1.      Năm 2017, tín dụng không xài hết “room

Theo NHNN, tính đến ngày 31-12-2017, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 16% so với cuối năm 2016, phần tăng thêm này tương đương 1,13 triệu tỉ đồng. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng có phần vượt trội hơn, đạt 18,17%, tương đương với phần tăng thêm khoảng 1 triệu tỉ đồng. Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, chênh lệch giữa phần tăng thêm M2 và phần tăng thêm tín dụng tại thời điểm 31-12-2017 là 131.000 tỉ đồng. So với mức chênh lệch âm 13.000 tỉ đồng vào thời điểm cuối quí 2-2017 thì phần chênh này đã tăng thêm khoảng 144.000 tỉ đồng. Phần chênh giữa M2 và tín dụng tăng thêm đã giúp cho thanh khoản hệ thống ngân hàng ở trạng thái khá dồi dào trong nửa cuối năm 2017, thể hiện qua đà sụt giảm mạnh của lãi suất liên ngân hàng, phổ biến chỉ còn khoảng 1,2-1,5%/năm cho các kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần. Hoạt động bơm/hút vốn cũng được NHNN sử dụng khá nhịp nhàng qua hai kênh thị trường mở (OMO) và tín phiếu. Tổng lượng vốn NHNN hút ròng về qua hai kênh này trong năm 2017 đạt 32.690 tỉ đồng.Với mức tăng 18% như trên, tín dụng trong năm 2017 vẫn dưới mục tiêu mà Chính phủ điều chỉnh lại hồi giữa năm (khoảng 21-22%). Có một số nguyên nhân dẫn đến việc hệ thống ngân hàng không dùng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được nới thêm.

Thứ nhất, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế là có hạn. Rất có thể điều kiện của nền kinh tế hiện tại chỉ yêu cầu tín dụng tăng ở mức 15-18%/năm là vừa phải mà không gây quá nhiều rủi ro về nợ xấu tiềm tàng.

Thứ hai, một số ngân hàng muốn tăng trưởng cho vay thêm nhưng ngay trong hai quí đầu năm đã sử dụng gần hết hạn mức.

Thứ ba là các ngân hàng có quy mô vốn lớn nhất hệ thống như Vietcombank, BIDV, VietinBank đang gặp khó khăn về tăng vốn, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng này cũng đang tiệm cận dần về mức 9%, gây trở ngại cho việc phát triển tín dụng.


2.      Năm 2018, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được nới lỏng

Về định hướng chính sách tiền tệ, nếu không có cú sốc nào lớn từ giá dầu dẫn đến CPI tăng vượt dự đoán thì vẫn còn dư địa để NHNN tiếp tục duy trì định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2018 với liều lượng tương đương 2017 để giữ nhịp tăng trưởng. Vậy liều lượng nới lỏng cung tiền bao nhiêu là hợp lý? Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết: Việt Nam hiện là nước có tăng trưởng M2 cao nhất khi so sánh với nhóm nước bao gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Trung Quốc, kể cả ở giai đoạn khủng hoảng lẫn giai đoạn ổn định hiện nay. Các nước có trình độ kinh tế đi trước Việt Nam như Thái Lan, Malaysia có tốc độ tăng trưởng M2 ở giai đoạn ổn định trung bình khoảng 6%/năm trong khi các nước có trình độ kinh tế tương đồng hơn như Indonesia, Philippines, Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng M2 khoảng 12-13%/năm. Về mức độ hiệu quả của việc bơm tiền đối với tăng trưởng GDP, Việt Nam cũng đang kém hiệu quả nhất trong mẫu so sánh. Tỷ lệ tăng trưởng M2/tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam trong giai đoạn gần đây là 2,8 lần trong khi các nước trong khu vực dao động từ 1,5-2,5 lần.Dựa trên những số liệu đó có thể kỳ vọng trong thời gian tới, nếu trình độ kinh tế Việt Nam phát triển lên mức cao hơn, tăng trưởng GDP dựa vào chất nhiều hơn bằng cách tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động thì tỷ lệ tăng trưởng M2/GDP sẽ được kéo xuống ở mức khoảng 2-2,5 lần. Khi đó nếu đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5-7%/năm thì M2 cần tăng tương ứng khoảng 13-17,5%/năm.Còn trong ngắn hạn, khi sự chuyển đổi về chất chưa diễn ra ngay thì mức tăng hợp lý đối với M2 để có thể hỗ trợ cho tăng trưởng GDP mà không tạo ra rủi ro lạm phát có thể sẽ dao động trong khoảng 16-18%. Liều lượng tăng trưởng M2 có thể như trên nhưng nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN vẫn là lạm phát. Lạm phát cơ bản của Việt Nam hiện ở mức khá thấp (chỉ 1,3%) nhưng việc điều hành của NHNN những năm gần đây lại căn cứ chủ yếu vào diễn biến của lạm phát toàn phần (chứ không phải lạm phát cơ bản). Theo dự báo lạm phát trong năm 2018, nhóm hàng y tế sẽ không ảnh hưởng nhiều đến CPI nữa do lộ trình điều chỉnh giá nhóm hàng này về cơ bản đã hoàn tất trong hai năm 2016 và 2017. Nhóm hàng giáo dục dự kiến sẽ vẫn làm tăng CPI chung thêm khoảng 0,5%. Như vậy, ảnh hưởng của giáo dục và y tế đến CPI trong năm 2018 có thể sẽ chỉ ở mức 0,7-0,8% (giảm mạnh so với mức 2,5% trong năm 2017). Tuy vậy, rủi ro tiềm ẩn đối với chỉ số lạm phát chung có thể sẽ đến từ xu hướng tăng giá của các loại hàng hóa cơ bản trên thế giới, điển hình nhất là giá xăng dầu và các nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước. Nếu không có cú sốc hoặc biến cố gì lớn thì giá dầu trung bình trong năm 2018 hiện được các tổ chức lớn dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng (khoảng 10%) so với năm 2017. Với mức tăng này, tác động trực tiếp đến nhóm hàng giao thông có thể sẽ không lớn nhưng tác động vòng hai liên đới đến giá các mặt hàng chung trên thị trường, đặc biệt là giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất, gần 40%) có thể sẽ khó lường hơn. Nhưng nhìn chung, có cơ sở để kỳ vọng những rủi ro khó lường của giá hàng hóa cơ bản tăng sẽ được trung hòa bởi mức độ tác động ít hơn của nhóm hàng y tế lên chỉ số CPI chung trong năm 2018. Trong kịch bản tích cực, nếu lạm phát trung bình năm 2018 có mức tăng thấp hơn dự báo (chỉ 2-2,5%) thì sẽ có cơ hội để các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Chỉ khi lãi suất huy động giảm xuống, lãi suất cho vay mới có thể giảm theo vì chỉ số NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) của hệ thống ngân hàng Việt Nam rất khó giảm tiếp do hiện đã ở mức tương đối thấp so với các nước trong khu vực.

            BM Tài chính – Ngân hàng (Tổng hợp theo TBKTSG)