Năm 2017, dự kiến thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt 2,3% so với dự toán, Tuy nhiên, số tăng thu so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương, trong khi thu ngân sách Trung ương ước khó đạt dự toán. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Ngân sách Trung ương có khả năng hụt thu (năm 2015, ngân sách trung ương hụt thu 2.144 tỷ đồng, năm 2016 hụt thu 321 tỷ đồng)

1.     Thu ngân sách nhà nước

a.      Thu nội địa

Báo cáo cho biết, ước cả năm chỉ tăng 2,1% so với dự toán. Đặc biệt, thu từ 3 khu vực kinh tế: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp ngoài quốc doanh có thể đều không đạt dự toán. Khu vực doanh nghiêp nhà nước có số thu giảm mạnh nhất (-7,7%) so với dự toán.

Số thu cổ tức, lợi nhuận còn lại của DNNN, tiền bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm đạt thấp hơn nhiều so với dự toán; đặc biệt là thu bán vốn Nhà nước mới chỉ đạt 16,7% nhưng Chính phủ vẫn ước thực hiện cả năm đạt dự toán là rất khó khăn.

Số thu nội địa giảm một mặt đã phản ánh khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm, chưa bền vững và thiếu tính ổn định; mặt khác, do số thu giao cho một số địa phương cao hơn so với thực tế, như thu từ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại tỉnh Quảng Nam, tỉnh Vĩnh Phúc… Bên cạnh đó, việc xử lý nợ đọng thuế, tuy đã được triển khai quyết liệt, nhưng số thuế nợ đọng vẫn còn lớn (khoảng 73,9 nghìn tỷ đồng đến hết 30/9/2017).

b. Về thu từ dầu thô: Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) cho rằng, trên cơ sở báo cáo của IMF, giá dầu thô bình quân các Hợp đồng giao vào cuối năm 2017 có thể tăng cao hơn 9 tháng đầu năm, thì việc Chính phủ ước giá bình quân năm 2017 ở mức 53USD/thùng là tương đối thấp. Vì vậy, đề nghị cần theo dõi sát thực tế hơn.

c. Về thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu: Việc ước thực hiện có khả năng tăng thêm do kim ngạch xuất, nhập khẩu thường tăng vào dịp cuối năm, do đặc thù phục vụ dịp lễ, Tết. Theo đó, Chính phủ ước bình quân 3 tháng cuối năm tăng thấp hơn so với ước thực hiện bình quân 9 tháng đầu năm là chưa thật hợp lý. Đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn.

2. Chi ngân sách nhà nước

Tổng chi NSNN tăng là do sử dụng dự phòng ngân sách và nguồn tăng thu của NSĐP. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm hạn chế như sau:

-Công tác phân bổ, giao dự toán còn chậm, giao nhiều đợt, nhất là vốn Đầu tư xây dựng cơ bản (ĐTXDCB), còn nhiều tồn tại trong công tác chuẩn bị đầu tư.

-Vốn Đầu tư xây dựng cơ bản nguồn NSNN, vốn Trái phiếu chính phủ (TPCP) giải ngân rất chậm. Điều này có nguyên nhân khách quan do thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn; các quy định của pháp luật về đầu tư công, về xây dựng, về đấu thầu…còn nhiều vướng mắc; nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan do công tác chuẩn bị đầu tư chậm, phân bổ và giao dự toán chậm, thủ tục đầu tư phức tạp; giải phóng mặt bằng khó khăn…

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn hẹp, việc nhiều bộ, ngành, địa phương đã được phân bổ vốn, song lại chưa giải ngân hoặc tỷ lệ giải ngân quá thấp đã dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực đi vay, làm giảm hiệu quả trong đầu tư, tác động đến tăng trưởng kinh tế và giảm thu NSNN.

- Quản lý, điều hành chi thường xuyên đã chú trọng tiết kiệm, chỉ tăng 1,3% so với dự toán, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu triển khai nhiệm vụ, thực hiện các chính sách, chế độ đã ban hành. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa chính sách giảm nghèo đa chiều còn chậm dẫn đến năm 2017 và có thể cả năm 2018 vẫn chỉ thực hiện mục tiêu giảm nghèo về thu nhập; bố trí rất thấp hoặc chưa bố trí vốn cho việc thực hiện chính sách đặc thù đối với vùng dân tộc thiểu số và dân tộc thiểu số rất ít người.

3. Bội chi ngân sách nhà nước

Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Luật NSNN năm 2015, mức bội chi không cao hơn so với dự toán và cũng là mức bội chi thấp nhất trong vòng 10 năm qua, góp phần giữ nợ công trong giới hạn an toàn cho phép. Tuy nhiên, mức bội chi giảm so với thực tế là do giảm phần bội chi của NSĐP, bội chi NSTW vẫn tăng so với dự toán.

Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn ODA được Chính phủ tạm xác định bằng dự toán là khá rủi ro, vì theo nhiều năm, số vốn giải ngân ODA thường có phát sinh lớn hơn so với dự toán. Nếu vốn ODA giải ngân vượt so với dự toán, điều này ảnh hưởng đến bội chi NSNN. Đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể về tổng mức vay của NSNN năm 2017, đồng thời tiến hành rà soát tình hình giải ngân vốn ODA trong những năm gần đây để báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh kịp thời tại kỳ họp này, bảo đảm giữ mức bội chi trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định.

 

BM Tài chính – Ngân hàng