Phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước
khi gia nhập TPP
TS. BÙI VĂN DŨNG -
Khoa Kinh tế, Trường Đại học Vinh
(Bài
báo đã được công bố trên Tạp chí Tài
chính, số Kỳ 2 - 09/2016 (641), tr.14-16)
Xuyên suốt từ Đại hội VI đến Đại học XII, Đảng ta đã xác
định, nền kinh tế Việt Nam có nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước giữ
vai trò chủ đạo. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có
nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ
vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế;
các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo
pháp luật”. Việc nước ta đang hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt
là tham gia các hiệp định thương mại tự do, kinh tế nhà nước cần phải phát huy
cao nhất vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.
Từ khoá: Kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế.
1.
Vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước trong bối cảnh hội nhập
Trong những năm qua, Đảng ta luôn thể hiện quan điểm nhất quán đối với
thành phần kinh tế nhà nước. Tại Đại hội VIII (1996) của Đảng, lần đầu tiên phạm
trù kinh tế nhà nước được đưa ra, thay vì cách gọi kinh tế quốc doanh trước đó,
với nội hàm rộng hơn, bao quát được toàn bộ các hoạt động quản lý tài nguyên của
đất nước; những cơ sở hạ tầng được tạo ra; các loại quỹ của quốc gia; các doanh
nghiệp nhà nước (DNNN) bao gồm cả DN công ích và DN kinh doanh... Nhờ đó, đã giải
quyết được vấn đề nhận thức thực tiễn cũng như lý luận về vai trò chủ đạo của
kinh tế nhà nước. Đến Đại hội XII (2016), nội hàm của khái niệm kinh tế nhà nước
tiếp tục được diễn đạt rõ hơn, trong đó kinh tế nhà nước gồm nguồn lực nhà nước
và DNNN. Nguồn lực nhà nước bao gồm tài nguyên, đất đai, ngân sách nhà nước,
các quỹ dự trữ quốc gia... cùng với các công cụ, cơ chế, chính sách được Nhà nước
sử dụng để định hướng, điều tiết nền kinh tế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã
hội. Trong khi đó, DNNN là một bộ phận của kinh tế nhà nước.
Đảng ta chủ trương không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế mà
các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo
pháp luật. Đồng thời, luôn giữ quan điểm nhất quán kinh tế nhà nước giữ vai trò
chủ đạo trong mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Trong những năm qua, kinh tế Nhà nước đã có nhiều đóng góp cho xã hội. Thống kê
sơ bộ cho thấy, đến nay, kinh tế nhà nước đã đóng góp gần 40% GDP. Sự đóng góp
này thể hiện rõ nhất thông qua những đóng góp to lớn của hệ thống DNNN đối với
nền kinh tế. Hiện nay, ở nước ta, khu vực DNNN Trung ương có 33 tập đoàn, tổng
công ty, ngân hàng có quy mô lớn, giữ vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực then
chốt của nền kinh tế quốc dân. Các DNNN này có tổng tài sản trên 5 triệu tỷ đồng,
hàng năm góp 1/3 tổng thu ngân sách quốc gia, đảm bảo việc làm cho trên 1,3 triệu
lao động. Không chỉ mở rộng sản xuất kinh doanh ở trong nước, nhiều DNNN đã mở
rộng đầu tư kinh doanh ra nước ngoài, góp phần khẳng định vai trò đầu tàu của
các DNNN trong cơ chế thị trường. Tính đến nay, đã có 2.075 dự án đầu tư ra nước
ngoài của các DNNN với tổng giá trị đăng ký là 1.433.509 tỷ đồng, giải ngân được
trên 658.000 tỷ đồng, tương đương 33 tỷ USD. Trong quá trình hội nhập quốc tế,
các DNNN cũng đã chú trọng đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên
cứu ứng dụng khoa học công nghệ từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của
DNNN...
Bên cạnh đó, các DNNN còn đóng góp tích cực vào việc giải quyết mục tiêu an
sinh xã hội, tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, góp phần nâng cao vị thế Việt
Nam trên trường quốc tế và khu vực. Đặc biệt, nhờ các DNNN và các công cụ kinh
tế vĩ mô khác nên bất chấp khủng hoảng tài chính toàn cầu và khó khăn kinh tế
trong nước, Nhà nước vẫn đảm bảo được các cân đối vĩ mô, duy trì được tốc độ
tăng trưởng tương đối cao của nền kinh tế. Đặc biệt, trong giai đoạn 2010 - 2015, đất nước tiếp
tục có những chuyển biến quan trọng về thể chế với việc sửa đổi Hiến pháp 2013 khẳng định kinh tế nhà nước là chủ đạo, sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, trong đó DN được kinh doanh những lĩnh vực không bị
pháp luật cấm. Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được đàm
phán, ký kết và đang trong quá trình thực hiện, tạo áp lực rất lớn trong tiến
trình cải cách DNNN để tuân thủ đầy đủ cam kết quốc tế, góp phần để kinh tế nhà
nước tiếp tục thể hiện vai trò chủ đạo của mình.
Bên cạnh kết quả đạt được, xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu với sự cạnh
tranh ngày càng khốc liệt đã lộ rõ nhiều điểm yếu của kinh tế nhà nước, trong
đó có các DNNN. Theo các chuyên gia kinh tế, việc đầu tư, định hướng phát triển
của thành phần kinh tế nhà nước chưa chú trọng đầy đủ đến yếu tố hiệu quả, sức
cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Một số tập
đoàn, tổng công ty lớn hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với số tài sản mà nhà
nước giao, chưa phát huy được vai trò chủ lực đối với nền kinh tế. Tốc độ tăng
trưởng và tỷ trọng đóng góp trong nền kinh tế ngày càng giảm; Tình hình tài
chính của DNNN nhìn chung còn yếu kém, hiệu quả đầu tư còn thấp; DNNN có tỷ trọng
lao động giảm nhanh. Chưa xác định rõ chủ sở hữu đích thực của DNNN, do vậy
chưa tạo động lực để phát triển hiệu quả khu vực kinh tế này…
2.
Phát huy hơn nữa vai trò kinh tế nhà nước
Với việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam
phải thể hiện minh bạch và công bằng của khu vực kinh tế nhà nước nói chung và
DNNN nói riêng so với các thành phần kinh tế khác. Do vậy, đổi mới DNNN trong
tiến trình hội nhập TPP là một yêu cầu cấp bách hiện nay. Một mặt, nâng cao hiệu
quả hoạt động kinh tế của DNNN, với tư cách là bộ phận quan trọng của thành phần
kinh tế chủ đạo; mặt khác, đảm bảo bình đẳng trong kinh doanh đối với các DN
khác. Hiện nay, dù thừa nhận sự tồn tại của các DNNN trong nền kinh tế, song
các thành viên TPP cũng đặt ra một số quy định đối với DNNN. Chẳng hạn, DNNN
không được phân biệt đối xử khi mua bán hàng hóa, dịch vụ do DN từ một thành
viên TPP khác cung cấp. Trong quản lý điều hành, Nhà nước không được tạo ra sự
phân biệt đối xử bất bình đẳng giữa DNNN và DN khác thông qua các thành phần
kinh tế khác. DNNN khi được chỉ định độc quyền không được trực tiếp hay gián tiếp
lợi dụng vị trí, để gây ra hành vi hạn chế cạnh tranh trên một thị trường khác
mà DN có tham gia kinh doanh và cạnh tranh với DN khác, gây tác động bất lợi đến
một nước thành viên TPP khác… Trong quá trình đàm phán, Việt Nam đã giữ quyền bảo
lưu các hình thức hỗ trợ cần thiết cho DNNN trong việc thực hiện chủ trương,
chính sách lớn của Nhà nước về chương trình cổ phần hóa, tái cơ cấu khu vực
DNNN với mục đích làm cho DNNN hoạt động tốt hơn theo khuôn khổ thị trường.
Nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập nói chung và thực hiện các cam kết của TPP
nói riêng; đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế nhà nước trong bối cảnh
hội nhập, trong thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ và quyết liệt một
số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với khu vực
kinh tế nhà nước nói chung và DNNN nói riêng trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đẩy
nhanh việc hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát theo hướng tách bạch về
chức năng quản lý nhà nước và chức năng của chủ sở hữu đối với các DNNN. Xây dựng
khung pháp lý và quản lý, giám sát phù hợp với từng loại hình DN: DNNN, DN có
phần vốn nhà nước, tập đoàn kinh tế, tập đoàn tài chính. Tiếp tục hoàn thiện cơ
chế chính sách, sắp xếp đổi mới DNNN theo hướng giải quyết những vướng mắc, khó
khăn trong cổ phần hóa, xác định giá trị DN và thoái vốn nhà nước, để đẩy nhanh
tốc độ thoái vốn ngoài ngành, giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại DN không cần nắm giữ…
Hai là, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng năng suất lao động,
tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế và phát huy được giá trị cốt lõi. Tiếp tục
sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN để có cơ cấu hợp lý, tập trung vào
những ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng, phù hợp với thời kỳ hội
nhập quốc tế, nhất là TPP. Với việc tham gia các hiệp định, các đặc quyền đối với
DNNN sẽ giảm bớt hoặc không còn nữa. Hơn nữa, cạnh tranh quốc tế diễn ra gay gắt
cho nên khả năng để thu lợi từ các hàng rào bảo hộ, bảo trợ từ Nhà nước của khu
vực kinh tế nhà nước cũng chấm dứt. DNNN phải có chiến lược cạnh tranh hữu hiệu,
đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới, tập trung vào tái cấu trúc tài
chính, quản trị DN, tích cực mở rộng thị trường, phát triển quan hệ với đối tác
để ký kết được nhiều hợp đồng mới, nâng cao năng suất lao động, cải thiện năng
lực cạnh tranh quốc tế... Những DNNN có lợi thế do Nhà nước giao, có ưu thế độc
quyền tự nhiên phải được quản lý theo cơ chế phù hợp, đảm bảo điều kiện kinh
doanh công bằng với các DN trong các khu vực kinh tế khác, phòng và tránh bị khởi
kiện khi các cam kết TPP chính thức được thực thi...
Ba là, phát huy vị trí, vai trò, tác
dụng của DNNN đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của
đất nước và bảo đảm DNNN vận hành phù hợp với thể chế kinh tế thị trường xã hội
chủ nghĩa. Mặc dù các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật, cạnh
tranh lành mạnh và có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất
nước, song DNNN phải thể hiện được vị trí tiên phong, đầu tàu trong thực hiện
các nhiệm vụ chính trị, phát huy vai trò của các tổ chức kinh doanh nắm giữ tài
sản thuộc sở hữu toàn dân, cải thiện năng lực cạnh tranh, chấp hành nghiêm túc
các quy định pháp luật và cam kết quốc tế. Bên cạnh đó, các DNNN cũng cần thể
hiện trách nhiệm của mình trong việc bảo toàn và phát triển nguồn vốn và tài sản
thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu được DNNN sử dụng, từ đó
làm tăng ảnh hưởng của kinh tế nhà nước, phát huy cao nhất vai trò chủ đạo của
kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam.
Bốn là, với tư cách là chủ sở hữu kinh tế nhà nước và DNNN, cần
nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với DNNN. Các cơ quan quản lý
nhà nước cần tập trung thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát, giám sát các
DNNN; Chú trọng những giải pháp phòng ngừa sai phạm có thể xảy ra trong hoạt động
quản lý sản xuất kinh doanh của DN. Yêu cầu các DNNN công khai, minh bạch các
thông tin về hoạt động kinh tế (trừ các thông tin thuộc bí mật quốc gia và bí
quyết công nghệ, kinh doanh của DN). Nhà nước cần phải tiếp tục đổi mới cơ chế
thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh tế thông qua việc
nghiên cứu thành lập hệ thống kiểm tra, giám sát độc lập với hệ thống các cơ
quan quản lý nhà nước. Đây là điều kiện cơ bản đảm bảo tính khách quan khi thực
hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát huy vai trò
và trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát, quản lý và sử dụng vốn nhà nước
nói chung và vốn của Nhà nước tại các DNNN nói riêng. Ngoài các hoạt động giám
sát thường xuyên, Quốc hội cần chú trọng tổ chức các giám sát chuyên đề như: hoạt
động kiểm tra, giám sát của Quốc hội với các tập đoàn kinh tế nhà nước thời
gian qua.
Năm là, nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất và chất
lượng nguồn nhân lực trong các DNNN. Theo đó, cần nâng cao trình độ kỹ thuật,
công nghệ theo hướng nâng cao năng lực, đổi mới cơ chế quản lý kỹ thuật-công
nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao; cải tiến công nghệ và sáng tạo công nghệ
mới... Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các DNNN đổi mới công
nghệ, làm chủ các công nghệ then chốt, mũi nhọn và đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm
có hàm lượng công nghệ cao. Đồng thời, tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân
lực có tay nghề cao chất lượng cao, nhất là đối với đội ngũ làm công tác lãnh đạo,
quản lý, cần chú ý nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực quản lý, điều hành
DN, khả năng quản lý vốn đầu tư và quản trị, điều hành phối hợp hoạt động của
các DN thành viên, DN liên kết…
Tài liệu tham khảo:
1. PGS.,TSKH. Trần Nguyễn Tuyên
(2011), Đổi mới mô hình tập đoàn kinh tế
Nhà nước ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Kỷ yếu Hội thảo – Văn kiện
Đại hội XI của Đảng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn;
2. PGS.,TS. Trần Thị Minh Châu, Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đồng
thời tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần Đại hội XI của
Đảng.
3. PGS., TS. Nguyễn Đình Hiền
(2016), Đổi mới DNNN trong tiến trình hội
nhập TPP;
4. PGS.,TS. Nguyễn Thường Lạng
(2016), Cải cách DNNN trong bối cảnh hội nhập quốc tế;
5. TS. Nguyễn Minh Phong (2014), Đổi mới kinh tế trong bối cảnh hội nhập,
Báo Đại biểu nhân dân;
6. PGS., TS. Vũ Văn Phúc (2011), “Sở hữu nhà
nước và vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa”, Tạp chí Tuyên
giáo.