Giải Nobel Kinh tế 2016 thuộc về 2 Giáo Sư Đại học Mỹ

 

Giải thưởng Nobel Kinh tế 2016 vừa được quyết định trao cho hai ông Oliver Hart của trường ĐH Harvard và Bengt Holmström của trường Học viện Công nghệ Massachusettes (MIT) cho những đóng góp của họ cho lý thuyết hợp đồng.

 

Các nền kinh tế hiện đại được gắn kết với nhau bởi vô số hợp đồng. Những công cụ lý thuyết mới do Hart và Holmström thiết lập nên có giá trị lớn trong việc hiểu các hợp đồng và tổ chức trong thực tế, cũng như các cạm bẫy tiềm năng trong thiết kế hợp đồng. Một trong số các mục tiêu của lý thuyết hợp đồng là giải thích vì sao các hợp đồng lại có nhiều hình thức và thiết kế khác nhau.

Oliver Hart, sinh năm 1948, hiện là giáo sư kinh tế tại Đại học Havard (Mỹ). Hiện là một công dân Mỹ sinh ra ở Anh, Hart nhận được bằng cử nhân toán từ ĐH Cambridge vào năm 1969, bằng thạc sĩ kinh tế của ĐH Warwick năm 1972 và hoàn thành nghiên cứu tiến sĩ tại ĐH Princeton năm 1974. Năm 1993, ông gia nhập đội ngũ giáo sư của Harvard và là Trưởng khoa kinh tế từ năm 2000 đến 2003. Ông chủ yếu nghiên cứu lý thuyết hợp đồng, lý thuyết công ty, tài chính doanh nghiệp, và kinh tế - luật. Các nghiên cứu của ông xoay quanh vai trò của cơ cấu sở hữu và các thỏa thuận hợp đồng trong công tác điều hành và các giới hạn của doanh nghiệp. Ông đã xuất bản một cuốn sách (Các công ty, hợp đồng, và cơ cấu tài chính, Nxb Trường Oxford, 1995) và rất nhiều bài báo khoa học. Ông là hội viên của Hiệp hội kinh tế lượng, Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Hoa Kỳ, Học viện Anh, và Hiệp hội Tài chính Hoa Kỳ, là một thành viên của Viện hàn lâm Khoa học, và nhận được một số bằng danh dự. Ông từng là Chủ tịch của Hiệp hội Luật và Kinh tế Hoa Kỳ và Phó chủ tịch của Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ.

 

Bengt Holmström, sinh năm 1949 ở Helsinki, Phần Lan, hiện là giáo sư kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts. Ông tốt nghiệp ngành toán lý tại ĐH Helsinki năm 1972, lấy bằng thạc sĩ nghiên cứu vận hành tại ĐH Stanford năm 1975 và 3 năm sau trở thành tiến sĩ quản trị kinh doanh cũng tại Stanford. Năm 1994, ông về công tác tại MIT và là Trưởng khoa kinh tế từ năm 2003 đến 2006.  Ông là một hội viên được bầu chọn của Viện Hàn Lâm Nghệ thuật và Khoa học Hoa Kỳ, Hiệp hội Kinh tế lượng và Hiệp hội Tài chính Hoa Kỳ, và một thành viên nước ngoài được bầu chọn của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển. Ông là trợ lý nghiên cứu của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ và là thành viên của Ủy ban điều hành của Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế. Năm 2011, ông từng là Chủ tịch của Hiệp hội Kinh tế lượng. Ông là một lý thuyết gia kinh tế vi mô, được biết đến nhiều nhất qua các công trình nghiên cứu về lý thuyết xác lập hợp đồng và ưu đãi, đặc biệt là khi ứng dụng trong lý thuyết công ty, điều hành doanh nghiệp, và các vấn đề thanh khoản trong khủng hoảng tài chính. Ông là thành viên của nhiều ban lãnh đạo các viện khoa học. Ông cũng là người có công phát triển lý thuyết về rủi ro đạo đức - điều mà các ngân hàng thường xuyên bị chỉ trích. Holmstrom từng có thời gian dài ngồi trong Hội đồng quản trị của Nokia, từ năm 1999 đến 2012. Gần đây, các nghiên cứu của ông tập trung vào vấn đề thanh khoản trên thị trường tài chính.

          Đại diện của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhận xét rằng nghiên cứu của hai nhà khoa học trên đặt “nền tảng trí tuệ” cho chính sách về những lĩnh vực như pháp luật về phá sản và hiến pháp, theo BBC.

Hợp đồng là thành tố quan trọng trong nền kinh tế ngày nay, nhưng bên sử dụng nhân sự và người lao động lại giao kèo với nhau rất nhiều điều khoản, chi tiết phức tạp. Những nghiên cứu của ông Oliver Hart và Bengt Holmstrom xoay quanh những lý thuyết về hợp đồng ấy, giải quyết được sự cân bằng giữa nhu cầu của các bên tham gia hợp đồng, tức chia sẻ lợi ích của các bên.

Thoạt nghe nghiên cứu này có vẻ nhỏ nhặt, thiếu thu hút, nhưng lại đặt ra nền tảng quan trọng cho kinh tế, “có giá trị cho sự hiểu biết về hợp đồng và tổ chức trong cuộc sống thực tế”, cũng như giúp “xác định những cạm bẫy tiềm năng trong việc xây dựng hợp đồng”, BBC dẫn lời Đại diện của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển.

Các nghiên cứu này cũng giúp doanh nghiệp hoặc bên sử dụng lao động cân nhắc việc trả lương “cứng” hay trả theo hiệu suất công việc, và liệu các nhà cung cấp dịch vụ công nên tư hữu tài sản hay biến nó thành sở hữu chung.

Lý thuyết hợp đồng mang tính ứng dụng cao trong cuộc sống, ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực, từ công việc quản trị doanh nghiệp cho đến cả quá trình hoạch định chính sách. Hart và Holmstrom có những công cụ không chỉ để phân tích những khía cạnh về tài chính của các hợp đồng mà còn phân tích về quyền kiểm soát, quyền sở hữu và quyền quyết định của các bên.

Có từ những năm 70 của thế kỷ trước, lý thuyết này giúp các công ty thiết kế các hợp đồng bồi thường cho người lao động. “Quy tắc tin tức” của Holmstrom cho rằng nên quyết định tiền lương dựa vào những yếu tố bên ngoài, như liên hệ tiền lương của người quản lý với giá cổ phiếu của công ty so với các đối thủ cạnh tranh. Điều này giúp phòng tránh trường hợp tiền thưởng rơi vào tay người may mắn hay người kém may mắn lại bị phạt.

Trong khi đó Hart tập trung nghiên cứu sự phân chia quyền lực trong các mối quan hệ kinh tế, trong đó có các hợp đồng. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, ông đạt được một bước tiến lớn trong việc phân tích phạm vi của” những hợp đồng chưa hoàn thiện”. Ông cho rằng vì tương lai là không thể đoán trước, một hợp đồng cơ bản phải chỉ ra được ai có quyền quyết định phải làm gì khi các bên không thể đi đến đồng thuận.

Thông qua các đóng góp ban đầu của mình, Hart và Holmstrom đã khai mở lý thuyết hợp đồng với tư cách là một lĩnh vực nghiên cứu cơ bản đầy triển vọng. Trong vài thập kỷ qua, họ cũng khảo sát rất nhiều ứng dụng của lý thuyết này. Phân tích của họ về các thỏa thuận hợp đồng tối ưu đặt nền tảng trí tuệ cho việc thiết kế các chính sách và thể chế trong nhiều lĩnh vực kinh tế.

Giải thưởng có tổng trị giá là 8 triệu kronar Thụy Điển (tương đương 926.000 USD), sẽ được chia đôi cho 2 người đoạt giải Nobel Kinh tế 2016 ./.

 

Quỳnh Mai