PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ TƯ VẤN, HÀNH NGHỀ KẾ TOÁN VÀ KIỂM TOÁN TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM GIA NHẬP TPP VÀ AEC

 

ThS. Đường Thị Quỳnh Liên

 Khoa Kinh tế - Trường Đại học Vinh

(Bài đăng Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia: Kế toán, kiểm toán trong bối cảnh Việt Nam gia nhập TPP và AEC, Trường Đại học Kinh tế quốc dân )

 

Việc phát triển dịch vụ từ vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán là một trong  những yêu cầu cấp thiết cho bất kỳ một quốc gia nào bởi đây là một dịch vụ sử dụng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có vai trò quan trọng trong việc góp phần làm minh bạch hóa môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quá trình sản xuất cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả.

            Nội dung bài viết này đưa ra những đánh giá liên quan đến dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán; đồng thời tác giả cũng đề xuất một số  giải pháp nhằm phát triển dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán trong bối cảnh Việt Nam gia nhập TPP và AEC.     

Từ khóa: dịch vụ, tư vấn, hành nghề, kế toán, kiểm toán

 

Nền kinh tế nước ta đang trong quá trình tiến tới công nghiệp hóa hiện đại hóa và xây dựng một nền kinh tế thị trường đa thành phần, tăng cường hội nhập và mở rộng quan hệ với thế giới. Khi nhu cầu của các doanh nghiệp về đội ngũ kế toán ngày càng cao thì việc hình thành loại hình dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán là tất yếu và là xu thế chung không chỉ ở Việt Nam. Dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán ở nước ta đang từng bước xâm nhập vào các doanh nghiệp và dần trở thành một lĩnh vực kinh doanh được nhiều người biết đến. 

 Việc nghiên cứu và phổ biến rộng rãi các chuẩn mực quốc tế về kế toán (IAS), đã được triển khai ngày từ những năm đầu tiên đổi mới cơ chế kinh tế và Việt Nam đã lựa chọn các chuẩn mực có khả năng áp dụng, xúc tiến việc soạn thảo và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS).

Đứng trước nhu cầu ngày càng cao và khắt khe của nền kinh tế thị trường và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, mọi hoạt động của dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán đang được tạo cơ hội để phát triển một cách toàn diện. Hiện tại, chúng ta đang trong quá trình phát triển về số lượng, quy mô, phạm vi cũng như mở rộng và làm phong phú thêm các loại hình dịch vụ có trong những tổ chức cung cấp dich vu tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán này. 

Thị trường dịch vụ tư vấn, hành nghệ kế toán và kiểm toán Việt Nam ban đầu hình thành gặp không ít khó khăn và thử thách: Chế độ kế toán lạc hậu nhiều so với thực tế đòi hỏi, khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động kế toán nói chung và hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán nói riêng mới chỉ dừng lại ở Pháp lệnh (Pháp lệnh kế toán và thống kê ban hành từ năm 1988 và đã không còn phù hợp), chưa xây dựng và ban hành được Luật Kế toán, cũng chưa có một Chuẩn mực kế toán Việt Nam nào được ban hành làm khuôn mẫu nghề nghiệp cho những người cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, …

             Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn và thánh thức ban đầu đó, thị trường dịch vụ tư vấn, hành nghệ kế toán và kiểm toán ở Việt Nam từ chỗ chỉ có hai công ty, đến nay đã có tới gần 160 công ty cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính – kế toán và kiểm toán với số nhân viên lên đến gần 5.000 người, trong số khoảng gần 1.500 người có chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên, có khoảng gần 1.000 người đăng ký hành nghề, thuộc đủ các thành phần kinh tế (với hàng trăm chi nhánh và văn phòng tại các địa phương trong cả nước).

Hiện nay có 4 công ty 100% vốn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam là: Công ty KPMG, PwC, Grant Thornton, Ernst&Young và gần 10 công ty kiểm toán, tư vấn tài chính của Việt Nam được các công ty kiểm toán quốc tế lớn công nhận là thành viên như: A&C, U&I, UHY, ACPA, ACA Group, AC&C, Vietauditor, DTL,.. Sự hiện diện của các công ty kiểm toán này tại Việt Nam đã thúc đẩy quá trình cạnh tranh hơn nữa giữa các công ty kiểm toán, buộc tất cả các công ty đều phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ. Điều này góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các thị trường dịch vụ tư vấn, hành nghệ kế toán và kiểm toán tại Việt Nam, bước đầu đã khẳng định vị thế của các công ty kiểm toán Việt Nam trên trường Quốc tế.

Hơn nữa, kể từ khi Luật Kế toán ra đời và có hiệu lực từ ngày 01/01/2004 đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho sự phát triển của thị trường dịch vụ tư vấn, hành nghệ kế toán và kiểm toán. Hệ thống chuẩn mực nghề nghiệp cũng đang được ban hành và hoàn thiện góp phần quan trọng vào việc hướng dẫn hoạt động, nâng cao chất lượng của các hoạt động dịch vụ kế toán. Thêm vào đó là sự phát triển của hai hội nghề nghiệp lớn là: Hội kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), tạo ra diễn đàn về chuyên môn, nghiệp vụ, phổ biến các chính sách, kiến thức mới, … góp phần nâng cao trình độ cho các kế toán, kiểm toán viên.

Một số hạn chế và tồn tại

Mặc dù có những bước phát triển nhưng thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán nói chung và thị trường dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán nói riêng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế và tồn tại sau:

Một là, sức cạnh tranh của đa số các công ty kiểm toán yếu. Ngoài một số ít công ty kiểm toán tư vấn tài chính là thành viên Hãng Quốc tế và 100% vốn nước ngoài, thì đa số các công ty còn lại chưa đảm bảo được yêu cầu về chất lượng. Ngay cả các công ty kiểm toán, tư vấn lớn ở nước ta vẫn chưa theo kịp trình độ chuyên môn và chất lượng dịch vụ của thế giới. Do đó, các công ty của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong tương lai, đặc biệt là khi Hiệp định thương mại Việt – Mỹ, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về kế toán, kiểm toán được thực hiện.

Hai là, đội ngũ chuyên gia kế toán thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, trong khi công tác đào tạo cán bộ hầu như chỉ được quan tâm ở một số công ty lớn, còn ở các công ty nhỏ thì rất ít được đề cập đến do hạn chế về kinh phí, thời gian và chuyên gia giỏi.

Ba là, loại hình dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán chưa được phổ biến rộng rãi, trong các loại hình dịch vụ do các công ty kiểm toán và tư vấn tài chính kế toán công bố thì dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán chỉ chiếm khoảng 5-10%. Hơn nữa xét trên toàn ngành thì hầu như ngành dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán chưa mang lại lợi nhuận cao.

Bốn là, các văn bản pháp lý thiếu sự thống nhất, đồng bộ, hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán chưa hoàn thiện, thiếu những quy định pháp luật cần thiết để kiểm soát chất lượng chất lượng dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán.

Một số đề xuất và giải pháp

Để có thể phát triển và khắc phục những hạn chế hiện có của dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán trong bối cảnh Việt Nam gia nhập TPP và AEC thì cần có sự phối hợp đồng bộ về nhiều mặt của các cơ quan, bộ ngành, hội nghề nghiệp và thực tế các công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra cho các nước những cơ hội lớn và những thác thức không nhỏ đối với việc phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là những nước đang phát triển. Đối với Việt Nam, trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn, hành nghê kế toán và kiểm toán khi bước vào hội nhập cũng có những điểm khả quan, tuy nhiên cũng phải thấy rằng xuất phát điểm của các dịch vụ tư vấn, hành nghê kế toán và kiểm toán của Việt Nam tham gia hội nhập còn khá thấp: thị trường hẹp, khả năng cung cấp dịch vụ còn hạn chế, dịch vụ chưa đa dạng, chất lượng chưa cao...

Vì vậy, việc nghiên cứu tìm ra các giải pháp nhằm phát triển và nâng cao dịch vụ tư vấn, hành nghê kế toán và kiểm toán của Việt Nam trong điều kiện hội nhập TPP và AEC có ý nghĩa hết sức lớn lao, giúp cho Việt Nam tận dụng được những cơ hội, vượt qua được những thách thức nhằm đẩy nhanh tiến trình tham gia hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Để có thể phát triển thị trường này một cách hiệu quả, cần có những giải pháp  tích cực ở nhiều mặt và nhiều đơn vị quản lý cũng như trong các tổ chức, doanh nghiệp.

Thứ nhất, về phía nhà nước, cần tạo dựng đầy đủ và hoàn thiện khung pháp lý để phát triển dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán bảo đảm cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nói chung và công ty cung cấp dịch vụ kế toán nói riêng tạo ra môi trường pháp luật tốt cho hoạt động của các công ty kế toán và tư vấn tài chính kế toán, kiểm toán. Cụ thể như:

- Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, cập nhật và hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán doanh nghiệp đã ban hành và ban hành mới các chuẩn mực chưa có...

- Bộ Tài chính nên sớm ban hành Quy chế quản lý hành nghề kế toán...

- Hoàn thiện các văn bản pháp lý về trách nhiệm của các công ty kế toán đối với chất lượng hoạt động dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán...

- Tăng cường các chế tài xử phạt hành vi vi phạm đạo đức hành nghề của kế toán viên.

- Nhà nước (Chính phủ, Bộ Tài chính) chuyển giao mạnh và nhiều hơn nữa những công việc quản lý hành nghề kế toán, kiểm toán từ các cơ quan Nhà nước sang các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.

Thứ hai, về phía tổ chức Hội nghề nghiệp

- VAA, VACPA cần nâng cao năng lực hoạt động và trách nhiệm xã hội của tổ chức nghề nghiệp. Đổi mới và phát triển mạnh mẽ, chủ động hơn về tổ chức và hoạt động để thực sự là một tổ chức độc lập, mang tính nghề nghiệp cao. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về quy chế, nhân sự và điều kiện cơ sở vật chất để tiếp nhận và triển khai có hiệu quả công tác đào tạo và quản lý nghề nghiệp khi Bộ Tài chính chuyển giao.

- Tăng cường kiểm soát của các cơ quan quản lý hành nghề đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán.

- Bộ Tài chính, VAA, VACPA cần tiến hành các thủ tục cần thiết để Chứng chỉ kế toán viên, Kiểm toán viên của Việt Nam cấp được thừa nhận rộng rãi ở các quốc gia khu vực và thế giới.

Thứ ba, đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kế toán viên, kiểm toán viên (các Học viện, Trường đại học, tổ chức hội nghề nghiệp...)

- Cần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đối với sinh viên, học viên, cả về chuyên môn nghiệp vụ và đặc biệt chú trọng về đạo đức nghề nghiệp, hành nghề kế toán, kiểm toán.

- Các cơ sở đào tạo cũng như Hội đồng thi cấp chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên (Bộ Tài chính) cần rà soát đổi mới nội dung chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán và chương trình thi kiểm toán viên cho phù hợp hơn với thực tế và phù hợp với các nước tiên tiến khu vực và thế giới (để đạt được sự công nhận của các nước về chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên Việt Nam cấp). Hơn nữa, khi giáo dục trở thành một sản phẩm thì các trường đại học có thể mở ra các công ty cung cấp dịch vụ này để vừa kinh doanh vừa có điều kiện cho các sinh viên chuyên ngành tiếp xúc với thực tế nghề nghiệp.

Thứ tư, về phía các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán

- Các công ty kế toán cần xây dựng và hoàn thiện đầy đủ các quy chế ràng buộc và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kế toán, kiểm soát chất lượng kế toán bằng các quy chế, quy trình công tác, quy trình nghiệp vụ đối với các nhóm, tổ, đoàn kiểm toán và đối với kế toán viên.

- Các công ty kế toán cần phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn để phát triển bền vững tổ chức hoạt động và kinh doanh, phát triển thị trường, phải xây dựng cho công ty mình triết lý kinh doanh phù hợp, xây dựng một thương hiệu mạnh, uy tín cao và rộng rãi trên thị trường. Coi trọng vấn đề nguồn nhân lực (đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt, kế toán viên), trong đó cần phải biết đặt yếu tố con người (nhân sự) vào vị trí trung tâm của các hoạt động của công ty, coi trọng vấn đề tuyển dụng và duy trì nhân sự chủ chốt, đào tạo, bồi dưỡng kế toán viên.

- Các công ty kế toán Việt Nam cần tuân thủ các quy định điều lệ, các hướng dẫn của Hội nghề nghiệp về tổ chức hoạt động, quản lý nghề nghiệp, nghiệp vụ chuyên môn. Các công ty cần có tính liên kết với nhau, có tính tổ chức chung trong một hiệp hội, tránh tình trạng "mạnh ai ấy hay", không có tổ chức, không có trách nhiệm với nhau, hoặc tham gia tổ chức hiệp hội chỉ là hình thức...

- Các công ty kế toán phải hiện đại hóa công tác quản lý, áp dụng công nghệ thông tin, chú ý xây dựng văn hóa công ty, môi trường làm việc, cống hiến cho cán bộ và kế toán viên.

- Các công ty phải có quan điểm chất lượng dịch vụ kế toán cung cấp cho khách hàng là đặc biệt quan trọng, lấy "chữ tín" làm đầu để duy trì và phát triển khách hàng.

 

Như vậy, để phát triển dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán trong bối cảnh gia nhập TPP và AEC, Việt Nam cần thiết phải thực hiện đầy đủ các cam kết về cung cấp dịch vụ dich vu tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán theo thông lệ chung của thế giới, chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, đào tạo nhân lực kế toán trên cơ sở thay đổi nhận thức của các đối tượng sử dụng dịch vụ dich vu tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán trong thị trường. Hoạt động dịch vụ dich vu tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán không ngừng được cải thiện về chất lượng dịch vụ và đã khẳng định được vị trí trong nền kinh tế quốc dân. Các công ty dich vu tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán đóng vai trò quan trọng trong việc trợ giúp, tư vấn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp về pháp luật, chế độ, thể chế tài chính, kế toán của nhà nước, cũng như việc lập, ghi sổ kế toán, tính thuế, lập báo cáo tài chinh.

Với những định hướng của dịch vụ dich vu tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán trong nền kinh tế thị trường hiện nay, rất cần sự hợp tác đồng bộ giữa cơ quan chức năng có thẩm quyền và các đơn vị cung cấp dich vu tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán. Chỉ có sự phối hợp chặt chẽ, sự đồng thuận giữa các đơn vị mới có thể xây dựng nên một nền kinh tế phát triển toàn diện và đa dạng về ngành nghề theo xu hướng chung của thời đại.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Luật Kế toán (2003)

2. Hugh A.Adams (2005), Hội nhập với các nguyên tắc kế toán và kiểm toán quốc tế, NXB Chính trị quốc gia Việt Nam.

3. Luật Kiểm toán độc lập (2011)

4. Nghị định 72/2012/NĐ – CP (2012), Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kiểm toán độc lập

5. TS Ngô Thị Thu Hương (2014), Phát triển dịch vụ kế toán, kiểm toán trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Trang tin điện tử Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam

6. Đinh Thị Thủy (2014), Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán Việt Nam, Tạp chí tài chính số 3/2014

7. TS Nguyễn Thành Trung (2014), Những giải pháp hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kế toán-kiểm toán ở Việt Nam. Trang tin điện tử Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam

8. Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (2016), Báo cáo hoạt động thường niên của VACPA

9. TS Phan Thanh Hải (2016), Hội nhập trong lĩnh vực kế toán của Việt Nam – Thực trạng và thách thức khi hội nhập với kinh tế quốc tế, Đại học Duy Tân

10. Trang web: www.gso.gov.vn