Xu hướng toàn cầu
hóa diễn ra như một tất yếu của lịch sử kinh tế - xã hội loài người, đã và đang
khiến cho sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, các nền kinh tế trở nên phổ
biến. Bắt đầu bằng sự dịch chuyển hàng hóa, tiếp đến là con người và các luồng
vốn, khiến cho thế giới ngày nay biến đổi một cách nhanh chóng, khối lượng giao
dịch của hàng hóa – dịch vụ, các dòng vốn ngày một tăng. Điều này đẩy các nhà
kinh tế vào cuộc đấu tranh giữa hai trường phái tư tưởng đối lập là tự do hóa
và bảo hộ mậu dịch. Và trong thế giới hiện nay, chủ nghĩa tự do kinh tế - tự do
hóa hoạt động thương mại đang thắng thế, chiếm lĩnh vị trí thống trị trên mặt
trận buôn bán hàng hóa, dịch vụ. Tự do hóa thương mại cho phép các quốc gia tận
dụng được lợi thế so sánh lẫn nhau trong vấn đề sản xuất và tiêu thụ hàng hóa,
tuy nhiên nó cũng mang lại nhiều tác động không mong muốn.
Tuy nhiên, trước
những sự kiện diễn ra trong thời gian gần đây như việc đắc cử của các ứng viên
dân cử như Duterte, Donald Trump, hay sự thắng thế của phong trào Brexit đã và
đang dẫn tới làn sóng bất mãn từ một loạt các quốc gia châu Âu như Ý, Áo, Hà
Lan đến Pháp và Đức đối với các vấn đề từ chênh lệch giàu nghèo đến nhập cư sẽ
ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình hình chính trị của các quốc gia này và kéo theo là
những hệ quả khó có thể dự đoán về mặt kinh tế và xã hội.
1. Mặt trái của tự
do hóa thương mại và nhu cầu được bảo hộ mậu dịch của các nền kinh tế
Lịch sử kinh tế học phần lớn là cuộc đấu tranh giữa hai trường phái tư
tưởng đối lập là “chủ nghĩa tự do” và “chủ nghĩa trọng thương.” Chủ nghĩa tự do
kinh tế mà trọng tâm là kinh tế tư nhân và thị trường tự do là học thuyết thống
trị ngày nay. Tuy nhiên sự phổ biến của chủ nghĩa tự do trong đời sống kinh tế
- xã hội ngày nay khiến ta dường như ít nhận ra những thành công của những hành
động theo phái trọng thương. Xu hướng phổ biến về tự do hóa và toàn cầu hóa
không làm chủ nghĩa trọng thương – bảo hộ yếu đi, ngược lại, nó vẫn sống khỏe,
và có nhiều khả năng sẽ trở thành lực lượng chính định hình tương lai của nền
kinh tế toàn cầu.
Có nhiều ý kiến nhận xét rằng những tư tưởng cốt lõi của chủ nghĩa
trọng thương đã trở nên lạc hậu và hiển nhiên sai lầm về chính sách kinh tế,
bởi họ đã bảo vệ một số khái niệm kỳ quặc mà chủ đạo là coi của cải của các
quốc gia chính là nằm ở số vàng bạc mà quốc gia đó sở hữu, chính vì vậy, chính
sách quốc gia phải nhằm hướng tới sự tích lũy càng nhiều càng tốt các kim loại
quý.
Tới năm 1776, khi cuốn sách Của cải của các quốc gia (the wealth of
nations) ra đời, Adam Smith đã khéo léo đánh đổ rất nhiều ý tưởng như thế. Ông
cho rằng “của cải của một quốc gia không chỉ bao gồm vàng và bạc, mà còn gồm
đất đai, nhà cửa, và tất cả các loại hàng hóa tiêu thụ khác nhau.” Vì vậy không
nên nhầm lẫn hai khái niệm tiền bạc và của cải.
Mô hình tự do của Adam Smith và các nhà kinh tế tự do luôn nhìn nhận
nhà nước mang bản chất bóc lột và khu vực tư nhân có bản chất tìm kiếm đặc lợi.
Vì vậy nó ủng hộ sự phân chia rõ ràng giữa nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Trong
nền kinh tế tự do, người tiêu dùng được đặt lên vị trí cao nhất, và mục tiêu
cuối cùng của chính sách kinh tế là để tăng tiềm năng tiêu dùng của hộ gia
đình, điều đó yêu cầu cần cho họ tiếp cận một cách tự do đối với hàng hóa và
dịch vụ với giá rẻ nhất có thể. Chính vì thế, các phong trào tự do hóa, mở cửa
hội nhập trở thành tất yếu cùng với sự nở rộ của các khu vực mậu dịch tự do –
một khu vực không rào cản, để hàng hóa, dịch vụ, lao động và đầu tư lưu chuyển
thông suốt giữa các quốc gia, là giấc mơ tuyệt vời của nền kinh tế toàn cầu
hóa.
Tuy nhiên, nó cũng mang lại nhiều mặt trái mà các quốc gia, nhất là
những nước đang phát triển cần suy xét. Toàn cầu hóa hiện là nguyên nhân làm
gia tăng tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng trong xã hội. Tự do hóa các thị
trường tài chính nhanh chóng trong khi các quốc gia chưa có sự chuẩn bị kỹ càng
để thiết lập các cơ chế cạnh tranh và kiểm soát dẫn tới các cuộc khủng hoảng
tài chính toàn câu theo hiệu ứng Đô – mi – nô. Việc xóa bỏ các rào cản thương
mại để thị trường tự do cạnh tranh mà thiếu đi sự phối hợp điều tiết giữa chính
phủ các quốc gia đã gây thiệt hại lớn cho các quốc gia đang và kém phát triển,
bởi hàng hóa họ sản xuất ra không thể cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài. Việc
nới lỏng các quy định về đầu tư và thị trường vốn ở nhiều châu lục như Mỹ
Latinh và Châu Á đang dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống tỷ giá, sự suy yếu của hệ
thống ngân hàng. Cộng với đó, sự thâm nhập mạnh mẽ của các tập đoàn đa quốc gia
nhằm tận dụng lợi thế cạnh tranh, khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên đang
khiến môi trường bị hủy hoại, ở các quốc gia có năng lực quản trị quốc gia yếu
thì nạn tham nhũng hoành hành, lũng đoạn đời sống kinh tế - chính trị - xã hội. Toàn cầu hóa đã làm
sâu sắc thêm sự chia rẽ về kinh tế và văn hóa giữa những người có thể tận dụng
lợi thế của nền kinh tế toàn cầu và những người không có đủ nguồn lực và kỹ
năng để làm điều đó. Các chính trị gia theo chủ nghĩa bản địa bài ngoại
(nativist) như Donald J. Trump đã chuyển sự bất mãn đi kèm thành sự thù địch
với người ngoài: những người nhập cư Mexico hay Ba Lan, các nhà xuất khẩu Trung
Quốc, hay các nhóm dân thiểu số.
Vì vậy, bên cạnh xu hướng cổ xúy tự do hóa thương mại hiện nay, các
quốc gia cần phải tỉnh táo để nhìn nhận lại, khi mà các FTA càng về sau càng
xóa bỏ được nhiều rào cản hơn trong thương mại giữa các nước, có thể môi trường
kinh dooanh ở khắp nơi trên thế giới sẽ thuận lợi, hài hòa hơn, thống nhất và
ít bị cản trở hơn. Nhưng sẽ chẳng thể nào có một thế giới đại đồng mà ở đó không
còn bất kỳ rào cản thương mại nào giữa các nước hay tất cả đều chung một hệ
thống quy tắc kinh doanh.
Đằng sau đó là một triết lý muôn đời: lợi ích quốc gia bao giờ cũng
được đặt lên hàng đầu, trong mọi tính toán, trong mọi cam kết. Không có chính phủ
nào sẵn sàng đối xử hoàn toàn bình đẳng giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong
nước và nước ngoài hay triệt tiêu toàn bộ những biện pháp ưu ái, hỗ trợ hay tạo
điều kiện cho doanh nghiệp của mình. Vì vậy, bảo hộ và được bảo hộ là nhu cầu muôn
thuở của các quốc gia và các nền kinh tế trên thế giới.
Thực tế cho thấy rằng mặc dù là những người rao giảng và ủng hộ mạnh mẽ
cho tự do hóa toàn cầu nhưng chính các quốc gia phát triển trên thế giới lại là
những quốc gia áp dụng thành công nhất chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch hay mô hình
của chủ nghĩa trọng thương, và thường thì họ không bao giờ thừa nhận điều đó.
Có thể lấy ví dụ như trường hợp của Trung Quốc, nơi mà phần lớn kỳ tích kinh tế
là sản phẩm của một chính phủ đã hỗ trợ, khuyến khích, và công khai trợ cấp cho
những nhà sản xuất công nghiệp – cả trong nước và nước ngoài. Mặc dù Trung Quốc
đã loại bỏ nhiều trợ cấp xuất khẩu công khai của nước này như một điều kiện để
trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (mà nước này gia nhập năm
2001), phần lớn hệ thống ủng hộ chủ nghĩa trọng thương vẫn được duy trì. Đặc
biệt, chính phủ đã can thiệp vào tỉ giá hối đoái để duy trì lợi nhuận cho các
nhà sản xuất, dẫn đến thặng dư thương mại khá lớn (dù đang giảm gần đây, nhưng
phần lớn lại là hệ quả của suy thoái kinh tế). Hơn nữa, những doanh nghiệp sản
xuất hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng lợi từ một loạt các ưu đãi thuế.
Từ quan điểm tự do, những trợ cấp xuất khẩu này làm nghèo người tiêu
dùng Trung Quốc trong khi mang lại lợi ích cho người tiêu dùng ở phần còn lại
của thế giới. Nghiên cứu mới đây của hai nhà kinh tế Fabrice Defever và
Alejandro Riano của Đại học Nottingham ước tính “thiệt hại” của Trung Quốc vào
khoảng 3% thu nhập trong nước, và phần lợi mà phần còn lại của thế giới thu
được ở vào khoảng 1% thu nhập toàn cầu.Tuy nhiên, theo quan điểm trọng thương
thì đây chỉ đơn thuần là chi phí của việc xây dựng một nền kinh tế hiện đại và
chuẩn bị cho sự thịnh vượng lâu dài.
Nền kinh tế thế giới những năm vừa qua là minh chứng rõ ràng sự thất
bại của các mô hình tự do thiếu sự điều tiết của các nhà nước do sự gia tăng
của bất bình đẳng và hoàn cảnh khó khăn của tầng lớp trung lưu phương Tây, cùng
với cuộc khủng khoảng tài chính phát sinh từ việc phi điều tiết hóa. Triển vọng
tăng trưởng trung hạn của kinh tế Mỹ và châu Âu dao động từ trung bình đến ảm
đạm. Thất nghiệp vẫn là vấn đề đau đầu và là mối bận tâm chủ yếu của các nhà
hoạch định chính sách. Vì vậy, đây là môi trường thuận lợi để chủ nghĩa dân tộc
– dân túy lên ngôi – với những quan điểm chủ yếu là chống tự do hóa, tăng cường
bảo hộ trong nước.
2. Sự trỗi dậy của
chủ nghĩa dân túy và mối đe dọa với tự do hóa toàn cầu
Thuật ngữ “chủ nghĩa dân túy” (populism) được sử
dụng rộng rãi kể từ những năm 1890, khi phong trào dân tuý của Mỹ thúc đẩy
người dân nông thôn và Đảng Dân chủ chống lại những người Cộng hòa thường sống
ở đô thị hơn. (Nó cũng được sử dụng để đề cập đến phong trào dân túy
(narodnichestvo) của Nga vào thế kỷ 19, chủ yếu bao gồm các trí thức tự ghét bỏ
tầng lớp mình và đồng cảm với giai cấp nông dân).
Trong những năm 1950, các học giả và các nhà báo
bắt đầu áp dụng thuật ngữ này một cách rộng rãi hơn để mô tả tất cả mọi thứ, từ
các phong trào phát xít và cộng sản Châu Âu tới chủ nghĩa chống cộng McCarthy
của Mỹ và chủ nghĩa Peron (Peronistas) của Argentina.
Năm 2004, Cas Mudde, một nhà khoa học chính trị
tại trường Đại học Georgia, đưa ra một định nghĩa ngày càng có ảnh hưởng. Theo
quan điểm của ông, chủ nghĩa dân túy là một “hệ tư tưởng mỏng”, chỉ đơn thuần
xây dựng lên một khuôn khổ: một dân tộc trong sạch chống lại một tầng lớp tinh
hoa mục nát. (Ông đối lập nó với chủ nghĩa đa nguyên (pluralism), một chủ nghĩa
chấp nhận tính hợp pháp của nhiều nhóm khác nhau.) Hệ tư tưởng mỏng này có thể
được gắn liền với tất cả các hệ tư tưởng “dày” với nhiều nội dung đa dạng hơn,
chẳng hạn như chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa dân tộc, tư tưởng chống đế quốc hoặc
chống phân biệt chủng tộc, nhằm giải thích thế giới và biện minh cho những mục
tiêu cụ thể.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, ở cả
hai bên bờ Đại Tây Dương, chủ nghĩa dân túy của cánh tả và cánh hữu đang trên
đà gia tăng. Người đại diện dễ thấy nhất ở Mỹ chính là Donald Trump, người được
cho sẽ là ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa. Ở Châu Âu có rất nhiều
thành phần, từ đảng cánh tả Podemos của Tây Ban Nha đến Đảng Mặt trận Quốc gia
thuộc cánh hữu của Pháp, nhưng tất cả đều cùng phản đối những đảng trung dung
và các đảng phái dòng chính nói chung. Vậy điều gì lí giải cho sự nổi dậy ngày
càng tăng của các cử tri chống lại nguyên trạng hiện nay?
Lời giải thích phổ biến là chủ nghĩa dân túy
ngày càng gia tăng đồng nghĩa với sự nổi dậy của “những kẻ thất bại trước tiến
trình toàn cầu hóa”. Bằng việc theo đuổi các vòng đàm phán liên tục về tự do
hóa thương mại, thì theo logic, các nhà lãnh đạo ở Mỹ và châu Âu đã gây thiệt
hại cho cơ sở sản xuất trong nước, cắt giảm số công việc được trả lương cao sẵn
có cho các công nhân có kỹ năng thấp, những người mà bây giờ buộc phải lựa chọn
hoặc thất nghiệp kéo dài, hoặc chấp nhận những công việc lương thấp trong ngành
dịch vụ. Cảm thấy chán nản, những người công nhân đó hiện nay được cho là đang
chối bỏ các chính đảng dòng chính vì đã dẫn dắt “dự án dành cho giới tinh hoa”
này. Cần nhận thấy rằng quá trình toàn cầu hóa đã chậm lại kể từ năm 2008 khi các thị
trường tài chính hầu như bị ảnh hưởng nặng sau khủng hoảng. Vòng đàm phán Doha
về xóa bỏ rào cản thương mại sụp đổ cũng góp phần khiến quá trình này giảm tốc.
Tiếp sau đó, những rủi ro nợ công và vỡ nợ tại các nước thành viên EU khiến
kinh tế khu vực này chịu thiệt hại nặng và vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn.
Những yếu tố trên đi kèm với tốc độ tăng trưởng chậm, cuộc sống của người dân
bị ảnh hưởng và nhiều yếu tố khác đã thúc đẩy những chính trị gia có quan điểm
dân túy lên ngôi. Số liệu của Morgan Stanley Investment Management cho thấy tỷ
lệ ủng hộ của cử tri tại 20 nền dân chủ lớn nhất thế giới đã giảm liên tục kể
từ năm 2010. Tồi tệ hơn, xu hướng khủng bố và ảnh hưởng của Tổ chức Hồi giáo IS
ngày càng khiến người dân các nước phản đối người nhập cư, qua đó gia tăng chủ
nghĩa dân túy tại Châu Âu cũng như Mỹ.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế vẫn còn luẩn
quẩn ở Châu Âu, sự phục hồi kinh tế cầm chừng ở hầu hết các quốc gia phát
triển, thì việc gia tăng các cuộc xung đột sắc tộc, số lượng người nhập cư đã
phủ bóng đen lo sợ lên toàn bộ các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt là ở
Châu Âu và Bắc Mỹ, nó đánh vào sự sợ hãi, vỡ mộng của người dân để thổi bùng
lên tinh thần dân tộc chủ nghĩa.
Chiến thắng của
Brexit, của Duterte hay Donald Trump đã đánh dấu những rạn vỡ trong hệ thống
kinh tế toàn cầu. Đầu tiên, một nền kinh tế tiên tiến (nước Anh) rút khỏi một
khu vực tự do thương mại chứ không phải chuyển sang gia nhập một tổ chức khác
tốt hơn. Việc Anh rời EU sẽ đẩy nhanh quá trình trỗi dậy của quan điểm chính
trị dân túy, phản đối tự do thương mại tại các nước Châu Âu cũng như trên thế
giới. Điều này đã được chứng minh qua sự sụp đổ của các nước chủ nghĩa xã hội ở
Đông Âu vào cuối thập niên 80, sự trỗi dậy của cánh tả tại Mỹ Latinh thập niên
2000 và cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập năm 2010. Kết quả chiến thắng của Brexit
đã châm ngòi cho phe cánh hữu dân túy tại Hà Lan hay Pháp kêu gọi một cuộc
trưng cầu dân ý, qua đó đe dọa sự ổn định của EU cũng như khu vực Eurozone.
Hay như những tuyên
bố của Tân Tổng thống Donald Trump về việc rút ra khỏi hiệp định TPP – một
trong những nỗ lực to lớn của Mỹ trong những năm gần đây để định hình thương
mại quốc tế hai bên bở Thái Bình Dương. Theo Trump: “Toàn cầu hóa đang hủy diệt
tầng lớp trung lưu cũng như cướp đi việc làm của chúng ta. Đất nước của chúng
ta sẽ tuyệt vời hơn nếu có thể tự sản xuất sản phẩm một lần nữa và đưa các nhà
máy quay trở lại đây”. Trong cam kết tranh cử, ông Trump cho rằng những lao
động nhập cư giá rẻ tại Mỹ sẽ bị đuổi về nước và các nhà máy sẽ bị buộc đưa trở
lại nước Mỹ.
Sự trỗi dậy của chủ
nghĩa dân túy ở nhiều nơi trên thế giới đánh dấu bước thụt lùi lớn của tự do
hóa và khuyến khích gia tăng chủ nghĩa bảo hộ ở nhiều mặt tại một số nền kinh
tế lớn của thế giới, nó phản ánh nhu cầu hiện hữu không chỉ của các quốc gia
phát triển mà cả ở những quốc gia đang và kém phát triển, khi mà tự do hóa và
toàn cầu hóa thường không mang lại sự công bằng thực sự về luật chơi trên thị trường
toàn cầu. Tác động lan tỏa của chúng có thể đưa các quốc gia thoát ra khỏi
những dàn xếp về mặt kinh tế (cụ thể là các FTA) và chính trị của họ. Bản đồ
các khu vực mậu dịch tự do có thể sẽ được vẽ lại hoặc ngăn cáchhoàn toàn nếu
các quốc gia thành viên bất mãn, không tuân theo bởi áp lực dân tộc chủ nghĩa
trong nước, do vậy, những nỗ lực thống nhất, tạo ra thị trường chung toàn cầu
sẽ bị đe dọa lung lay, sụp đổ.
3. Khuyến nghị với
Việt Nam trong việc áp dụng xu hướng tự do – bảo hộ trong điều hành chính sách
ngoại thương giai đoạn tới
Cần nhận thấy rằng tự do hóa là một quá trình
không thể đảo ngược, tự do hóa trong khuôn khổ tốt cho nền kinh tế quốc gia và
toàn cầu. Vì vậy, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam cần tuân thủ một
vài nguyên tắc để định hướng lại chính sách ngoại thương cũng như tiến trình
hội nhập, cân bằng giữa việc sử dụng công cụ tự do hóa với bảo hộ linh hoạt
nhằm đảm bảo lợi ích tối đa cho nền kinh tế trong nước, tận dụng những ưu điểm
của quá trình toàn cầu hóa mang lại. Những nguyên tắc đó bao gồm:
Thứ nhất, không có con đường nào là duy nhất dẫn
tới sự thịnh vượng quốc gia, các quốc gia đều có những lựa chọn riêng mình sao
cho phù hợp nhất với điều kiện thực tiễn. Không nên quá cổ xúy tự do hóa mà
quên đi những nghĩa vụ bảo hộ nền kinh tế trong nước, hỗ trợ năng lực cạnh
tranh của các doanh nghiệp nội địa, nhất là các DNNVV.
Thứ hai, khi tham gia vào các thể chế tự do như
các khu vực mậu dịch tự do, Việt Nam cần chú ý bảo vệ những sắp đặt thể chế và
gìn giữ tính toàn vẹn trong quy định của mình (như quy định về tài chính hoặc
bảo hộ lao động, bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ), đặc biệt cũng cần chú ý
việc tăng các rào cản lên các giao dịch xuyên biên giới nhằm bảo vệ người tiêu
dùng trong nước (điển hình là áp đặt các hàng rào kỹ thuật trong thương mại).
Thứ ba, việc xây dựng chính sách ngoại thương
cần phù hợp với các cam kết quốc tế. Bên cạnh đó, trong quá trình đàm phán kinh
tế quốc tế, cần chú trọng việc tăng tính tự chủ về chính sách trong nước, đồng
thời lưu tâm đến những tác hại có thể có đối với các đối tác thương mại.
Thứ tư, cần có những cách tiếp cận mới trong vận
động, xây dựng chính sách thương mại theo hướng dân chủ hơn. Các công chức, cơ
quan nhà nước được xem như điều phối viên hơn là người ra quyết định trong xây
dựng chính sách ngoại thương. Cần chú trọng tính minh bạch, tăng cường quá
trình tham vấn các bên liên quan như hiệp hội ngành, các nhóm lợi ích khu vực,
người tiêu dùng, công đoàn, tổ chức phi chính phủ... Nhờ vậy, chính sách ngoại
thương sẽ tiếp cận nhiều hơn tới nhu cầu tự do – bảo hộ của nền kinh tế trong
nước, đảm bảo hiệu quả cao hơn trong hội nhập kinh tế toàn cầu.
Hoàng Thị Thúy Vân - BM QTKD
Tài liệu tham khảo
Tiếng Việt
1. Lê Hồng Hiệp, Toàn cầu hóa và sự phụ
thuộc lẫn nhau, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, 2014
Tiếng Anh
1. Daniel Gros, “The End of
Globalizaton?”, Project Syndicate, 08/03/2016
2. Dani Rodrik, Has globalization gone
so far, Institute for International Economic, 1997
3. Dani Rodrik, “Traight talk on trade”,
Project Syndicate, 15/11/2016
4. Dani Rodrik, “Rethinking Democracy,”
Project Syndicate, 11/07/2014
5. Dani Rodrik, “Put Globalization to
Work for Democracies,” The New York Times, 17/09/2016
6. Dani Rodrik, “The New Mercantilist
Challenge,” Project Syndicate, 09/01/2013.