HÌNH
THÀNH NĂNG LỰC NGHỀ NGHIỆP THEO TIẾP CẬN CDIO CHO SINH VIÊN NGÀNH KẾ TOÁN TẠI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH
TS.
Hồ Mỹ Hạnh - Khoa Kinh tế, Trường ĐH Vinh
Tiếp cận CDIO là một giải pháp
nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế chương
trình và phương pháp đào tạo theo một quy trình khoa học. Bài viết trình bày
khả năng ứng dụng phương pháp CDIO trong hình thành năng lực nghề nghiệp cho
sinh viên ngành kế toán tại trường đại học Vinh.
I.
Tiếp cận CDIO là gì?
CDIO là
viết tắt của cụm từ tiếng Anh Conceive – Design – Implement – Operate, nghĩa
là: Hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành. Đề xướng CDIO được
bắt đầu từ năm 1990 xuất phát từ ý tưởng
của các trường đại học khối ngành kỹ thuật gồm ĐH Kỹ thuật Massachusetts, Mỹ, phối hợp với các trường
đại học Thụy Điển nhằm nâng cao khả năng của sinh viên trong việc tiếp
thu các kiến thức cơ bản, đồng thời đẩy mạnh việc học các kỹ năng cá nhân và kỹ
năng xã hội và các năng lực kiến tạo sản phẩm, quy trình và hệ thống [2]. Tiếp
cận “CDIO” là cách thức tiếp cận về đào tạo theo định
hướng năng lực đầu ra trong các trường đại học. Mô hình lý thuyết này cung cấp
cơ sở khoa học và một hệ thống các tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo cho các cơ sở
giáo dục đại học nhằm giải quyết được 2 vấn đề trọng tâm là: dạy sinh viên điều
gì (Dạy cái gì?) và làm thế nào để sinh viên lĩnh hội được tri thức (Dạy như
thế nào?). Các câu hỏi này cũng là những vấn đề cần giải quyết đối với giáo dục
đại học nói chung và đào tạo năng lực nghề nghiệp ngành kế toán nói riêng. Tiếp
cận CDIO được thực hiện theo một quy trình khoa học và thực tiễn trên cơ sở xác
định chuẩn đầu ra (learning outcome) để thiết kế chương trình đào tạo và các
công đoạn quá trình đào tạo một cách hiệu quả.
II. Chuẩn đầu ra đối với năng lực nghề kế toán
Theo cách
tiếp cận CDIO, sinh viên cần đạt được 4 năng lực chính (hay còn gọi là chuẩn
đầu ra) khi tốt nghiệp. Chúng bao gồm: (1)Khối kiến thức và lập luận ngành; (2)
Các kỹ năng và phẩm chất cá nhân và nghề nghiệp; (3) Các kỹ năng và phẩm chất
xã hội; (4) Năng lực áp dụng kiến thức vào thực tiễn (năng lực C-D-I-O) đặt
trong bối cảnh xã hội và doanh nghiệp.
|
4. Năng lực nghề
nghiệp/ năng lực CDIO
|
|
1. Khối Kiến thức và lập luận ngành
|
2. Kỹ năng và phẩm chất cá nhân và nghề nghiệp
|
3. Kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp
|
|
|
|
|
|
Trích Đề
cương CDIO, [2]
Nội dung (1) của chuẩn đầu ra giúp người
học có được những kiến thức chuyên môn cần thiết, phần (2) thể hiện người học
tích lũy được những kỹ năng, tố chất cho bản thân mình, nội dung (3) giúp người
học có kỹ năng để làm việc trong cộng đồng, xã hội, phần cuối cùng nội dung (4)
tập trung vào năng lực thực hành nghề nghiệp của người học [2].
Việc
xây dựng chuẩn đầu ra của một ngành đào tạo được đặt trong bối cảnh đào tạo của
ngành và phù hợp với sứ mạng của nhà trường. Chúng tôi đã xác định
bối cảnh ngành Kế toán là hoạt động kế
toán (đó là việc xây dựng 1 quy trình kế toán hoặc hoàn thiện, tổ chức
công tác kế toán hoặc thực hiện dịch vụ kế toán tại một đơn vị cụ thể). Vì vậy
năng lực thực hành nghề nghiệp ngành kế toán được trình bày như sau:
+ Hình thành ý tưởng hoạt động kế toán (Conceive) đòi hỏi cử nhân Kế
toán phải có 1 bản kế hoạch và xác định khối lượng công việc cần thực hiện trên
cơ sở xem xét bối cảnh xã hội, bối cảnh doanh nghiệp và trả lời được các câu hỏi
như: Mục đích của việc xây dựng quy trình?, việc xây dựng quy trình cần đáp ứng
yêu cầu gì? Liệu nó có khả thi?...
+ Xây dựng hoạt động kế toán (Design) đòi hỏi cử nhân kế toán dựa trên ý tưởng
đưa ra, xem xét tổng quan các công trình liên quan; khảo sát, nghiên cứu tài liệu,
thực tế; đưa ra các giải pháp để hiện thực hóa ý tưởng…
+ Thực hiện
hoạt
động kế toán (Implement),
trong giai đoạn này, dựa trên các giải pháp đã xây dựng, cử nhân Kế toán sẽ đưa
vào vận dụng trong doanh nghiệp. Ở giai đoạn này có thể liệt kê các công việc
như kiến nghị các điều kiện thực hiện giải pháp; xem xét nguồn lực tài chính,
nguồn lực khác cho việc thực hiện…
+ Đánh giá hoạt động kế toán (Evaluate), trước, trong và
sau quá trình thực hiện giải pháp, cử nhân kế toán phải đánh giá được ý tưởng của
mình và luôn cải tiến nó một cách phù hợp nhất so với thực tiễn. Điều chỉnh, cải
tiến hoạt động kế toán là một kỹ năng quan trọng cho cử nhân kế toán
Hướng vào giải quyết những
vấn đề trên, mô hình “CDIO” đã đề cập đến 12 tiêu chuẩn phản ánh toàn diện quá
trình đào tạo và quản lý chất lượng đào tạo theo hướng cải cách giáo dục kĩ
thuật. Trong đó, đáng chú ý là các tiêu chuẩn về chương trình (tiêu chuẩn
3,4,5); tiêu chuẩn về tiến trình giảng dạy và học tập (tiêu chuẩn 7,8); tiêu
chuẩn về đánh giá kết quả học tập của sinh viên (tiêu chuẩn 11).
III. Xây dựng chương trình đào tạo ngành kế toán đáp
ứng chuẩn đầu ra ở trường Đại học Vinh.
Chương trình đào tạo ngành kế toán
theo tiếp cận CDIO được thực hiện theo nguyên tắc đạt tiêu chí đào tạo tích hợp và đào tạo trải nghiệm. Chương trình đào tạo tích hợp nhằm đảm bảo các môn học bổ
sung, hỗ trợ nhau và liên quan chặt chẽ với nhau; Các kỹ năng cá
nhân, giao tiếp, kỹ năng nghề nghiệp được tích hợp chặt chẽ vào các môn học theo trình tự giảng dạy các môn học thể hiện qua bảng
đối chiếu mục tiêu học tập hay ma trận mục tiêu học tập (bảng
ma trận ITU). Bảng này chỉ rõ mục tiêu học
tập từng môn học, từng khối kiến thức đóng góp vào mục tiêu của chương trình
đào tạo. Chương trình đào tạo trải nghiệm nhằm rèn luyện các kiến thức, kỹ năng và phẩm chất đạo
đức của người học thông qua thực hành và thực tế, trải
qua những tình huống tương tự trong thực tế.
Chương trình đào tạo ngành kế toán tại
trường đại học Vinh được xây dựng theo các trụ cột kiến thức cần có cho một cử
nhân kế toán như sau:
- Hiểu biết pháp luật về kinh doanh, tài chính và
thuế.
- Có kiến thức chuyên sâu để tổ chức thực hiện chức
năng kế toán tài chính, chức năng kế toán quản trị, tổ chức hệ thống thông tin
kế toán.
- Có kiến thức để thực hiện các công việc kiểm toán và
tổ chức hoạt động kiểm soát nội bộ, kiểm tra kế toán.
- Có kiến thức về phân tích và quản trị tài chính
trong việc xây dựng các quyết định tài chính
- Đồng thời các kỹ năng về tổ chức hoạt động kế toán,
kỹ năng phân tích tài chính, kỹ năng xây dựng quy trình kiểm toán và kiểm soát
nội bộ, khả năng sử dụng ít nhất một phần mềm kế toán và các phần mềm ứng dụng
để xử lý các dữ liệu về kế toán phải được được hình thành qua quá trình học tập.
Cách tiếp cận CDIO đề
xuất hai thành phần chính: Các chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo (Learning
outcomes) và các đề cương môn học (syllabus) để đạt được các chuẩn đầu ra đã
nêu. Theo đó, quá tình xây dựng đề cương môn học cần thực hiện hai nhiệm vụ
sau:
(1)
Xây
dựng chuẩn đầu ra cho từng môn học, thông qua đề cương môn học theo hướng tích
hợp với chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo (trả lời câu hỏi dạy cái gì trong
nội dung môn từng môn học trên cơ sở chuẩn đầu ra của nhà trường đã công bố)
(2) Cách triển khai và
vận hành trong quá trình giảng dạy từng môn học để đáp ứng được một số chuẩn
đầu ra của môn học đã đề xuất.( trả lời câu hỏi dạy như thế nào?)
Cụ thể, quy trình xây dựng đề cương môn học được thực
hiện qua các bước sau:
Bước 1: Xác định mục tiêu môn học
Bước 2: Xác định chuẩn đầu ra môn học theo 3 phần:
G1: Kiến thức; G2: Kỹ năng cá nhân và kỹ năng giao tiếp; G3:Thái độ
Bước 3: Xác định sự tương quan giữa chuẩn đầu ra
của môn học và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo theo 3 tiêu chí: Sử dụng
(Utilize), dạy (Teach), giới thiệu (Introduction)
Bước 4: Xác định tiến trình giảng dạy cho môn học
Tiến trình giảng dạy đề xuất phải đảm bảo tiêu
chuẩn CDIO 6 về học tập trải nghiệm, tiêu chuẩn CDIO 7 về áp dụng các phương
pháp dạy học tích cực. Các biện pháp sư phạm đề xuất phải tạo ra những thách
thức để sinh viên có thể tham gia vào quá trình giải quyết những vấn đề thực
tiễn dẫn đến hình thành tri thức mới và rèn luyện các kỹ năng.
IV.
Đề xuất phương án dạy học trải nghiệm cho sinh viên ngành kế toán đáp ứng chuẩn
đầu ra
Giảm sự nhàm
chán, tăng hứng thú, tạo động lực để cho các sinh viên phát huy khả năng tư
duy, sáng tạo trong các môn học kế toán là sự cần thiết để nâng cao năng lực
nghề nghiệp cho sinh viên đáp ứng chuẩn đầu ra. Cần bắt đầu từ chuẩn mực của
các bài giảng và đưa ra cách thức giải quyết vấn đề kế toán trong thực tế để
làm tăng động lực hấp dẫn cho sinh viên. Cụ thể là tăng cường thực hành các
tình huống thực tế, đưa thêm truyền thông đa phương tiện vào bài giảng (các video
clip về hoạt động của các doanh nghiệp), tổ chức nhiều hơn các buổi thuyết
trình, mời chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm …Tuy nhiên, theo Cruz (2001), cách thức
hiệu quả nhất để thu hút sinh viên là phương thức “service learning” được đề xuất vào trong chương trình đào tạo.
“Service learning” đã có từ những năm 1960 ở Mỹ là một dạng đào tạo trải nghiệm
giúp sinh viên nhìn nhận và hiểu mối quan hệ giữa kiến thức lý thuyết và công
việc thực tế, là sự kết hợp các hoạt động thực tế với sự phản chiếu đầy đủ ý nghĩa.
Thông qua đó, người học áp dụng được những kiến thức học được trong lớp vào điều
kiện thực tế đồng thời kết quả của quá trình học tập được thực tế áp dụng và
đáp ứng yêu cầu thực tế.
Theo the National Community Service Act
of 1990, "Service-Learning” là
phương pháp:
-
Sinh viên học và
phát triển kiến thức thông qua việc tham gia vào các hoạt động thực tế được tổ
chức một cách cẩn thận.
-
Là một sự điều
chỉnh trong chương trình đào tạo lý thuyết cung cấp cấu trúc thời gian dành cho
sinh viên chủ động nghĩ, nói hoặc viết những gì sinh viên đã nhìn thấy, đã làm
trong quá trình thực hiện các công việc thực tế.
-
Cung cấp cho sinh
viên cơ hội sử dụng những kiến thức và kỹ năng có được để giải quyết các tình
huống thực tế trong cuộc sống.
-
Mở rộng kiến thức
được học ở nhà trường bằng cách mở rộng quá trình học ra khỏi lớp học và đi vào
thực tiễn, giúp sinh viên nuôi dưỡng sự phát triển cảm xúc đối với nghề nghiệp.
Mục
tiêu của "Service-Learning” :
-
Cung cấp cho sinh
viên những cơ hội học tập trải nghiệm được bổ sung trong chương trình đào tạo
-
Tăng cường sự
hiểu biết cho sinh viên về địa phương, nhà nước và các đơn vị kinh doanh.
-
Khuyến khích sinh
viên nâng cao tinh thần trách nhiệm công dân khi giải quyết các vấn đề xã hội
-
Thiết lập một sự
ràng buộc giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp
Cruz chỉ ra rằng
“service learning” là cách duy nhất để sinh viên có thể vận dụng kiến thức đã học
vào thực tiễn, là cách thức thu nạp kiến thức từ trải nghiệm hơn là cố gắng thuộc
lòng máy móc các môn học. Thêm nữa, Cruz cho rằng, sinh viên tham gia vào các
hoạt động “service learning” cũng có thể được bồi dưỡng thái độ coi trọng nghề
kế toán chuyên nghiệp.
Phương
pháp “service learning” được thực hiện theo các bước sau:
(1) Thực tế nêu vấn đề cần giải quyết.
(2) Giảng viên lồng ghép các vấn đề cần giải quyết vào nội
dung môn học như là các đề tài nghiên cứu.
(3) Sinh viên cần được tổ chức thành từng nhóm để thực
hiện đề tài dưới sự hướng dẫn của giảng viên
(4) Kết quả của đề tài được thực tế sử dụng
Cụ thể hơn, có
thể đề cập đến những khóa học kế toán thực nghiệm dành cho sinh viên đã hoàn
thành chương trình lý thuyết. Kế toán thực nghiệm có cách thức tiến hành khác
so với hầu hết các cách thức đào tạo kế toán khác. Kế toán thực nghiệm không tiến
hành các bài giảng theo cấu trúc hàng ngày với các bài tập. Thay vào đó, những
sinh viên được học ở lớp kế toán thực nghiệm sẽ phải làm các công việc của kế
toán ở nhiều vị trí khác nhau ngay tại trường (Phòng Kế toán ảo). Sinh viên làm
các công việc kế toán hàng ngày của một chu trình kế toán gồm có chuẩn bị báo
cáo bán hàng, chuẩn bị và thực hiện các khoản đặt cọc, viết séc, giao dịch với
ngân hàng, chuẩn bị các báo cáo kế toán và báo cáo tài chính bằng cách sử dụng
các phần mềm kế toán. Sinh viên cũng có thể học được các kỹ năng cần thiết khác
thông qua kỹ năng sử dụng máy tính và tính chuyên cần. Khóa học kế toán thực
nghiệm cung cấp một môi trường làm việc mà ở đó sinh viên có thể học những kỹ
năng và kiến thức mà lớp học truyền thống không thể tạo ra được. Sinh viên
trong khóa học kế toán thực nghiệm có thể kết nối kiến thức đã được học trong bốn
bức tường với công việc kinh doanh thực tế, làm phong phú thêm những kiến thức
đã học của sinh viên.
Để thực hiện được
giải pháp này, cần sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhà trường, giảng viên và sinh
viên
Về phía Giảng
viên: Giảng viên cần đảm bảo vai
trò là người hướng dẫn cho sinh viên trên con đường đi tìm tri thức. Trước khi
lên lớp, giảng viên cần đầu tư nhiều thời gian để thiết kế bài giảng sao cho có
thể đạt được mục tiêu của môn học, chọn lọc phương pháp giảng dạy và phương
pháp đánh giá phù hợp với nội dung bài giảng. Đồng thời kết nối các vấn đề của
thực tiễn với lý thuyết của môn học và tổ chức các hoạt động cùng sinh viên
giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra.
Về phía Sinh
viên: Cần chú trọng phương pháp
tự học. Trong xã hội hiện đại đang phát triển nhanh với sự bùng nổ thông tin,
sinh viên dưới sự hướng dẫn của người Thầy sẽ tự chủ động đi tìm tri thức. Nếu
sinh viên có thể rèn luyện được phương pháp, kỹ năng, thói quen, ý chí tự học
thì kết quả học tập sẽ nhân lên gấp bội. Sinh viên cần chủ động và tự nguyện
tham gia, áp dụng các kiến thức đã được học giải quyết các vấn đề của thực
tiễn.
Về phía Nhà
trường: cần tạo ra một mạng lưới
các doanh nghiệp, chuyên gia sẵn sàng tham gia vào quá trình đào tạo. Đối với
các hoạt động tổ chức bên ngoài lớp học như phương pháp “service learning”,
việc xây dựng các đối tác doanh nghiệp, chuyên gia hoặc các cơ sở thực tập phù
hợp có ý nghĩa quan trọng đối với kết quả học tập của sinh viên. Nhà trường có
thể phối hợp với đơn vị kế toán tham gia đào tạo dưới hình thức cử chuyên gia
tư vấn đưa ra những bài tập thực tế đang đòi hỏi đồng thời cho sinh viên đến
thực tế tại các phòng kế toán tài chính sau khi sinh viên đã hoàn thành khóa
học kế toán thực nghiệm tại phòng kế toán ảo của Nhà trường.
V.
Kết luận:
Tiếp cận CDIO sẽ
giúp các chương trình đào tạo được xây dựng và thiết kế theo một quy trình chuẩn.
Các công đoạn của quá trình đào tạo sẽ có tính liên thông và gắn kết chặt chẽ.
Cho đến nay mạng lưới các trường đại học áp dụng CDIO trên thế giới đã mở rộng đến
hơn 116 trường thuộc hơn 25 quốc gia trên thế giới và đang ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, phương pháp CDIO đòi hỏi
phải có lộ trình chặt chẽ, chính xác, có sự
phối hợp của mọi yếu tố trong
tổ chức. Triển khai tiếp cận CDIO ở ngành kế toán có thể mở ra một hướng đi mới
cho nâng cao chất lượng đào tạo ngành kế toán tại trường Đại học Vinh.
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
1. Cruz, A.M (2001) Using
service learning to motivate and engage accounting students, Business
Education Forum
2. Hồ Tấn Nhựt, Đoàn Thị Minh Trinh (2009) Cải cách và xây dựng chương trình đào tạo kỹ
thuật theo phương pháp tiếp cận CDIO, NXB ĐHQG TP HCM.
3. Trần Anh Tài (2009) “Gắn đào tạo với sử dụng, nhà trường với doanh nghiêp”, Tạp chí
khoa học ĐHQGHN.