VAI TRÒ HỘ GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI TỰ TẠO VIỆC LÀM
CỦA LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Hồ Thị Diệu Ánh

Tóm tắt:

Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu xác định các nhân tố thuộc về hộ gia đình có ảnh hưởng đến khả năng tự tạo việc làm phi nông nghiệp của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ 675 lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An (lựa chọn 4 huyện đại diện cho các vùng địa lý của khu vực nghiên cứu). Thông tin thu thập được kiểm định thông qua mô hình Binary Logistic. Kết quả phân tích cho thấy các yếu tố thuộc về hộ gia đình có ảnh hưởng lớn đến tự tạo việc làm phi nông nghiệp của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An bao gồm: (1) Sự hỗ trợ của hàng xóm, (2) Sử dụng vốn vay của họ hàng, (3) Vốn của bạn bè trong xã, (4) Gia đình có đất đai nhà xưởng và (5) Ảnh hưởng của bạn bè. Nghiên cứu mong muốn sẽ góp phần tích cực vào việc thay đổi nhận thức gia đình đối với khả năng tự tạo việc làm của lao động nông thôn.

Từ khóa: Hộ gia đình, Tự tạo việc làm, Lao động nông thôn

The role of households for self-employment of rural labor force in Nghe An province

Abstract

The study was conducted to determine the objectives of the factors that affect household ability to self-employment of rural labor force in Nghe An province. Research data were collected from 675 rural workers in Nghe An province (selecting 4 districts representing geographical areas of the study area). Collected information is accredited through Binary Logistic model. The analytical results show that the elements of the household has a great influence on self-employment of rural labor force in Nghe An province, including: (1) The support of neighbors, (2) using the loan from relatives, (3) Capital of friends in the province, (4) Family with land and premises (5) effect of friends. The research hopes to contribute positively to the changing perceptions towards family self-employment of rural labor.

Keyword: Household, self-employment, rural labor

1.   Giới thiệu

Tự tạo việc làm phi nông nghiệp là một xu hướng phát triển tất yếu của lao động nông thôn hiện nay. Tự tạo việc làm có mối quan hệ chặt chẽ với phát triển kinh tế của một địa phương. Ngô Quỳnh An (2012) đã xác định: “Về mặt lý luận, tự tạo việc làm là quá trình người lao động tự tổ chức kết hợp sức lao động của bản thân và những người khác với tư liệu sản xuất mà họ sở hữu hay tự bỏ chi phí đầu tư nhằm đem lại thu nhập hợp pháp. Trong thực tế, tự tạo việc làm của người lao động là quá trình họ tự tạo ra, chịu trách nhiệm tổ chức và thực hiện các hoạt động lao động đem lại nguồn thu nhập hợp pháp, mà với những hoạt động này người lao động tự đầu tư chi phí và hưởng toàn bộ lợi nhuận thu được ứng với chi phí họ đầu tư”. Tự tạo việc làm thành công sẽ tạo điều kiện cung cấp các cơ hội việc làm mang lại thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần làm phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế địa phương. Thực hiện quá trình tự tạo việc làm phi nông nghiệp vai trò của hộ gia đình có những tác động cơ bản. Người thân, họ hàng, bạn bè trong và ngoài xã có những tác động đến tự tạo việc làm của lao động nông thôn. Những công việc người thân đang làm có ảnh hưởng đáng kể đến lao động nông thôn. Người thân giúp lao động nông thôn trong các định hướng xác định công việc, ngoài ra nếu có điều kiện còn hỗ trợ về tài chính để có thể phát triển công việc. 

 

2.   Phương pháp nghiên cứu

2.1.                         Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Lý thuyết hành vi kế hoạch của Ajzen (1991) cho rằng ý định thực hiện một hành vi chịu tác động của 3 yếu tố: thái độ của cá nhân, quy chuẩn chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi. Trong đó quy chuẩn chủ quan liên quan đến việc người khác (gia đình, bạn bè …) cảm thấy như thế nào khi thực hiện hành vi. Theo Dewit (1993) nền tảng gia đình là quan trọng trong việc quyết định lựa chọn giữa tự tạo việc làm và làm công. Nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh tới tác động của nghề nghiệp và học vấn của cha mẹ tới khuynh hướng tự tạo việc làm. Các nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng đáng kể của nghề nghiệp của người cha tới sự lựa chọn nghề nghiệp của con cái. Một người có nhiều khả năng tự tạo việc làm nếu cha anh ta cũng tự tạo việc làm. Cũng theo Dewit một người có xu hướng chấp nhận rủi ro để có được lợi ích cao hơn nếu bạn đời của họ cũng làm việc và có thu nhập ổn định.

Ở Việt Nam, nghiên cứu của Đỗ Thị Quỳnh Trang, Gerard Duchene (2008) đã tìm thấy bằng chứng cho rằng, mặc dù đối với nam giới thì tình trạng hôn nhân và số con không ảnh hưởng đến lựa chọn tự tạo việc làm của họ, đối với phụ nữ, số con của họ làm tăng khả năng lựa chọn tự làm. Nghiên cứu của James (1998) đã khẳng định nếu gia đình có tỷ lệ số người tự tạo việc làm cao thì cơ hội lựa chọn tự tạo việc làm của các thành viên khác cũng cao hơn. Linda Yueh (2009) cũng đã đưa ra ý kiến tương tự khi nghiên cứu tự tạo việc làm của nông thôn Trung Quốc, một người quyết định khởi sự doanh nghiệp khi có bạn bè hay người thân trong gia đình đang kinh doanh. Ngô Quỳnh An (2012) đã khẳng định vai trò của gia đình là quan trọng nhất trong việc hỗ trợ khuyến khích thanh niên tự tạo việc làm. Gia đình cung cấp các tiềm lực tài chính, truyền thống tự tạo việc làm đến vai trò của hộ gia đình các thành viên nữ trong hộ gia đình đều có mối quan hệ tỷ lệ thuận với khả năng tự tạo việc làm của thanh niên Việt Nam.

Dự án FSPS chương trình hỗ trợ ngành thủy sản của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An (2010) đã khẳng định nguồn lực cho phát triển kinh tế và thực hiện các hoạt động sinh kế của lao động nữ ven biển tỉnh Nghệ An còn nhiều hạn chế như trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn lao động thấp, phụ nữ vất vả sinh nhiều con chăm lo gánh vác gia đình thay nam giới đi biển, thiếu đất nông nghiệp để canh tác. Nghề nghiệp chủ yếu của lao động nữ tại các xã ven biển liên quan nhiều đến các nghề đi biển. Sinh kế của lao động nữ phụ thuộc chủ yếu vào nghề biển và phụ thuộc vào người chồng.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định vai trò của hộ gia đình đối với khả năng tự tạo việc làm của lao động nông thôn, cung cấp thêm bằng chứng thực nghiệm trên cơ sở điều tra khảo sát tại địa bàn tỉnh Nghệ An. Kết quả của nghiên cứu góp phần đưa ra các gợi ý định hướng chính sách liên quan đến việc hỗ trợ của hộ gia đình tới khả năng tự tạo việc làm của lao động nông thôn.

Trên cơ sở phân tích lý thuyết và tổng quan nghiên cứu, tác giả đã đề xuất khung phân tích như Hình 1.

Hình 1: Khung phân tích vai trò hộ gia đình đối với tự tạo việc làm của lao động nông thôn

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 


Nguồn: Đề xuất của tác giả

 

2.2.                        Phương pháp chọn mẫu quan sát

Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu trong cuộc điều tra sơ cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tác giả đã thực hiện cuộc khảo sát lao động nông thôn tại các địa phương, cuộc điều tra được thực hiện vào tháng 4 năm 2014. Thu thập phát phiếu điều tra đối tượng lao động nông thôn thuộc hộ gia đình. Các thông tin định lượng được thu thập thông qua cuộc điều tra với bảng hỏi được thiết kế sẵn. Nghiên cứu đã thực hiện cuộc khảo sát lao động nông thôn tại các địa phương, vào tháng 4 năm 2014.

Điều tra phỏng vấn các đối tượng lao động nông thôn, từ các hộ gia đình: Hình thức điều tra, trên địa bàn tỉnh Nghệ An lựa chọn 4 huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Quế Phong đại diện cho 4 vùng địa lý (vùng đồng bằng, vùng ven biển, vùng núi thấp, vùng núi cao). Tại mỗi huyện chọn 2 xã điều tra hộ gia đình (đối tượng điều tra là chủ hộ).

Đơn vị điều tra trong nghiên cứu được xác định là “lao động nông thôn” thuộc hộ gia đình. Có hai loại đối tượng nghiên cứu được xác định trong mẫu điều tra (lao động nông thôn không tự tạo việc làm, lao động nông thôn tự tạo việc làm phi nông nghiệp). Với mục tiêu thu thập số liệu đủ lớn để kết quả nghiên cứu có ý nghĩa thống kê. Đề tài phân vùng địa lý các đơn vị hành chính cấp huyện tỉnh Nghệ An thành bốn vùng, trên cơ sở đó mỗi vùng chọn 1 huyện, mỗi huyện chọn 2 xã. Địa bàn các xã điều tra là đại diện tiêu biểu cho vùng nghiên cứu.

 

Bảng 1: Phân bố của mẫu điều tra lao động nông thôn

TT

Huyện điều tra

Số xã/
số mẫu

Xã điều tra

Dự kiến điều tra lao động nông thôn

Mẫu thu về

Tự tạo việc làm phi nông nghiệp

Không tự tạo việc làm

Tự tạo việc làm phi nông nghiệp

Không tự tạo việc làm

1

Yên Thành

2 xã/200

Công Thành

50

50

30

50

Đô Thành

50

50

32

50

2

Quỳnh Lưu

2 xã/200

Quỳnh Lâm

50

50

28

50

Quỳnh Văn

50

50

34

50

3

Thanh Chương

2 xã/200

Đồng Văn

50

50

32

55

Hạnh Lâm

50

50

32

55

4

Quế Phong

2 xã/200

Tiền Phong

50

50

35

54

Tri Lễ

50

50

35

53

 

 

 

400

400

258

417

Tổng thể mẫu

800

675

Nguồn: Khảo sát của tác giả , tháng 4 năm 2014.

Do khó khăn về khoảng cách địa lý, thời gian và kích thước mẫu điều tra tương đối lớn nên tác giả không thể trực tiếp phỏng vấn và điều tra lao động nông thôn mà nhờ sự hỗ trợ của một số cán bộ ở các xã. Các cán bộ ở địa phương sau khi được tập huấn về nội dung bảng hỏi đã hướng dẫn lao động nông thôn điền vào các câu trả lời trong bảng hỏi. Cách thu thập thông tin này gặp phải một số khó khăn trong quá trình điều tra, vì vậy mẫu điều tra phát ra là 800 phiếu nhưng thu về được 675 phiếu.

 

Bảng 2: Phân bố (%) của đối tượng điều tra theo một số đặc điểm cơ bản

Đặc điểm
cơ bản

Tổng số đối tượng điều tra: 675

1.    Nhóm tuổi

19-35

36-50

>= 51

 

 

Tỷ lệ (%)

21,6

54,7

23,7

 

 

2.    Giới tính

Nam

Nữ

 

 

 

Tỷ lệ (%)

64,9

23,7

 

 

 

3.    Tình trạng hôn nhân

Đã kết hôn

Góa

Ly hôn

Chưa
kết hôn

 

Tỷ lệ (%)

93,5

2,1

0,4

4,0

 

4.    Trình độ học vấn

Tiểu học

Trung học
cơ sở

Trung học
phổ thông

Cao đẳng,
Đại học

 

Tỷ lệ (%)

12

36,6

46,8

4,6

 

5.    Trình độ chuyên môn

Không có trình độ chuyên môn

Sơ cấp nghề

Trung cấp nghề

Cao đẳng nghề

Đại học

Tỷ lệ (%)

41,3

41,2

10,2

4,6

2,7

Nguồn: Khảo sát của tác giả, tháng 4-2014.

2.3.                         Phương pháp phân tích

Nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy để đánh giá tác động của các biến độc lập lên biến phụ thuộc (Tự tạo việc làm phi nông nghiệp). Tác giả sử dụng kỹ thuật phân tích đa biến, đặc biệt là kỹ thuật phân tích hồi quy tương quan (binary) cho phép đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhóm yếu tố tới tự tạo việc làm của lao động nông thôn. Theo mô hình xác định biến phụ thuộc là “Tự tạo việc làm phi nông nghiệp”. Biến phụ thuộc có hai giá trị (Không tự tạo việc làm: 0; Tự tạo việc làm: 1). Vì vậy, tác giả sẽ sử dụng hàm hồi quy Binary Logistics sử dụng biến phụ thuộc dạng nhị phân để ước lượng xác suất một sự kiện sẽ xảy ra với những thông tin của biến độc lập mà ta có được. Từ biến phụ thuộc nhị phân này, một thủ tục sẽ được dùng để dự đoán xác suất sự kiện xảy ra theo quy tắc nếu xác suất được dự đoán lớn hơn 0,5 thì kết quả dự đoán sẽ cho là “Tự tạo việc làm”, ngược lại kết quả dự đoán sẽ cho là không.

Bảng 3: Biến độc lập trong phân tích hồi quy nhị phân (Binary Logicstic)
Các yếu tố thuộc về hộ gia đình tác động đến tự tạo việc làm phi nông nghiệp


TT

Các biến độc lập

Mã biến

Thang đo

1

Ảnh hưởng họ hàng nơi khác

Ahhhnoikhac

Thứ bậc

2

Ảnh hưởng hàng xóm

Ahhx

Thứ bậc

3

Ảnh hưởng họ hàng trong xã

Ahhohangtrongxa

Thứ bậc

4

Ảnh hưởng bạn bè ngoài xã

Ahbanbengoaixa

Thứ bậc

5

Ảnh hưởng bạn bè trong xã

Ahbanbetrongxa

Thứ bậc

6

Gia đình có nhà xưởng

Conhaxuong

Thứ bậc

7

Sử dụng đất đai gia đình

Sudungddgd

Thứ bậc

8

Vốn họ hàng

Vonhohang

Định danh

9

Vốn bạn bè trong xã

Vonbanbetrongxa

Định danh

Nguồn: Khảo sát của tác giả.

Tác giả tiến hành phân tích đa biến theo mô hình hồi quy logistic nhị phân bằng cách sử dụng phần mềm SPSS để cố gắng làm rõ mối tương quan và đánh giá mức độ tác động của các yếu tố đến tự tạo việc làm phi nông nghiệp của lao động nông thôn. Sử dụng phần mềm SPSS kỹ thuật phân tích hồi quy nhị phân Forward LR ((Lệnh Analyze - Regression - Binarylogictic - Method (Forward LR)).

Trong mô hình hồi quy logistic nhị phân, biến phụ thuộc là tự tạo việc làm phi nông nghiệp, các biến độc lập là tất cả các biến thuộc ba nhóm yếu tố ảnh hưởng đến tự tạo việc làm. Về biến độc lập, hồi quy nhị phân logistic phần mềm SPSS cho phép sử dụng tất cả các loại biến: liên tục, định danh hoặc nhị phân. Sử dụng phần mềm SPSS kỹ thuật phân tích hồi quy nhị phân Forward LR ((Lệnh Analyze - Regression - Binarylogictic - Method (Forward LR)). Với thủ tục này sẽ tiến hành các bước thử các biến trong mô hình.  

Bảng 4: Kết quả phân tích Hồi quy Binary logictics (N = 675)

TT

Biến độc lập

Mã biến

B

Sig

Exp (B)

1

Có nhà xưởng

Conhaxuong1

2,827

0,000

16,898

2

Sử dụng đất đai gia đình

Sudungddgd

1,808

0,000

6,100

3

Ảnh hưởng hàng xóm

Ahhx1

0,341

0,029

1,406

4

Ảnh hưởng bạn bè ngoài xã

Ahbbnx1

0,460

0,01

1,584

5

Vốn họ hàng

Vonhohang1

0,755

0,004

2,127

6

Vốn bạn bè trong xã

Vonbanbetrongxa1

1,538

0,000

4,656

Hệ số chặn

-3,952

 

 

Nguồn: Ước lượng hồi quy Binary Logistic - Biến phụ thuộc: Tự tạo việc làm.

Thông qua các cách tính xác suất ở các trường hợp điển hình cho thấy khả năng tự tạo việc làm phi nông nghiệp của lao động nông thôn tỉnh Nghệ An thay đổi phụ thuộc vào sự biến động của yếu tố trên thuộc hàm hồi quy với sự tác động của 6 biến cơ bản. Trên cơ sở phân tích hồi quy rút ra một số kết luận sau:

1.   Khi lao động nông thôn đánh giá mức độ quan trọng của láng giềng tăng lên thì khả năng tự tạo việc làm phi nông nghiệp của lao động nông thôn. Láng giềng có ảnh hưởng lớn đến tự tạo việc làm phi nông nghiệp của lao động nông thôn.

2.   Lao động nông thôn có được sự hỗ trợ của bạn bè ngoài xã (mức độ quan trọng của bạn bè ngoài xã được đánh giá cao) thì khả năng tự tạo việc làm phi nông nghiệp tăng lên. Vai trò của bạn bè ngoài xã có tác động thuận chiều đến khả năng tự tạo việc làm của lao động nông thôn.

3.   Những lao động nông thôn có nhà xưởng thì khả năng tự tạo việc làm phi nông nghiệp gấp 16,898 lần những người không có nhà xưởng. Vai trò nhà xưởng của hộ gia đình rất quan trọng, có thể khi gia đình đã có nhà xưởng người lao động được tích lũy nhiều kinh nghiệm do vậy khả năng tự tạo việc làm phi nông nghiệp tăng lên. 

4.   Những lao động nông thôn sử dụng đất đai gia đình có khả năng tự tạo việc làm phi nông nghiệp gấp 6,100 lần những lao động không sử dụng đất đai gia đình. Đất đai gia đình là yếu tố quan trọng để tự tạo việc làm phi nông nghiệp.

5.   Những lao động nông thôn chỉ dựa vào vốn bản thân thì khả năng tự tạo việc làm phi nông nghiệp chỉ bằng 0,494 lần lao động nông thôn không chỉ dựa vào vốn bản thân. Như vậy vốn bản thân không phải là yếu tố cơ bản để tự tạo việc làm phi nông nghiệp mà còn phải sử dụng nhiều nguồn vốn khác thì khả năng tự tạo việc làm phi nông nghiệp mới có thể tăng lên.

6.   Những lao động nông thôn có thể vay được vốn từ họ hàng thì khả năng tự tạo việc làm phi nông nghiệp gấp 2,127 lần những người không vay được vốn từ họ hàng. Điều này cho thấy vai trò họ hàng, mối liên kết dòng họ ở nông thôn có tác động lớn đến tự tạo việc làm phi nông nghiệp.

7.   Những lao động nông thôn có thể vay vốn từ bạn bè trong xã có khả năng tự tạo việc làm phi nông nghiệp gấp 4,656 lần lao động nông thôn không thể vay vốn từ bạn bè trong xã. Nhận thấy sự hỗ trợ của bạn bè trong xã là động lực để lao động nông thôn tự tạo việc làm.

Trên cơ sở phân tích có thể rút ra nhận định về sự ảnh hưởng của các yếu tố thuộc về hộ gia đình có tác động đến khả năng tự tạo việc làm của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

3.   Kết luận và kiến nghị

3.1.                         Kết luận

Nghiên cứu này đã tìm hiểu vai trò của hộ gia đình đối với tự tạo việc làm của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Với việc sử dụng mẫu điều tra (675) trên địa bàn 4 huyện thuộc tỉnh Nghệ An và việc vận dụng mô hình hồi quy phù hợp (Binary logistic) đã phát hiện một số vấn đề cơ bản tác động đến tự tạo việc làm của lao động nông thôn. Tác động của láng giềng có ảnh hưởng lớn đến tự tạo việc làm của lao động nông thôn. Gia đình có nhà xưởng và đất đai sẽ là cơ sở để giúp lao động nông thôn nâng cao khả năng tự tạo việc làm. Sự hỗ trợ của bạn bè ngoài xã là cơ sở giúp tăng xác suất tự tạo việc làm của lao động nông thôn. Vai trò của dòng họ được phát huy giúp lao động nông thôn có cơ hội tự tạo việc làm.

3.2.                         Kiến nghị

Phát huy động lực tự tạo việc làm từ hộ gia đình: Quá trình tự tạo việc làm của lao động nông thôn được sự hỗ trợ lớn từ phía gia đình. Gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ về định hướng việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên thực tế cho thấy các gia đình nông thôn Nghệ An vẫn còn mang nặng tư tưởng truyền thống, không mạnh dạn dám cho con em lập nghiệp. Tư tưởng vươn lên làm giàu còn rất nhiều rào cản từ phía gia đình: thiếu vốn, sợ thất bại, sợ không ổn định, sợ các thủ tục... Thật khó khăn để thuyết phục các gia đình từ bỏ sự thoải mái an toàn khi ở trong môi trường quen thuộc để dấn thân vào tự tạo việc làm. Nếu gia đình và không ủng hộ thì có thể lao động nông thôn sẽ gặp phải những thử thách thật sự. Không đánh giá cao các cơ hội tự tạo việc làm, tâm lý thích sự ổn định và mong muốn bao bọc của cha mẹ và của cộng đồng đối với lao động nông thôn là một trong những rào cản đầu tiên đối với họ. Vì vậy, cần phải thay đổi nhận thức thông qua các chương trình truyền thông đồng bộ, đặc biệt là phát huy được vai trò định hướng nghề nghiệp cho lao động nông thôn trong hộ gia đình. Với vai trò là người mẹ, người chị trong gia đình, luôn hỗ trợ tốt cho thanh niên trong mọi hoàn cảnh, nhận thức của các thành viên trong hộ gia đình sẽ có tác động mạnh và trực tiếp tới thái độ và hành vi lựa chọn nghề nghiệp của lao động nông thôn.

Chính vì vậy để góp phần thúc đẩy quá trình tự tạo việc làm cho lao động nông thôn cần có một số thay đổi trong suy nghĩ của các gia đình.

 (1) Các gia đình cần tạo dựng niềm tin cho lao động nông thôn khi tiến hành khởi sự, lập nghiệp. Để thuyết phục gia đình ủng hộ thì phải có thời gian giải thích cho họ hiểu về việc kinh doanh và xây dựng một kế hoạch chặt chẽ.

 (2) Các gia đình cần chủ động tiếp cận các mô hình tự tạo việc làm ở địa phương hoặc nơi khác, tìm hiểu thông tin định hướng cho con em trong quá trình tự tạo việc làm. Với cách nghĩ, cách nhìn của những người thân có kinh nghiệm trong gia đình sẽ là bài học quý giá trong tự tạo việc làm của lao động nông thôn. Sự ảnh hưởng của chủ hộ gia đình đối với lao động nông thôn có tác động lớn trong quá trình khởi nghiệp.

Tăng cường hỗ trợ tài chính của gia đình, thúc đẩy các nguồn vốn từ họ hàng, bạn bè: Kết quả phân tích cho thấy nếu lao động nông thôn chỉ dựa vào vốn bản thân thì khả năng tự tạo việc làm phi nông nghiệp giảm đi nhiều lần lao động nông thôn không chỉ dựa vào vốn bản thân. Như vậy vốn bản thân không phải là yếu tố cơ bản để tự tạo việc làm phi nông nghiệp mà còn phải sử dụng nhiều nguồn vốn khác thì khả năng tự tạo việc làm phi nông nghiệp mới có thể tăng lên. Đồng thời, các kết luận từ mô hình hồi quy cho thấy những lao động nông thôn có thể vay được vốn từ họ hàng, vay vốn từ bạn bè trong xã thì khả năng tự tạo việc làm phi nông nghiệp tăng lên nhiều lần so với những người không có được từ các nguồn vốn đó. Điều này cho thấy vai trò của họ hàng, mối liên kết dòng họ, mối quan hệ bạn bè ở nông thôn có ý nghĩa lớn đến tự tạo việc làm phi nông nghiệp. Trong điều kiện đó, để có thể tồn tại và phát triển, lao động nông thôn đã quay trở về tìm chỗ dựa trong các mối quan hệ của họ hàng thân tộc nhằm khắc phục những khó khăn của buổi đầu tự lập như: công cụ, sức lao động, vốn liếng, kỹ thuật... Hầu hết các gia đình khi gặp khó khăn đã nhờ vả, nương tựa vào họ hàng nội ngoại, nhất là các mối quan hệ cận huyết. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường hiện nay, công việc kinh doanh ở các địa phương như đã nêu vẫn có sự đan xen đậm nét của các quan hệ họ hàng, làng mạc, thể hiện rõ nét nhất ở việc thuê mướn lao động ưu tiên cho những người thuộc họ tộc thân thích và người làng. Những biểu hiện trên mặc dù không phải là cách giải quyết tối ưu song nó càng khẳng định vai trò của dòng họ trong điều kiện hiện nay. Vai trò của gia đình và dòng họ với những giá trị tốt đẹp và đặc trưng trong nếp sống không những không bị mai một mà còn thích ứng, biến đổi, tạo ra các giá trị mới và có khả năng trường tồn cùng với đời sống làng, xã khu vực nông thôn hiện nay. Truyền thống gia đình về tự tạo việc làm, kinh nghiệm và sự hỗ trợ của những thành viên tự tạo việc làm trong gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong sự lựa chọn tự tạo việc làm và làm chủ sản xuất kinh doanh của họ, đặc biệt, tiềm lực tài chính dựa trên những thu nhập thường xuyên ngoài làm việc của hộ là chỗ dựa vững chắc cho lao động nông thôn tự tạo việc làm. Kinh tế hộ gia đình phát triển đã tạo ra những bước đột phá nâng cao đời sống vật chất và tinh thần gia đình, nhưng bản thân nó chứa đựng rất nhiều giới hạn. Nó là hình thức tổ chức lao động gắn liền với khu vực nông thôn, sự phát triển kinh tế gia đình đóng góp vào sự phát triển của kinh tế - xã hội. Đồng thời kinh tế gia đình còn là bàn đạp vững chắc cho lao động nông thôn trong quá trình tự tạo việc làm. Trong điều kiện xã hội hiện đại, kinh tế gia đình cần phải vượt ra ngoài khuôn khổ hạn hẹp của một gia đình, hòa mình vào sự phân công lao động mới, trong đó thúc đẩy quá trình tự tạo việc làm của lao động nông thôn là một giải pháp hết sức cần thiết.

Xây dựng các mối quan hệ với họ hàng, bạn bè và hàng xóm: Gia đình với các mối quan hệ xã hội, mối quan hệ trong cộng đồng là nguồn lực vững chắc hỗ trợ cho lao động nông thôn trong quá trình tự tạo việc làm. Do chức năng đặc thù của gia đình, gia đình góp phần quan trọng vào việc duy trì sự tồn tại của đời sống xã hội, phát triển kinh tế. Gia đình cũng là mắt xích quan trọng trong mối quan hệ giữa con người với con người với làng xóm với cộng đồng, đất nước. Xây dựng quan hệ lành mạnh giữa gia đình với cộng đồng là cơ sở cần thiết để giúp lao động nông thôn tạo dựng mối quan hệ cần thiết trong quá trình tự tạo việc làm.

Kết quả phân tích cho thấy, đối với những lao động nông thôn đánh giá tác động của láng giềng là  quan trọng thì khả năng tự tạo việc làm phi nông nghiệp của lao động nông thôn đó tăng lên. Lao động nông thôn có được sự hỗ trợ của bạn bè ngoài xã (mức độ quan trọng của bạn bè ngoài xã được đánh giá cao) thì khả năng tự tạo việc làm phi nông nghiệp tăng lên. Căn cứ vào những kết luận trên cho thấy lao động nông thôn có mối quan hệ cộng đồng với láng giềng, bạn bè, dòng họ tốt thì sẽ nhiều thuận lợi trong quá trình tự tạo việc làm phi nông nghiệp.

Cần nâng cao vị thế các thành viên trong gia đình để làm tăng thêm giá trị cá nhân con người, thúc đẩy vai trò của lao động nông thôn trong quá trình tự tạo việc làm. Trong quá trình tự tạo việc làm, lao động nông thôn phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức, họ cần sự hỗ trợ từ phía gia đình, đặc biệt từ cộng đồng xung quanh. Thực tế cho thấy quá trình tự tạo việc làm của lao động nông thôn bản thân nội lực của chính họ và gia đình là chưa đủ. Họ cần tới sự hỗ trợ của chính những người xung quanh, họ tộc láng giềng.

Đồng thời, quá trình tạo dựng các quan hệ tốt với láng giềng, bạn bè, dòng họ sẽ giúp lao động nông thôn hình thành các kỹ năng cần thiết trong quá trình tự tạo việc làm. Các kỹ năng đó là vốn kiến thức cần thiết để lao động nông thôn có thể thực hiện các kế hoạch, các giao dịch trong quá trình tự tạo việc làm.

 

Tài liệu tham khảo:

Ngô Quỳnh An (2012), Tăng cường khả năng tự tạo việc làm cho thanh niên Việt Nam, Luận án Tiến sỹ Đại học Kinh tế Quốc dân.

Ajzen (1991), “The Theory of Planned Behavior”, Organizational Behavior and Human Decision Processes, Vol. 50, page 197-211.

DeWit (1993) “Model of self- employment in a competitive market”. Journal of Economic Surveys, page 67-397.

Do Thi Quynh Trang, Gerard Duchene (2008) “Determinants of self –employment: the case in Vietnam”, CES Working paper, University Paris1,page 30.

Linda Yueh (2009), “Self-employment in urban China: Networking in a transition economy”, University of Oxford, United Kingdom < www.sciencedirect.com>.

James Fetzer (1998), World Bank working paper “Who is likely to become self employed in Vietnam?”, page 19, < http://ssrn.com/abstract=1161152.>

UBND Tỉnh Nghệ An, Chương trình hỗ trợ ngành thủy sản giai đoạn 2 (FSPS-II) (2010), Báo cáo cuối cùng xây dựng sinh kế nâng cao đời sống lao động nữ vùng ven biển tỉnh Nghệ An, Nghệ An.

 

Thông tin tác giả:

*Hồ Thị Diệu Ánh, Tiến sỹ

-    Tổ chức tác giả công tác: Khoa Kinh tế - Đại học Vinh.

-    Lĩnh vực nghiên cứu chính: Quản trị nhân lực, Kinh tế lao động.

-    Một số tạp chí tiêu biểu mà tác giả đã từng đăng tải công trình nghiên cứu: Tạp chí Kinh tế phát triển, Tạp chí Lao động xã hội, Tạp chí Kinh tế dự báo, Tạp chí Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.

-    Địa chỉ Email: hdakinhte@gmail.com; SĐT: 0989729035, 0948983777.