TỪ ÁP CHẾ TÀI CHÍNH ĐẾN TỰ DO
HÓA TÀI CHÍNH - LỘ TRÌNH PHÙ HỢP CHO VIỆT NAM
ThS. Bành Thị Thảo
Tài chính Ngân hàng, Khoa Kinh tế
Trong một thời gian dài, các nước đang phát triển thường can thiệp vào
khu vực tài chính bằng cách áp đặt những kiểm soát về mặt định tính hay định lượng
đối với các hoạt động của các tổ chức và thị trường tài chính, chẳng hạn như kiểm soát lãi suất,
quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao, sở hữu và/hoặc quản lý các ngân hàng thương
mại, phân bổ
tín dụng có chỉ định với các ngân hàng thương mại, hạn chế sự gia nhập vào
ngành tài chính, hạn chế sự ra vào các dòng vốn quốc tế. Cách
làm này được gọi là áp chế tài chính.
Dựa vào những phân tích lý thuyết và thực nghiệm,
một số nhà kinh tế đã đi đến kết luận rằng áp chế tài chính dẫn đến mức phát
triển tài chính thấp hơn. Sự kiểm soát chặt chẽ lãi suất đi kèm với lạm phát
thường dẫn đến tỉ lệ tiền gửi âm, gây xói mòn quy mô nguồn vốn có thể cho vay.
Do vốn trong hệ thống tài chính chính thức không còn nhiều, các nhà đầu tư phải
dựa nhiều hơn vào việc tự xoay xở nguồn vốn. Đồng thời, các chương trình tín dụng
chỉ định kèm theo lãi suất ưu đãi cũng làm gia tăng sự phân bổ vốn đầu tư sai
lệch trên diện rộng và năng suất của vốn cũng thấp hơn.
Giải pháp cho những vấn đề trên như vẫn thường được đề cập,
là tự do hóa
tài chính mà trọng
tâm là tự do hóa lãi suất. Khi trần lãi suất được
bãi bỏ, tiền tiết kiệm sẽ gia tăng và hiệu quả phân bổ đầu tư
trong thị trường tài chính cũng sẽ cải thiện.
Tuy
nhiên, cũng có những mặt trái được coi là thất bại của thị trường. Lãi suất thực
tăng do tự do hóa tài chính có thể tạo ra những tác động ngoài mong đợi, như
sự lựa chọn đối nghịch và tâm lý ỷ lại. Thứ nhất, mức lãi suất càng cao, thì tỉ
lệ người có rủi ro đi vay càng lớn. Thứ hai, bất kỳ người đi vay nào cũng sẽ cố
gắng thay đổi bản chất của dự án để tăng độ rủi ro. Do đó, nhiều chính phủ đang
theo đuổi quá trình tự do hóa một cách vội vã và toàn diện đã phải hứng chịu
nhiều đợt khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.
Có
một “vòng luẩn quẩn” trong hoạt động của thị trường tài chính nói chung và thị
trường tài chính của các nước đang phát triển nói riêng khi mà chính phủ can
thiệp quá sâu vào hệ thống tài chính với kỳ vọng khắc phục thất bại thị trường.
Do thất bại thị trường, hệ thống tài chính xảy ra đổ vỡ, khủng hoảng, Chính phủ
phải đứng ra can thiệp bằng chính sách cứng rắn.Các chính sách này đến lượt nó
lại bóp méo các quan hệ thị trường, không phân bổ sử dụng có hiệu quả các nguồn
lực, cản trở sự phát triển kinh tế xã hội và dẫn đến thất bại Chính phủ. Để giải
quyết, chính phủ trở lại nới lỏng và tự do hóa thị trường tài chính.
Vì vậy một trình tự phù hợp được đề nghị nhằm đảm bảo tự do
hóa tài chính nhưng vẫn đảm bảo ổn định vĩ mô, không đi vào “vòng luẩn quẩn”
là: Hệ thống tài chính cần phải được từng bước tự do hóa với điều kiện ổn định
tốt vĩ mô và thực hiện các cải cách quan trọng liên quan. Do vậy thay vì tự do
hóa tài chính hoàn toàn, bước đầu nới lỏng sau đó thực hiện áp chế tài chính ở
mức độ vừa phải và kế đến thực hiện tự do hóa theo các cam kết của các tổ chức
đa phương trên thế giới: Áp chế tài
chính ở mức độ vừa phải để tạo nguồn thu bù đắp thâm hụt ngân sách trong điều
kiện chính phủ không đảm bảo được khả năng thu thuế đầy đủ; Kiềm chế tài chính
để kiểm soát thông tin bất cân xứng và hiệu chỉnh thất bại thị trường trong các
giao dịch tín dụng.
1.
Kinh nghiệm từ Thái Lan,
Trung Quốc
Thái Lan được xem là nơi châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài
chính tiền tệ tại châu Á vào năm 1997-1998. Lúc đó, nhiều người không tin điều
tồi tệ như vậy lại có thể xảy ra. Tuy nhiên, sau khi có đủ thời gian suy nghĩ,
có thể thấy rằng khủng hoảng là điều tất yếu và một trong những nguyên nhân
chính là do các nước trong khu vực đã quá vội vã trong việc tự do hóa tài khoản
vốn và áp dụng cơ chế cố định tỷ giá khi mà nền kinh tế chưa thực sự ổn định,
khu vực tài chính ngân hàng còn bộc lộ nhiều yếu kém cộng với những cải cách
khác chưa được thực hiện theo tiến trình tự do hóa tài chính nêu trên.
Cũng giống một số nước khác, vào năm 1994, Trung Quốc đã cố
định tỷ giá. Điều thú vị ở đây là khác với nhiều nước Đông Á, với tỷ giá này,
đồng Nhân dân tệ đã bị định giá thấp, nhưng tạo được lợi thế xuất khẩu gia
tăng. Cộng với những yếu tố thuận lợi khác, một kết quả hết sức mỹ mãn đối với
Trung Quốc là kể từ đó thặng dư mậu dịch và dữ trữ ngoại hối liên tục gia tăng.
Với sức mạnh về ngoại thương và số tiền có sẵn trong tay, Trung Quốc đã khiến
cho tất cả các đối tác thương mại, kể cả Hoa Kỳ phải e ngại. Thực tế cho thấy,
sau 18 tháng, đồng Nhân dân tệ chỉ tăng giá vào khoảng 6%, thấp hơn mức người
ta kỳ vọng rất nhiều. Hơn thế nữa, nhờ
khoản tiền dữ trữ ngoại hối dồi dào mà Trung Quốc có thể chi ra cả trăm tỷ
đô-la để biến các ngân hàng thương mại nhà nước với tình trạng tài chính yếu
kém trở thành những ngân hàng có khả năng cạnh tranh. Không phải ngẫu nhiên mà
Trung Quốc có được vị thế như hiện nay mà song song với quá trình cải cách kinh
tế, họ đã thực hiện một quá trình cải cách và tự do hóa tài chính một cách hợp
lý qua 5 giai đoạn khác nhau mà bắt đầu bằng việc tự do hóa lần đầu tiên trong
những năm 1978-1986, đến giai đoạn tự do hóa và mở cửa ngành tài chính sau khi
gia nhập WTO vào năm 2001. Trong quá trình tự do hóa tài chính của mình, không
phải lúc nào cũng suôn sẻ đối với Trung Quốc, sau cuộc khủng hoảng năm 1997,
sức ép phá giá lên đồng Nhân dân tệ rất nhiều, nhưng nhờ sức mạnh sẵn có của
nền kinh tế cộng với một lượng ngoại tệ dữ trữ tương đối lớn (gần 150 tỷ đôla)
mà Trung Quốc đã thành công trong việc duy trì chính sách tỷ giá của mình. Điều
này cũng đã giúp Đông Á không chìm sâu vào khủng hoảng.
Một trong những sai lầm lớn nhất gây ra cuộc khủng hoảng năm
1997 là việc Thái Lan đã mở tài khoản vốn quá sớm làm cho một dòng nợ, nhất là
nợ ngắn hạn khổng lồ đổ vào kết hợp với chính sách cố định tỷ giá ở mức cao,
đồng tiền kém sức cạnh tranh, thâm hụt thương mại gia tăng làm cho vấn đề trầm
trọng hơn. Trái lại, thành công của Trung Quốc có được là do nước này đã định
giá đồng tiền ở mức thấp tạo ra lợi thế cạnh tranh ngoại thương cộng với một
tiến trình cải cách thương mại và cải cách tài chính hợp lý.
2.
Quá trình chuyển từ áp chế
tài chính sang tự do hóa tài chính tại Việt Nam
Quá trình chuyển dịch từ áp chế tài chính sang tự do hóa tài
chính đã được Chính Phủ, NHNN Việt Nam thực hiện kể từ 1990 với việc từng bước
tự do hóa lãi suất, thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá, thay đổi cách quản lý hệ
thống ngân hàng và vận hành nền kinh tế. Đối với lãi suất, từ việc ấn định các
lãi suất huy động sang kiểm soát lãi suất theo cơ chế trần sàn, lãi suất cơ bản
rồi lãi suất thỏa thuận. Hay tỷ giá được nới lỏng dần từ chế độ tỷ giá cố định
sang chế độ tỷ giá thả nổi có điều tiết. Hệ thống ngân hàng đang phát triển
theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh, tái cấu trúc theo hướng lành mạnh. Các
doanh nghiệp nhà nước đã và đang được cổ phần hóa hoạt động theo quy luật thị
trường, nâng cao hiệu quả kinh tế. Dự trữ ngoại hối càng ngày càng tăng cao với
con số 41 tỷ USD kết thúc năm 2016. Gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới, mở
rộng từng phần tài khoản vốn, ngân sách thâm hụt ở mức vừa phải. Những kết quả
trên đến từ nỗ lực giảm thiểu các áp chế tài chính về dự trữ bắt buộc, trần lãi
suất, sở hữu và can thiệp của nhà nước trong các ngân hàng thương mại, tăng
cường tạo sân chơi bình đẳng và giảm dần tín dụng chỉ định.
Tuy vậy, con đường tiến tới tự do hóa của Việt Nam còn chặng
đường rất xa, bởi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 đến nay, nền
kinh tế còn bộc lộ nhiều nhược điểm và khả năng đề kháng của nền kinh tế Việt
Nam trước những cú sốc còn kém. Các áp chế tài chính lại dường như có hiệu quả
những lúc này. Hệ thống ngân hàng lộ những khuyết điểm chí mạng thiếu tính minh
bạch như nợ xấu, thanh khoản kém, kinh doanh nhiều rủi ro. Doanh nghiệp nhà
nước gây thất thoát tiền thuế của dân hàng chục tỷ đồng. Khả năng cạnh tranh và
tự đứng vững khi hội nhập của khu vực doanh nghiệp còn chưa cao vẫn cần có sự
bảo trợ của Chính Phủ. Con số nợ công tăng cao mức báo động 65% GDP tạo gánh
nặng quá lớn cho ngân sách, tốc độ tăng nợ công còn cao hơn rất nhiều lần so
với sự gia tăng của dự trữ ngoại hối….Trong khi đó cánh cửa hội nhập đang đến
gần.
3.
Lộ trình cho Việt Nam
Tự do hoá tài chính có thể làm tăng tính bất ổn theo hai
cách: Làm cho nền kinh tế tiếp cận trực diện với những nguồn gốc mới của những
cú sốc trong kinh tế quốc tế; Khuếch đại và làm trầm trọng thêm những cú sốc
trong nước.
Nhận định những tác động tiêu cực của quá trình tự do hóa tài
chính ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế của một quốc gia, từ đó cho chúng ta
thấy được sự cần thiết của việc sử dụng các biện pháp áp chế tài chính để kiểm
soát an ninh tài chính để phòng tránh những rủi ro tài chính và thiết kế lộ
trình phù hợp
Kinh nghiệm từ Thái Lan và Trung Quốc có giá trị tham khảo
rất lớn. Tuy nhiên, rõ ràng Việt Nam cần phải chọn cách đi riêng cho mình, vì
bối cảnh ngày nay rất khác so với cách đây hơn một thập niên.
Tại thời điểm hiện nay, bên cạnh lộ trình đang được nới lỏng
dần để tiến đến tự doa hóa tài chính như tự do hóa lãi suất, tỷ giá, hội nhập hệ
thống ngân hàng, doanh nghiệp...thì Việt Nam vẫn cần phải phối hợp các áp chế
tài chính để nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng chống đỡ của nền kinh tế
như phải nâng cao tính minh bạch, hiệu quả quản trị rủi ro của hệ thống ngân
hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp…Bên cạnh đó, tự do hóa tài
khoản vốn cũng cần được thực hiện cùng lúc với quá trình tăng sức đề kháng cho
nền kinh tế. Quá trình đó chính là liều vắc xin được đưa vào để từng bước nâng
cao khả năng miễn nhiễm của nền kinh tế Việt Nam trước những thất bại thị
trường, những tác động bên ngoài vốn là mặt trái của quá trình tự do hóa tài
chính.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Xuân Thành, Trọng Hoài: “Áp chế
tài chính và quản lý vĩ mô”
2. Richard L.Kitchen: “Các công cụ áp chế tài chính”
3. Xuân Thành: “Tự
do hóa tài chính”
4. Asli Demirguc-Knut và Enrica Detragiache, tháng
3/1998: “Tự do hóa tài chính và tình
trạng mỏng manh về tài chính”
5. Fulbright Economics Teaching Program học kỳ Xuân
2011-2013