(Bài báo đã đăng trên Tạp chí Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương số 447 tháng 6/2015)

Vai trò của Cộng đồng ASEAN

Quyết định xây dựng Cộng đồng ASEAN được các Nhà Lãnh đạo thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN 9 (Bali, In-đô-nê-xi-a, tháng 10/2003) với 3 trụ cột: Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC). Một năm sau đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-10 (Viên chăn, Lào, tháng 11/2004), các nước ASEAN đã thông qua các Kế hoạch hành động xây dựng 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN nói trên, cùng với Chương trình hành động Viêng Chăn (VAP) bao gồm các hoạt động cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.

Mục đích của Cộng đồng An ninh ASEAN (sau này đổi tên thành Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC)) nhằm duy trì và tăng cường an ninh, hòa bình và ổn định, tăng khả năng của ASEAN tự bảo đảm an ninh khu vực. Hợp tác trong khuôn khổ APSC bao gồm hợp tác kiến tạo một nền an ninh toàn diện ở khu vực, ứng phó với các thách thức phi truyền thống, như tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, ứng phó thiên tai khẩn cấp và hợp tác về an ninh hàng hải... ASEAN khẳng định không hướng tới hình thành liên minh quân sự ở khu vực, hoặc một khối phòng thủ chung; các nước thành viên có quyền tự do theo đuổi chính sách đối ngoại riêng cũng như bố trí phòng thủ riêng của mình.

Sứ mệnh của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nhằm tạo dựng: i) Một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất; ii) Một khu vực có sức cạnh tranh, iii) Phát triển đồng đều iv) Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Để đưa ASEAN trở thành một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất, AEC tập trung vào các biện pháp tạo thuận lợi hóa và tự do lưu chuyển thương mại, đầu tư, dịch vụ, lao động tay nghề cao, và sự di chuyển tự do hơn của các dòng vốn. AEC, tuy vậy, không có kế hoạch xây dựng một liên minh tiền tệ sử dụng đồng tiền chung như Liên minh châu Âu (EU). Đề ra mục tiêu lớn nhưng Cộng đồng ASEAN không đưa ASEAN trở thành một tổ chức siêu quốc gia, mà thay vào đó, sẽ đẩy mạnh hơn nữa mức độ hợp tác và liên kết khu vực, đem lại những tác động sâu rộng và có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống của người dân các nước ở khu vực Đông Nam Á. Nếu được quản lý hiệu quả trong thập kỷ tới, AEC sẽ thúc đẩy sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực thêm 7,1% vào năm 2025, đồng thời tạo ra 14 triệu việc làm mới. Tại Việt Nam, nơi tập trung một phần sáu lao động của cả khu vực, điều này đồng nghĩa với tăng GDP thêm 14,5% và sẽ có thêm hàng triệu việc làm mới.

Một số thách thức cạnh tranh nhân lực Viêt Nam trong Cộng đồng ASEAN

Thực trạng thị trường lao động Việt Nam thể hiện nghịch lý là thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển. Năm 2015, khi mở cửa thị trường lao động ASEAN thì chúng ta có rất nhiều cơ hội, đặc biệt là có thể sang các nước khác lao động dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thách thức của thị trường lao động này cũng rất lớn, sự cần cù, chăm chỉ chưa đủ để đứng vững trên thị trường này mà nhất thiết là phải có trình độ chuyên môn, đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp và vốn ngoại ngữ. Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc mà nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kỹ năng mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công.

Chất lượng lao động thấp, lao động thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng, thiếu trình độ tay nghề. Việt Nam luôn giới thiệu về đội ngũ lao động trong nước với các đặc điểm: cần cù, chịu khó học hỏi, giá rẻ,… trong khi đó, yêu cầu về tay nghề và kiến thức chuyên môn chưa bao giờ là ưu điểm. Ngoài ra, khi tham gia AEC, lao động ngoài việc giỏi chuyên môn còn cần có vốn ngoại ngữ để có cơ hội tham gia làm việc tại các quốc gia của AEC. Thực tế cho thấy điểm yếu lao động Việt Nam là thiếu các kỹ năng mềm, như làm việc nhóm, giao tiếp, khả năng ngoại ngữ …Nếu lao động Việt Nam không nâng cao kịp các kỹ năng thì họ có thể mất việc ngay trên quê hương họ. Tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên do cạnh tranh về việc làm sẽ rất khốc liệt.

Năng suất lao động Việt Nam còn rất thấp, chỉ cao hơn lao động tại Lào và Campuchia, trong khi thấp hơn các nước còn lại ở ASEAN. Cụ thể, năng suất lao động trung bình của người Việt Nam thấp dưới một nửa so với Philippines, nhỉnh hơn một phần tư của Thái Lan, dưới một phần mười của Malaysia và chỉ chưa bằng 3% năng suất của Singapore. Năng suât thấp đi liền với tiền lương thấp, mức sông Việt Nam ngày càng đắt đỏ đã khiến tiền lương tăng nhanh hơn năng suất, làm xói mòn lợi thế lao động giá rẻ trong khu vực. Thêm vào đó nguy cơ chỉ dựa vào lao động giá rẻ, năng suất thấp đồng nghĩa với tính kém đa dạng của các loại kỹ năng, khả năng sáng tạo cũng như hiệu quả của tổ chức.

Việc di chuyển nhân lực trong các quốc gia thuộc AEC sẽ gây ra cạnh tranh lớn về nhân lực. Khi AEC trở thành hiện thực vào 2015, sẽ cho phép tự do di chuyển lao động có tay nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia và lao động có tay nghề của ASEAN tham gia vào hoạt động liên quan đến thương mại và đầu tư qua biên giới Việt Nam. Việt Nam sẽ đối mặt với sự di chuyển lao động, việc làm. Tám ngành nghề lao động dự kiến trong AEC được tự do di chuyển qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ sư, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Điều đó sẽ là một thử thách khó khăn vì khi lao động các nước AEC được tự do di chuyển, làm việc, định cư và được đối xử bình đẳng tại các nước thành viên, sức ép cạnh tranh đối với lao động của Việt Nam sẽ là rất lớn. Sự chênh lệch về thu nhập lớn giữa các quốc gia ASEAN sẽ là nguyên nhân tạo nên sự di chuyển lao động giữa các quốc gia giàu, nghèo, và sẽ là thách thức đối với các DN Việt Nam. Đồng thời, trong thời gian tới, khi các DN Việt Nam đầu tư vào các nước ASEAN sẽ tạo áp lực đối với lực lượng lao động của các DN Việt Nam (hiện tại lực lượng lao động có tay nghề và kỹ năng, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở Châu Á – Thái Bình Dương).

Giải pháp nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh nhân lực của Việt Nam trong Cộng đồng kinh tế ASEAN

Thứ nhất, nâng cao năng suất lao động ở Việt Nam cần gắn liền với nâng cao chất lượng nội dung, yêu cầu, quy trình và phương thức đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, trước hết là cơ cấu ngành, sản phẩm và công nghệ; đổi mới tổ chức xã hội và các thể chế quản lý thích ứng; xử lý quan hệ giữa mục tiêu bảo đảm việc làm và an sinh xã hội với mục tiêu, yêu cầu hợp lý hóa tổ chức, sản xuất và đổi mới công nghệ, tạo áp lực nâng cao cả chất lượng và NSLÐ.Ðây là một quá trình liên tục với những nhịp tăng tốc, đột phá cần thiết và đòi hỏi sự thống nhất nhận thức, sự tham gia và giải pháp đồng bộ của các ngành, các cấp, các bên có liên quan, nhất là Chính phủ, các doanh nghiệp và nhà trường, cũng như sự nỗ lực của bản thân người lao động trước nhu cầu thực tế thị trường hiện tại và tương lai...

Thứ hai, phát huy vai trò quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy nâng cao năng lực của người lao động. Ban hành chế độ chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho người lao động tham gia bồi dưỡng và tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật tay nghề. Xây dựng và vận hành cơ chế hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.Cụ thể hóa và đẩy mạnh thực hiện chiến lược Phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 bằng việc điều tra, khảo sát nhân lực hiện đang làm việc và nhu cầu nhân lực trong các năm tới để của các ngành, vùng miền để có định hướng phân bổ hợp lý về trình độ, cơ cấu ngành nghề phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực của địa phương, đất nước trong các giai đoạn. Đặc biệt, coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực và trọng dụng nhân tài. Xây dựng “xã hội học tập” là tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho ngươi lao động được bồi dưỡng thường xuyên. Thông qua các hình thức đào tạo không chính quy cũng giúp người lao động được giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức và kỹ thuật công nghệ mới ở các trung tâm đào tạo trong và ngoài nước. Cải thiện và tăng cường thông tin về xu hướng nghề nghiệp, thị trường lao động, nhu cầu nhân lực của các tổ chức, doanh nghiệp, các ngành kinh tế-xã hội trong nước và trên thế giới. Đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế về phát triển nhân lực chất lượng cao.

Thứ ba, thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của dạy nghề trong chiến lược phát triển nhân lực của đất nước thời kỳ 2011 - 2020. Ưu tiên đầu tư đào tạo nghề trong từng chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng, ngành. Hình thành thang giá trị nghề nghiệp trong xã hội.Hoàn thiện cơ chế, chính sách về dạy nghề, học nghề; sửa Luật Dạy nghề và các quy định liên quan.Có cơ chế để cơ sở dạy nghề là một chủ thể độc lập, tự chủ. Có chính sách đãi ngộ, thu hút giáo viên dạy nghề; chính sách đối với người đứng đầu cơ sở dạy nghề, người lao động qua đào tạo nghề; chính sách đào tạo liên thông, hỗ trợ người học nghề. Xây dựng cơ chế để các doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động tham gia xây dựng, đánh giá, điều chỉnh chương trình đào tạo, hướng dẫn thực hành và đánh giá năng lực người học, hướng tới doanh nghiệp phải là một trong những chủ thể đào tạo nghề. Đổi mới chính sách tài chính về dạy nghề; đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng nguồn lực cho phát triển dạy nghề; khuyến khích hợp tác và thành lập các cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài cũng như các cơ sở dạy nghề chuyên biệt đối với người khuyết tật, người dân tộc thiểu số.Đổi mới cơ cấu dạy nghề trong hệ thống giáo dục quốc dân.Chuyển hệ thống dạy nghề khép kín thành hệ thống đào tạo mở, linh hoạt, liên thông giữa các thành tố của hệ thống và liên thông với các bậc học khác.Đổi mới cơ cấu hệ thống dạy nghề trên cơ sở khung trình độ quốc gia, tiêu chuẩn kỹ năng nghề phù hợp với đất nước, xu thế các nước trong khu vực và trên thế giới.Hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp gồm ba cấp trình độ là sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, trên cơ sở sáp nhập trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp; cao đẳng nghề và cao đẳng.

Thứ tư, gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa dạy nghề với trị trường lao động, hướng vào việc đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng ngành, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hình thành các đơn vị quan hệ trường - ngành trong các cơ sở dạy nghề. Doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo nghề như xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, xác định danh mục nghề, xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá kết quả học tập của người học nghề… Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin cho các cơ sở dạy nghề về nhu cầu việc làm và các chế độ cho người lao động; phản hồi cho cơ sở dạy nghề về trình độ của người lao động. Các cơ sở dạy nghề tổ chức theo dõi, thu thập thông tin về học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp; có trách nhiệm tiếp nhận các thông tin từ phía doanh nghiệp và thay đổi để thích ứng với nhu cầu của doanh nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về dạy nghề, nhất là với những nước thành công trong phát triển dạy nghề ở khu vực ASEAN và trên thế giới. Tích cực vận động, thu hút nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA cho dạy nghề. Hợp tác với các nước ASEAN để tiến tới công nhận kỹ năng nghề giữa các nước, hướng tới Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, tích cực tham gia vào các hoạt động của khu vực và thế giới để giao lưu và học hỏi kinh nghiệm, như tham gia Hội thi tay nghề ASEAN, Hội thi tay nghề thế giới...

Thứ năm, mở rộng độ bao phủ của bảo trợ xã hội, trong đó có cơ chế bảo hiểm thất nghiệp trên toàn quốc. Biện pháp này sẽ góp phần giảm bớt những tác động của chuyển dịch cơ cấu và hỗ trợ người lao động chuyển sang làm việc ở các ngành với năng suất cao hơn. Trong những năm gần đây Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong việc xây dựng hệ thống bảo trợ xã hội và đầu tư một khoản chiếm hơn 6% GDP vào các khoản chi trả bảo trợ xã hội công. Tham gia vào AEC sẽ góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế - tạo ra nhu cầu mới cho một số ngành nghề trong khi đó giảm nhu cầu đối với một số ngành nghề khác – việc mở rộng độ bảo phủ của chương trình bảo hiểm thất nghiệp quốc gia sẽ giảm thiểu chi phí của quá trình dịch chuyển cơ câu và tạo điều kiện cho lao động di chuyển sang ngành nghề có năng suất cao hơn.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ngô Tuấn Anh, Đặng Trần Đức Hiệp (2014), Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015: Thách thức và triển vọng đối với Việt Nam, Tạp chí Tài chính số 12 (2014).
  2. ILO (2014), Báo cáo “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung”, truy cập [www.ilo.org/asia]
  3. Nguyễn Đức Thành (2014), Việt Nam và AEC 2015, Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Hoàng Thị Thanh Nhàn, Võ Xuân Vinh (2013), Hiện thực hóa cộng đồng ASEAN: Thuận lợi và trở ngại, Tạp chí khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh, Tập 29, số 4(2013), trang 12-23.