VỀ ĐÀO TẠO CHUYÊN GIA KẾ TOÁN Ở VIỆT NAM

 

TS. Đường Thị Quỳnh Liên

Bộ môn Kế toán - Khoa Kinh tế

 

            (Bài đăng trên Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia: “Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán theo yêu cầu hội nhập” - Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam )

 

Kế toán là nghệ thuật thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin về toàn bộ tài sản và sự vận động của tài sản (hay là toàn bộ thông tin về tài sản và các hoạt động kinh tế tài chính) trong doanh nghiệp nhằm cung cấp những thông tin hữu ích cho việc ra các quyết định về kinh tế - xã hội và đánh giá hiệu quả của các hoạt động trong doanh nghiệp. Kế toán là một nghề cũng giống như nhiều nghề chuyên môn khác, nghĩa là phải có chức danh nghề nghiệp để đánh giá theo từng cấp độ chuyên môn nghiệp vụ của những người làm việc trong lĩnh vực kế toán. Do đó, đào tạo chuyên gia kế toán ở Việt Nam không những là một tất yếu khách quan mà còn là vấn đề thời sự cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

            Từ khóa: chuyên gia kế toán, đào tạo kế toán, kế toán, nghề kế toán

 

Kế toán cần ở mọi doanh nghiệp, tổ chức, đất nước, thể chế và ở những nước càng phát triển - chuyên môn kế toán càng được đánh giá cao và kèm theo là cơ hội nghề nghiệp và thăng tiến cho người có chuyên môn cao trong lĩnh vực này.

            Ngày nay, kế toán là một trong những ngành nghề được đánh giá cao nhất trong lĩnh vực kinh doanh. Tại Anh, Úc, Mỹ, Canada, New Zealand… kế toán được liệt kê trong danh sách các ngành nghề có yêu cầu lao động cao và người ngoại quốc có chuyên môn kế toán phù hợp sẽ được cộng điểm khi xin định cư tại các nước này.

            Kế toán không chỉ đơn thuần là tiền mà còn là những con số khiến cả thế giới xoay quanh, và những thách thức kinh tế thế giới gần đây chỉ ra rằng, hiện nay hơn bao giờ hết kế toán phải đáp ứng nhiều hơn nữa nhu cầu của môi trường kinh doanh năng động hiện tại. Thậm chí trong bối cảnh nền kinh tế đi xuống vẫn có nhu cầu về những kế toán trẻ chuyên nghiệp có bằng cấp trên khắp thế giới nhờ những kiến thức sâu rộng mà họ có thể mang tới cho một doanh nghiệp.

            Những năm qua, đặc biệt từ năm 1995 đến nay, kế toán Việt Nam đã và đang được hoàn thiện một cách căn bản nhằm thực sự trở thành công cụ đắc lực trong quản lý kinh tế tài chính ở tầm vĩ mô. Song trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới và khu vực hiện nay đòi hỏi kế toán không chỉ dừng lại ở phạm vi quốc gia mà phải mang tính toàn cầu. Vì vậy, ở Việt Nam cũng cần phải có các chuẩn mực nghề nghiệp, chức danh nghề nghiệp, đảm bảo sự hành nghề theo những nguyên tắc và chuẩn mực thống nhất. Nghĩa là phải đào tạo chuyên gia kế toán đạt tiêu chuẩn.

1. Mục tiêu đào tạo chuyên gia kế toán

            Chuyên gia kế toán cần được coi là một chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Những ai đạt được chức danh này phải là những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có đủ khả năng về lý luận và thực tiễn để hành nghề độc lập, xử lý những vấn đề nghiệp vụ một cách thành thạo, đồng thời phải có đủ các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những công việc, sản phẩm dịch vụ do mình cung cấp.

            Ở Việt Nam cần thiết phải đào tạo chuyên gia kế toán, nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế và nâng cao trình độ chuyên môn trên lĩnh vực kế toán, kiểm toán ngang tầm với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, đào tạo chuyên gia kế toán ở Việt Nam hiện nay cần phải nhận thức đầy đủ các mặt sau đây:

            Về mục tiêu: Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán theo định hướng chuyên gia. Sinh viên ra trường có khả năng thực hiện các nghiệp vụ về kế toán, phân tích dự báo tài chính trong các doanh nghiệp và tổ chức khác; nghiên cứu, giảng dạy về kế toán trong các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở nghiên cứu; Có thể tiếp tục tự học, tham gia học tập ở bậc học cao hơn để trở thành các nhà lãnh đạo, các chuyên gia trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán. Đào tạo đội ngũ chuyên gia kế toán nhằm đáp ứng yêu cầu chuển mực đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn được công nhận trên phạm vi quốc gia, ngang tầm với các nước trong khu vực và quốc tế.

            Thiết lập cơ sở pháp lý và các yếu tố hành chính để Chính phủ cồng nhận chức danh chuyên gia kế toán.

            Định hướng cơ bản về đào tạo chuyên gia kế toán

            Đào tạo chuyên gia kế toán phải trên cơ sở kết hợp các yếu tố cơ bản như quy định của liên đoàn kế toán quốc tế, kinh nghiệm đào tạo chức danh này ở các nước có nền kinh tế phát triển và phù hợp với những đặc điểm của Việt Nam.

            Đào tạo chuyên gia kế toán cần phải tính đến sự phát triển của nền kinh tế trong từng thời kỳ, đồng thời phải đảm bảo tính cơ cấu về cán bộ chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực kế toán.

            Đào tạo chuyên gia kế toán cần phải xác định được lộ trình, quy trình đào tạo và các phương án cụ thể trong đào tạo. Đồng thời để có những chuyên gia kế toán được đào tạo đòi hỏi phải đổi mới căn bản chương trình, nội dung và phương thức đào tạo kế toán. Về chương trình đào tạo, cần đa dạng hơn, linh hoạt hơn cho các chuyên ngành kế toán. Về nội dung, cần phong phú về kiến thức để vừa đảm bảo những kiến thức lý thuyết cơ bản, có tính nguyên lý, đạo lý và khoa học vừa có tính thực tiễn. Khoa học kế toán có tính độc lập và khá hoàn chỉnh cả về nội dung và phương pháp luận nhưng dựa trên nền tảng của khoa học quản lý và lý thuyết tài chính. Vì vậy, nội dung đào tạo không chỉ bao hàm những kiến thức mang tính nguyên lý, nguyên tắc của kế toán, kiểm toán, không chỉ kỹ năng về phương pháp kế toán, kiểm toán mà rất cần những kiến thức về lý thuyết kinh tế, quản lý kinh tế và tài chính... Kiến thức về kế toán không chỉ dừng lại ở phương pháp kế toán, phương pháp xử lý, tổng hợp và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính mà quan trọng hơn là kỹ năng tổ chức thu thập, đánh giá thông tin, kỹ năng sử dụng thông tin do kế toán xử lý và cung cấp, do kiểm toán đã kiểm tra, đánh giá và xác nhận.

2. Các vấn đề liên quan đến đào tạo chuyên gia kế toán

            Đề đào tạo chuyên gia kế toán ở Việt Nam mang tính khả thi và đạt hiệu quả mong muốn, cần giải quyết tốt các vấn đề cụ thể sau đây:

            Thứ nhất, Bộ tài chính sớm trình Chính phủ có quyết định công nhận về mặt pháp lý chức danh chuyên gia kế toán

            Thứ hai, lập đề án, lựa chọn mô hình, phương án và lộ trình đào tạo chuyên gia kế toán

            Thứ ba, xây dựng chương trình khung và nội dung, quy trình đào tạo, nguồn kinh phí phục vụ đào tạo

            Thứ tư, triển khai thực hiện đào tạo thí điểm từ đó đúc rút kinh nghiệm và thực hiện

            Hiện tại trên thế giới, một số quốc gia  đang tổ chức đào tạo chuyên gia kế toán theo mô hình sau:

            - Đào tạo qua con đường đại học. Những người tốt nghiệp đại học chuyên ngành  tiếp tục lựa chọn để đào tạo trở thành chuyên gia kế toán, phải qua kỳ thi tuyển và kiểm tra kiến thức chuyên môn.

            - Đào tạo ngoài đại học. Những người không nhất thiết phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành, có thể chỉ có bằng tốt nghiệp trung học chuyên ngành kế toán, sau khi qua kỳ thi tuyển được lựa chọn vào đào tạo chuyên gia kế toán.

            Nhưng thực tế đối với Việt Nam, nên chăng chỉ đào tạo các chuyên gia kế toán qua con đường đại học chuyên ngành nhưng phải có thời gian thực tế công tác tại các doanh nghiệp, các đơn vị hành chính sự nghiệp ít nhất là 4-5 năm kinh nghiệm. Một số trường hợp đặc biệt, đối với những người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kế toán, năng lực hiệu quả cồng tác tốt thì vẫn có thể lựa chọn đề đào tạo chuyên gia kế toán. Theo đó, vấn đề đào tạo chuyên gia kế toán đối với chương trình đào tạo cần được thiết kế theo các khối kiến thức, gồm các hoạc phần. Các học phần này  phải mang tính lý luận tổng hợp, kiến thức chuyên sâu và nhiều tình huống thực tế. Cuối khoá học, ngoài việc thi hết các học phần, các học trình, học viên phải hoàn thành một đề tài hoặc đề án xử lý những tình huống cụ thể. Về thời gian đào tạo ít nhất là 1 năm và có thể tổ chức theo mô hình đạo tạo tập trung hoặc đào tạo không tập trung.

            Về tổ chức đạo tạo và quản lý

            Bộ tài chính là cơ quan chủ trì trong việc tổ chức đào tạo chuyên gia kế toán và giao cho một số đơn vị có đủ khả năng, điều kiện phối hợp đào tạo.

            Lựa chọn giảng viên tham gia khoá đào tạo chuyên gia kế toán trước hết phải là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phù hợp với chuyên môn. Các giảng viên này có thể là các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, các chuyên viên cao cấp thuộc lĩnh vực phù hợp, có nhiều năm kinh nghiệm công tác tại các trường đại học, các Bộ, ngành trong nước, đồng thời có thể là chuyên gia nước ngoài. Trước mắt, yêu cầu đội ngũ giảng viên kế toán phải tự tham khảo thêm các tài liệu nước ngoài để thiết kế bài giảng sát thực và sinh động hơn. Điều này đặt ra một tiêu chí tuyển dụng giảng viên kế toán thời kỳ mới là phải thành thạo tiếng Anh, hay tối thiểu phải đọc được và tham khảo được nguồn tài liệu nước ngoài. Việc thiết kế chương trình đào tạo kế toán bậc đại học nên theo hướng tích hợp với các chương trình dự thi lấy chứng chỉ hành nghề CPA Việt nam và cao hơn nữa là chứng chỉ ACCA, CPA Úc,…

 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. PGS.TS Đặng Văn Thanh, Đổi mới chương trình, nội dung và cách thức đào tạo kế toán-kiểm toán ở bậc đại học, Tạp chí Kế toán kiểm toán số 5/2011

2  PGS.TS Mai Thị Hoàng Minh, Chức danh nghề kế toán – CPA Việt nam – Với thực trạng đào tạo kế toán hiện nay, Đại học Kinh tế TP.HCM

3. PGS.TS Vũ Hữu Đức, Đào tạo kế toán Việt nam – Tiềm năng và thách thức, Đại học mở TP.HCM

4. ThS Nguyễn Đào Tùng, Nghề kế toán - rộng mở cơ hội việc làm và thăng tiến, ĐH Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh

5. ThS Nguyễn Thị Hương Liên - Mô hình nào cho giảng dạy kế toán trong các trường ĐH Việt Nam, ĐH Quốc gia Hà Nội

6. ThS Phạm Bích Ngọc, Tính cấp thiết của việc đào tạo chuyên gia kế toán hiện nay, Học viện Tài chính