, các ngân hàng cần thu hút thêm vốn cổ phần, trong đó có vốn ngoại. Hai ngân hàng lớn là Vietcombank và BIDV cũng đang chuẩn bị tăng vốn điều lệ thông qua việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Trong đó, Vietcombank sẽ chào bán gần 360 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm tăng vốn điều lệ thêm gần 3.600 tỷ đồng. BIDV sẽ chào bán 603 triệu cổ phiếu cho một cổ đông chiến lược nước ngoài là KEB Hana Bank.

Như vây, trước những thách thức do tình hình kinh tế thế giới tác động và các yếu tố nội tại, các ngân hàng Việt cần thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với đặc điểm và mục tiêu kinh doanh của mình nhằm nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh trong năm 2019. Về phía NHNN cần tiếp tục kiên trì điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm bảo đảm thanh khoản của các ngân hàng và ổn định thị trường.

Ths. Hoàng Thị Thanh Huyền

Bộ môn TCNH – Khoa Kinh tế