Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm chào mừng 60 năm ngày thành lập trường Đại học Vinh và khai giảng khoá đào tạo thứ 60, dưới sự chủ trì của Khoa Kinh tế, cán bộ, giảng viên, sinh viên trường Đại học Vinh đã có 2 ngày làm việc bổ ích với GS. Tim Tiemann (Giám đốc trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo (CSUN), trường đại học California, Northridge, Hoa Kỳ). Trong hai ngày 18 và 19 tháng 9, GS. Tim đã trình bày những nội dung cơ bản về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tư vấn cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên trường ĐH Vinh; tư vấn cho các đơn vị của nhà trường trong xây dựng mục tiêu cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cũng như dự thảo kế hoạch (3 năm) cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của đơn vị cũng như của nhà trường.

Tại buổi làm việc đầu tiên vào sáng ngày 18/9/2019, đại diện trường ĐH Vinh và GS Tim đã trao đổi những thông tin cơ bản về trường ĐH Vinh, về công nghiệp của Nghệ An cũng như những kỳ vọng của nhà trường trong hoạt động Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhằm thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế địa phương, tạo việc làm cho sinh viên các ngành, trong đó có khối các ngành Kinh tế, trường ĐH Vinh. GS. Tim cũng giới thiệu sơ lược về CSUN và những hoạt động mà trung tâm đã làm được trong thời gian qua, đồng thời cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng sinh viên của các trường đại học.

GS Tim chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp tại trường ĐH California, Northridge, Hoa Kỳ.

Theo GS Tim, hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên trường ĐH Mỹ được xây dựng như là một chương trình song song với chương trình học tín chỉ, nhằm bổ khuyết những hạn chế, sự thiếu cập nhật của chương trình đào tạo hiện hành với những kỹ năng mà thị trường lao động yêu cầu ở sinh viên vừa ra trường. Vì vậy, các trường ĐH ở Mỹ thường xây dựng các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, giúp trang bị những kiến thức và công cụ cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của sinh viên sau này. Đây là một chương trình chính thức, tuy nhiên lại không được phân bổ bất kỳ tín chỉ nào trong toàn bộ chương trình học của sinh viên tại trường, và các hoạt động cung cấp của CSUN đều hoàn toàn miễn phí, giúp tạo ra không gian chia sẻ cởi mở, hỗ trợ cho sinh viên trong việc nghiên cứu, đề xuất và hiện thực hoá các ý tưởng của họ.

Chiều ngày 18/9/2019, với sự tham dự các đại biểu đến từ Tỉnh Đoàn Nghệ An,  các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công trên địa bàn, GS Tim có buổi chia sẻ và tư vấn cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên trường ĐH Vinh. Mở đầu phiên làm việc, toàn bộ đại biểu và sinh viên cùng nghe phần chia sẻ kiến thức về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của ông Quý (ASEM Việt Nam), kinh nghiệm gọi vốn cho dự án khởi nghiệp của ông Huy (APAX Nghệ An), cách thức tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của anh Viễn (Go Stream). Phần tiếp theo của buổi làm việc, GS Tim và các khách mời cùng nghe phần trình bày của sinh viên về các dự án khởi nghiệp, tiêu biểu là các dự án HAPPY FARM, PETSHOP, ZERO WASTE HOME, HANDMADE VIETSKY, SHIPPER sinh viên… Phần lớn các đại biểu đều đánh giá cao những ý tưởng sáng tạo của sinh viên, tuy nhiên, để có thể hiện thực hoá các ý tưởng đó, cần có nhiều nỗ lực và cố gắng. GS Tim trong phần tổng kết buổi làm việc cho rằng, các ý tưởng rất tốt nhưng hầu như chỉ mới được nhìn từ 1 phía. Các bạn sinh viên chưa định hình rõ đối tượng khách hàng mục tiêu (họ là ai, sống ở đâu, tên của họ, đặc điểm tiêu dùng của khách hàng…), chưa lượng hoá được các yếu tố thị trường (khách hàng mục tiêu chính, phương thức kết nối, tìm kiếm khách hàng, đối thủ cạnh tranh, dung lượng thị trường…). Để có thể kêu gọi vốn cho các dự án này, cần có những số liệu cụ thể về chương trình, kế hoạch, doanh thu, lợi nhuận, dung lượng thị trường và khả năng mở rộng quy mô trong tương lai. Phần lớn các ý tưởng chưa chú ý tới việc khảo sát và kiểm chứng ý tưởng với thị trường, nhằm đạt được sự tương thích giữa sản phẩm – thị trường (Product-market fit).

 

  Sinh viên ngành Kinh tế đầu tư giới thiệu về ý tưởng xây dựng PETSHOP

GS cũng chỉ ra việc tạo ra các vườn ươm khởi nghiệp không phải là việc tạo ra một đơn vị giúp sinh viên trong mọi việc, đây chỉ là nơi cung cấp những công cụ để tự bản thân sinh viên tự tìm ra phương thức giúp đỡ bản thân, giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm thực tế. Công việc của các vườn ươm và những người hỗ trợ khởi nghiệp (mentor) là giúp cho các sinh viên đến được nơi cần đến, giúp họ trải nghiệm thị trường, trải nghiệm thực tế. Đặc biệt, cần cung cấp cho sinh viên những kiến thức, chiến lược, công cụ cần thiết, giúp họ tự bảo vệ mình khỏi những nguy hiểm trong quá trình khởi nghiệp.

GS Tim cùng các đại biểu lắng nghe phần trình bày của sinh viên về ý tưởng khởi nghiệp

Cuối buổi làm việc, GS cũng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp của CSUN và để thực sự hoạt động hiệu quả, cần có sự cam kết, chung tay từ nhiều bộ phận, phòng ban, khoa viện của trường cũng như sự liên kết giữa các trường đại học thuộc các khối ngành khác nhau, tạo ra môi trường chia sẻ cởi mở, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động khởi nghiệp của sinh viên.

GS. Tim chia sẻ cách thức thiết lập mục tiêu cho hoạt động Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại trường Đại học

Trong ngày làm việc thứ hai ở trường ĐH Vinh (19/9/2019), GS Tim cùng với đại diện của các đơn vị trong trường cùng trao đổi và hướng dẫn cách thức xây dựng mục tiêu cho chương trình khởi nghiệp, xây dựng dự thảo kế hoạch khởi nghiệp sáng tạo (trung hạn) cho trường ĐH Vinh. Qua trao đổi với lãnh đạo của các Khoa, viện, thống nhất việc trường ĐH Vinh với đầu mối là trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp sẽ xây dựng kế hoạch Khởi nghiệp sáng tạo, thực hiện xây dựng các mục tiêu cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và thực hiện khảo sát nhu cầu hỗ trợ khởi nghiệp của sinh viên, GS Tim sẽ giúp đỡ nhà trường trong việc điều chỉnh kế hoạch và giúp đỡ về mặt chuyên môn, đào tạo các người hướng dẫn (mentor) về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của trường ĐH Vinh trong giai đoạn tiếp theo.

Nguồn: Khoa Kinh tế