CẢM NHẬN CỦA DOANH NGHIỆP VỀ HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG

1. GIỚI THIỆU VỀ HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (TPP)

            Hiệp định TPP được kết thúc đàm phán vào ngày 5/10/2015 sau 7 năm thương thảo giữa các nước: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mê-hi-cô, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ, và Việt Nam. (Thực tế, Hiệp định TPP đã thương thảo từ lâu. Vào năm 2002, ba nước Chile, New Zealand và Singapore trong cuộc họp bên lề Hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) đã quyết định bắt đầu các cuộc đàm phán cho hiệp định tiền thân có tên tiếng Anh là “Pacific Three Closer Economic Partnership”. Tiếp sau đó, Brunei gia nhập đàm phán và vào năm 2005 bốn nước đã thỏa thuận và ký kết Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương. Thỏa thuận ban đầu này có hiệu lực năm 2006 và thiết lập các điểm sơ khởi cho các đàm phán TPP hiện tại. Các cuộc đàm phán được bắt đầu vào năm 2009 sau thông báo của Đại diện thương mại Hoa Kỳ Susan Schwab về việc nước này có ý định gia nhập TPP. Các quốc gia khác đã tham gia đàm phán gia nhập sau đó là Úc, Canada, Malaysia, Mexico, Peru, và Việt Nam. Nhật Bản - thành viên mới nhất gia nhập đàm phán TPP vào năm 2013). Hiệp định thương mại tự do của thế kỷ 21 này được kỳ vọng sẽ:

            …thúc đẩy sự phát triển kinh tế; hỗ trợ tạo mới và duy trì việc làm; tăng cường hoạt động đổi mới, năng suất và thúc đẩy cạnh tranh; nâng cao chất lượng cuộc sống; giảm đói nghèo; thúc đẩy tính minh bạch, năng lực điều hành hiệu quả và tăng cường bảo vệ môi trường và lao động.

            Mười hai quốc gia thành viên TPP đã ký kết hiệp định này vào ngày 4/2/2016, chính thức bắt đầu quá trình rà soát pháp lý, phê chuẩn theo thủ tục nội bộ của từng nước, dự kiến tiến hành trong vòng 2 năm. Theo quy định tại văn kiện Hiệp định, thì TPP sẽ chính thức có hiệu lực theo một trong 3 cách sau: (i) sau 60 ngày kể từ ngày tất cả các nước thành viên thông báo cho New Zealand về việc hoàn tất thủ tục pháp lý (phê chuẩn) nội bộ của mình; (ii) Nếu trong vòng 2 năm kể từ ngày ký kết TPP mà Hiệp định chưa thể có hiệu lực theo cách 1 nhưng có ít nhất 06 nước thành viên chiếm ít nhất 85% tổng GDP khu vực thông báo hoàn tất thủ tục pháp lý nội bộ; hoặc (iii) nếu hai trường hợp trên không xảy ra, hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ thời điểm có ít nhất 6 quốc gia thành viên chiếm ít nhất 85% GDP thông báo hoàn tất thủ tục pháp lý nội bộ. Thực chất, việc TPP có hiệu lực phụ thuộc vào nhiều nước thành viên của chính nó, đặc biệt Hoa Kỳ và Nhật Bản.

            Hiệp định TPP bao gồm các cam kết “cả gói” về nhiều lĩnh vực. Thời kỳ đầu, các bên tham gia đàm phán thỏa thuận về năm nội dung khái quát chính cho hiệp định mang tính bước ngoặt này: i) mở cửa thị trường toàn diện thông qua việc loại bỏ các hàng rào thương mại và đầu tư; ii) thỏa thuận toàn khu vực về hỗ trợ sự phát triển và hoạt động của chuỗi sản xuất đa quốc gia giữa các nước thành viên; iii) lồng ghép các nội dung thỏa thuận đã thực hiện trong khuôn khổ APEC về hài hòa hóa quy định, hỗ trợ kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và khu vực, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, và phát triển kinh tế; iv) ứng phó với những thách thức về công nghệ xanh và nền kinh tế số trong khi vẫn khuyến khích cạnh tranh; và v) một “thỏa thuận mở” với cơ chế cho phép hình thành các quy tắc thương mại mới khi cần và mở rộng thành viên. Các lĩnh vực mà TPP bao quát thể hiện mong muốn của các bên trong việc đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, có tiêu chuẩn cao và hình thành các nguyên tắc mới với phạm vi đàm phán rất rộng, trong đó gồm 30 chương về thương mại và các vấn đề liên quan tới thương mại, từ thương mại hàng hóa đến hải quan và thuận lợi hóa thương mại; biện pháp vệ sinh dịch tễ; rào cản kỹ thuật đối với thương mại; biện pháp phòng vệ thương mại; đầu tư; dịch vụ; thương mại điện tử; mua sắm công; sở hữu trí tuệ; lao động; môi trường; các chương nhằm mục đích đảm bảo TPP tận dụng được các tiềm năng về phát triển, năng lực cạnh tranh toàn diện; giải quyết tranh chấp, các điều khoản ngoại lệ, và điều khoản thi hành.

            Tính toàn diện và linh hoạt của TPP xuất phát từ thực tiễn các bên vẫn chưa hoàn toàn hài lòng với các thỏa thuận thương mại và đầu tư đã có trước đây, khi mà các lợi ích chính được kỳ vọng ban đầu đã bị hạn chế bởi các vấn đề khác nằm trong các thỏa thuận. Việc đàm phán đồng thời các lĩnh vực cốt lõi cho phép các quốc gia hạn chế việc phát triển các chính sách đối phó sau này. Thêm vào đó, những quy định pháp luật mang tính toàn diện sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc đàm phán giữa các quốc gia thành viên, cho phép đánh đổi giữa các lĩnh vực mà các quốc gia có ưu tiên khác nhau. Cuối cùng, tính linh hoạt trong thỏa thuận cho phép loại bỏ những thỏa thuận trước đây bằng việc tiến hành đàm phán lại trong trường hợp chính sách, công nghệ hay những diễn tiến quốc tế làm thay đổi bối cảnh đầu tư và thương mại.

            Tại Việt Nam, sự ủng hộ và nhận thức về TPP đang gia tăng, tuy có không ít ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia coi TPP là một cơ hội quan trọng để đa dạng hóa nền kinh tế Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường mạng lưới đối tác nước ngoài, giảm phụ thuộc kinh tế vào một số đối tác nhất định, đảo ngược tình trạng nhập siêu khá lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt từ nước láng giềng.71

            Một số nhà kinh tế cho rằng Việt Nam là nước tham gia đàm phán TPP có trình độ phát triển thấp nhất, với GDP bình quân đầu người nhỏ hơn một phần ba so với nước thành viên nghèo thứ hai trong các quốc gia tham gia đàm phán. Do đó, Việt Nam dự kiến sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ việc tiếp cận thị trường rộng lớn và được lợi đáng kể nhất từ Hiệp định này.

            Petri và Plummer ước tính đến năm 2030 Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng GDP 8%, với quy mô xuất khẩu tăng 30% và thu hút FDI từ các quốc gia thành viên sẽ tăng thêm 14.4%.

            Ngân hàng Thế giới ước tính nhờ vào việc gia nhập TPP, Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP lên đến 10% và gia tăng tới 30% giá trị xuất khẩu.

Một nghiên cứu khác ít lạc quan hơn dự đoán về sự giảm sút GDP ở một số quốc gia thành viên và sự giảm lợi nhuận (2.2%) ở một nhóm các quốc gia Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam).

            Một  vấn  đề  khác,  dù  ít  được  quan  tâm  hơn,  là  tác  động  phân  phối  (distributional consequences) của việc gia nhập TPP. Tức là một số ngành nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp nhẹ định hướng xuất khẩu sẽ có lợi, trong khi chăn nuôi và một số ngành dịch vụ trong nước như tài chính, bảo hiểm, dịch vụ logistics và phân phối sẽ chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ nước ngoài.

            Cạnh tranh toàn cầu được mong đợi sẽ cải thiện hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, một số nhà sản xuất, đặc biệt là nhiều nhà sản xuất quy mô vừa và nhỏ, sẽ bị tổn thương. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới dự đoán mức lương trong những ngành công nghiệp sử dụng lao động giản đơn sẽ tăng lên 14%, tuy nhiên cũng ước tính rằng đối với các ngành công nghiệp cần nhiều lao động có kỹ năng thì mức lương sẽ giảm khoảng 3%, đây cũng sẽ là ngành công nghiệp định hướng mũi nhọn của Việt Nam trong tương lai.

            Những lợi ích kinh tế đáng kể cho lao động giản đơn đã khiến Việt Nam chấp thuận tham gia vào những cam kết mới về quyền lợi của người lao động và các thỏa ước lao động tập thể.

            Đứng trên nguyên lý tối ưu hóa của Pareto thì sự đánh đổi này rất có ý nghĩa. Ở Việt Nam, số lượng lao động giản đơn lớn hơn rất nhiều so với lao động có kỹ năng và lợi ích từ nhóm lao động giản đơn là rất đáng kể. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều câu hỏi then chốt xoay quanh việc các doanh nghiệp và người lao động có được bù đắp không và được bù đắp như thế nào khi không được hưởng lợi từ các thỏa thuận này.

            Tuy nhiên, tất cả những tranh luận về lợi ích hay ảnh hưởng nêu trên của TPP đều là suy đoán và chưa có khảo sát nào về ý kiến thực tế của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế, các nhà phân tích chỉ “phỏng đoán” về những mong muốn của chủ doanh nghiệp trong nước cũng như của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, mà chưa thực sự hỏi xem họ đánh giá như thế nào về những “đánh đổi” của Việt Nam khi gia nhập TPP.

            Do vậy, bài viết này, chúng tôi sẽ bổ khuyết khoảng trống trên bằng những phân tích về kết quả khảo sát cảm nhận của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đối với đàm phán gia nhập TPP của Việt Nam: hiểu biết của doanh nghiệp về các thỏa thuận TPP, sự ủng hộ của họ đối với thỏa thuận chung và thỏa thuận của từng chương cụ thể và cuối cùng là thăm dò cảm nhận về tác động của TPP đối với quan hệ kinh doanh của họ với đối tác nước ngoài. Để trả lời cho những câu hỏi này, chúng tôi so sánh cụ thể quan điểm khác nhau của doanh nghiệp tư nhân trong nước, doanh nghiệp FDI tới từ các nước là thành viên TPP và doanh nghiệp FDI tới từ nước không tham gia đàm phán hiệp định này.

2. NHẬN THỨC KHÁC NHAU VỀ TPP

            Câu hỏi đầu tiên là những thông tin cơ bản về TPP: “Doanh nghiệp có biết về việc Việt Nam đàm phán hiệp định TPP không?”

            Điểm thứ nhất là chỉ có một nhóm rất nhỏ doanh nghiệp trả lời rằng họ không được thông tin về việc Việt Nam đàm phán gia nhập TPP; điều này có nghĩa là hầu hết doanh nghiệp ít nhiều đã biết về việc đàm phán hiệp định TPP. Thứ hai, mặc dù số doanh nghiệp cho biết họ được cập nhật thông tin tương đối đầy đủ về vấn đề này đã tương đối cao từ năm 2014, song năm nay, tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh, từ 68% đến 78%. Thứ ba, doanh nghiệp FDI từ các nước tham gia đàm phán TPP được cập nhật thông tin nhiều hơn hẳn so với các doanh nghiệp trong nước hoặc doanh nghiệp đến từ các nước không tham gia đàm phán TPP.

            Đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam về mức độ hiểu biết TPP. Chúng tôi chia thành hai nhóm: nhóm “hưởng lợi” nếu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực được dự đoán sẽ có mức lương cao hơn khi gia nhập TPP và nhóm “bị ảnh hưởng” nếu hoạt động trong lĩnh vực có mức lương giảm đi khi gia nhập TPP, theo phân tích của Ngân hàng Thế giới. Cần phải nhắc lại một điều rằng nhóm “hưởng lợi” hoạt động trong các ngành có lao động trình độ cao hơn và thường được cho là có kiến thức hơn về chính sách và thương mại quốc tế.

            Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng nhóm “hưởng lợi” lại được cung cấp thông tin nhiều hơn một chút so với nhóm “bị ảnh hưởng” trong lĩnh vực sản xuất và một số lĩnh vực khác. Sự khác biệt này lại càng lớn đối với lĩnh vực xuất khẩu. Điều này rất quan trọng, bởi dường như ảnh hưởng về sự phân bố tiêu cực có thể gây sốc đối với các ngành có khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực khi gia nhập TPP, sau này có thể bớt ủng hộ tham gia đàm phán TPP và các chính sách kinh tế khác.

III. SỰ ỦNG HỘ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TRONG THAM GIA ĐÀM PHÁN TPP

            Mặc dù năng lực nắm bắt thông tin của các doanh nghiệp là khác nhau giữa các loại hình hay ngành nghề, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, kết quả điều tra PCI cho thấy nhóm biết thông tin cơ bản về TPP bày tỏ sự ủng hộ rộng rãi đối với việc Việt Nam đàm phán gia nhập TPP. Để đánh giá mức độ ủng hộ tham gia TPP, chúng tôi đã đặt ra câu hỏi: “Doanh nghiệp có ủng hộ việc Việt Nam ký hiệp định TPP?” Tỉ lệ trung bình các doanh nghiệp bày tỏ sự ủng hộ đã tăng cao từ 62% (năm 2014) đến 72% (năm 2015).

            Trong năm 2015, doanh nghiệp trong nước ủng hộ Việt Nam tham gia đàm phán TPP mạnh mẽ hơn so với doanh nghiệp FDI. Cộng đồng các nhà đầu tư trong nước đã gia tăng sự ủng hộ từ 66% của năm ngoái lên 73%. Dù vậy, mức gia tăng ủng hộ này thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI, khi tỉ lệ ủng hộ từ doanh nghiệp FDI các nước thành viên tăng 24% điểm (từ 43% năm 2014 lên 67% năm 2015), hoặc từ doanh nghiệp FDI từ các nước không tham gia đàm phán tăng thêm 29% điểm (từ 36% lên 65%).

            Vấn đề tác động phân phối của TPP đối với doanh nghiệp trong nước khi có các yếu tố tác động quan trọng khác. Các doanh nghiệp trong nước nằm trong nhóm được cho rằng sẽ hưởng lợi từ TPP có xu hướng mong muốn Việt Nam gia nhập TPP hơn là các doanh nghiệp thuộc các ngành cần lao động có trình độ, kỹ năng cao, hiện đang được xếp vào nhóm bất lợi hơn khi gia nhập TPP. Dù vậy, nhìn chung, doanh nghiệp vẫn tương đối lạc quan, với 86% doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa thuộc các ngành cần lao động giản đơn bày tỏ sự ủng hộ, so với con số 79% doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa thuộc nhóm đối ngược. Trong số các doanh nghiệp trong nước hiện đang phải đối mặt với cạnh tranh nhập khẩu và với các doanh nghiệp FDI, 73% mong muốn đạt được thỏa thuận thuộc các ngành công nghiệp có thể hưởng lợi từ TPP, trong khi 71% thuộc các ngành công nghiệp có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực nhất từ TPP.

            Cảm nhận của các doanh nghiệp trong nước

            Hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều có những cảm nhận lạc quan về tác động của TPP. Trong cả 4 nội dung, ít nhất 46%, trong một số trường hợp là trên 60% doanh nghiệp trả lời khảo sát biết tới đàm phán TPP và cho rằng TPP sẽ có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của họ.

            Tuy nhiên, mức độ lạc quan lại giảm xuống theo từng nội dung. Cảm nhận về nội dung mở cửa thị trường ít biến đổi nhất. Sự ủng hộ của doanh nghiệp định hướng kinh doanh nội địa đối với các điều khoản về mở cửa thị trường giảm 6% và của doanh nghiệp xuất khẩu giảm 5%. Trong khi đó, mức độ ủng hộ các điều khoản về đầu tư giảm mạnh nhất.

            Tỷ lệ doanh nghiệp không tham gia xuất khẩu ủng hộ các điều khoản về đầu tư đã giảm thêm 11%, ở các doanh nghiệp xuất khẩu, mức giảm là 13%.

            Theo quan sát, sự khác biệt lớn nhất được ghi nhận ở các “vấn đề sau biên giới”. Sự ủng hộ của các doanh nghiệp định hướng nội địa đối với các điều khoản về lao động và Doanh nghiệp nhà nước giảm lần lượt là 9% và 11% so với năm ngoái. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn giữ mức độ lạc quan đối với hai lĩnh vực trên, thể hiện ở mức giảm không đáng kể, lần lượt là 2% và 7%.

            Mức độ ủng hộ của các doanh nghiệp trong nước đối với các điều khoản về DNNN giảm là do họ nhận thấy nhiều yêu cầu cải cách chặt chẽ nhất lại không áp dụng cho các DNNN Việt Nam, bởi số lượng doanh nghiệp phù hợp quy mô để tuân thủ quy định TPP chỉ chiếm trên đầu ngón tay. Các doanh nghiệp xuất khẩu ít bị tác động bởi các điều khoản thuộc Chương này là do họ không phải cạnh tranh trực tiếp với các DNNN Việt Nam.

            Riêng đối với những điều khoản về lao động, lý giải mức độ ủng hộ ở các doanh nghiệp xuất khẩu có thể là do những doanh nghiệp này hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, do đó họ sẵn sàng chấp nhận trả thêm mức phí áp lên giá thuê mặt bằng nhà xưởng. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp họ xuất khẩu sang các quốc gia phát triển - là thị trường mà việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động khắt khe lại thực sự sẽ giúp họ tăng được doanh thu bán hàng và thu hút thêm khách hàng tiềm năng.

            Cảm nhận của các doanh nghiệp FDI đến từ các nước thành viên TPP

            Một lần nữa khảo sát lại cho thấy mức độ lạc quan của các doanh nghiệp FDI đối với TPP. Phần lớn các doanh nghiệp đều ủng hộ các điều khoản của TPP theo từng lĩnh vực. Các doanh nghiệp định hướng thị trường nội địa có mức độ ủng hộ tăng đối với các điều khoản trong Hiệp định và đặc biệt là đối với các điều khoản về đầu tư, sự ủng hộ tăng lên 0,9 điểm. Điều này có thể được hiểu rằng do các điều khoản đầu tư chủ yếu nhằm đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp Việt Nam ngay trên sân nhà, đồng thời nó cũng góp phần tạo cơ hội mở ra một loạt ngành nghề mới.

            Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI có định hướng xuất khẩu đến từ các nước thành viên TPP lại có mức độ ủng hộ tương đối ổn định đối với các điều khoản mở cửa thương mại, nhưng lại ít ủng hộ hơn các chương về đầu tư và “vấn đề sau biên giới”. Một lần nữa mức độ ủng hộ các điều khoản về DNNN lại giảm. Điều đó cho thấy sự nhất trí cao rằng Chương DNNN có thể không đủ mạnh để giảm ảnh hưởng của các doanh nghiệp này đối với thị trường Việt Nam. Sự ủng hộ các điều khoản lao động giảm là do các quy định này làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực xuất khẩu có lợi nhuận biên thấp.

            Như dự đoán, các doanh nghiệp FDI đều ủng hộ các điều khoản về Giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư. Trong đó, mức độ ủng hộ của các doanh nghiệp định hướng thị trường nội địa cao hơn một chút do họ có các quan hệ hợp đồng ràng buộc với các nhà cung cấp và các đối tác của Việt Nam.

            Cảm nhận của các doanh nghiệp FDI không đến từ các nước thành viên TPP

            Nếu như năm 2014 các doanh nghiệp định hướng nội địa không mấy lạc quan về các điều khoản của hiệp định như các doanh nghiệp xuất khẩu khác do họ phải đối mặt với nhiều thách thức trong khi lợi ích từ các điều khoản thương mại lại không tương xứng, thì đến năm 2015, cảm nhận này của họ vẫn không thay đổi. Mức độ ủng hộ các điều khoản về thương mại vẫn thấp. Tuy nhiên, đối với các điều khoản về đầu tư, mức ủng hộ của họ lại tăng lên và họ dành sự ủng hộ cao nhất cho các điều khoản về những “vấn đề sau biên giới”.

            Ngoại trừ Chương DNNN, mức độ ủng hộ các điều khoản trong TPP của các doanh nghiệp xuất khẩu FDI không tới từ các nước thành viên TPP đều giảm đáng kể trong năm 2015.

            Điều này một lần nữa có thể được hiểu là do những thách thức mà các doanh nghiệp này sẽ phải đối mặt khi cạnh tranh ngày càng cao như các mức phí tăng cùng với những “vấn đề sau biên giới” trong khi họ không được hưởng nhiều lợi ích từ việc mở cửa thị trường cho các sản phẩm của mình.

Kết luận

            Nhiều dự đoán cho thấy Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi TPP chính thức có hiệu lực, nhưng, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về tác động phân phối theo ngành từ hiệp định này. Điều đó đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn của các nhà hoạch định chính sách kinh tế. Trong khi các chuyên gia vẫn tiếp tục bàn thảo về những tác động lâu dài của hiệp định thương mại và đầu tư toàn diện nhất thế giới này, thì các thảo luận chính sách hiện nay tại Việt Nam lại chưa quan tâm thỏa đáng đến những quan ngại cụ thể của các doanh nghiệp. Vì thế, mục đích của chương này là nhằm đưa tiếng nói của các doanh nghiệp Việt Nam tới những thảo luận chính sách.

            1.  Mức độ nhận thức và ủng hộ dành cho TPP trong cộng đồng các doanh nghiệp nói chung đã tăng lên. Điều này là do các doanh nghiệp đã có những hiểu biết nhất định về TPP. Do vậy, mức tăng trung bình của các doanh nghiệp hiểu về hiệp định này là từ 68% năm 2014 lên 78% năm 2015. Trong khi đó, mức độ ủng hộ tăng từ 62% lên 72%.

            2.  Mức độ hiểu biết và ủng hộ hiệp định của các doanh nghiệp đã tăng từ 2% đến 3% do cảm nhận rõ ràng hơn của các doanh nghiệp rằng Hoa Kỳ sẽ phê chuẩn hiệp định và thông qua các điều khoản đã được đàm phán. Qua đó, có thể thấy được một trong những tính toán quan trọng về lợi ích mà doanh nghiệp có được từ TPP là khả năng thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ.

            3.  Khảo sát năm 2015 cho thấy các doanh nghiệp trong nước biết tới TPP thấp hơn (77%) so  với  các  doanh  nghiệp  FDI  tới  từ  các  nước  thành  viên  TPP  (86%)  và  các  doanh nghiệp FDI không tới từ các nước thành viên TPP (82%).

            4.  Tuy nhiên, mức độ ủng hộ TPP của các doanh nghiệp trong nước lại cao nhất (73%) so với các doanh nghiệp FDI đến từ các nước thành viên TPP (67%) và các doanh nghiệp không tới từ các nước thành viên TPP (65%).

            5.  Khảo sát về mức độ hiểu biết và ủng hộ của doanh nghiệp đối với TPP cho thấy những quan ngại của họ về những tác động phân phối khi hiệp định đi vào thực thi. Thông qua các phân tích kinh tế, chúng tôi so sánh câu trả lời của các doanh nghiệp trong nước thuộc nhóm có khả năng hưởng lợi từ TPP với những doanh nghiệp thuộc nhóm được dự đoán bị ảnh hưởng tiêu cực. Kết quả cho thấy, nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng hiểu biết ít hơn các điều khoản của TPP và có xu hướng ít ủng hộ việc thông qua hiệp định này hơn. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt lớn giữa các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu trong nhóm được hưởng lợi với các doanh nghiệp trong nước về mức độ hiểu biết và ủng hộ hiệp định.

            6.  Đối với các nội dung cụ thể trong hiệp định TPP, phần lớn doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đều thể hiện quan điểm lạc quan, trong đó có các điều khoản về mở cửa thị trường và vấn đề sau biên giới như quyền lợi của người lao động và các chương về DNNN.

            7.  Về mức độ ủng hộ: Các nhóm doanh nghiệp khác nhau có mức ủng hộ khác nhau đối với các điều khoản cụ thể của TPP:

            7.1. Theo khảo sát, các doanh nghiệp trong nước giảm mức độ ủng hộ đối với bốn nội dung sau: 1) mở cửa thị trường; 2) đầu tư; 3) lao động và 4) DNNN. Mức giảm đáng kể chủ yếu rơi vào nhóm các doanh nghiệp định hướng nội địa chịu ảnh hưởng tiêu cực từ TPP, nhưng mức giảm thấp hơn cũng được ghi nhận ở các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu.

            7.2. Trong nhóm doanh nghiệp FDI đến từ các nước thành viên TPP, các doanh nghiệp định hướng nội địa trong số này có mức ủng hộ rất cao đối với các điều khoản trong hiệp định, nhất là các điều khoản về đầu tư. Điều này dễ hiểu bởi các điều khoản về đầu tư chủ yếu nhằm đảm bảo sự công bằng trong cạnh tranh giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam ngay trên sân nhà, đồng thời nó cũng góp phần mở rộng những lĩnh vực đầu tư mới trong quá trình cạnh tranh với nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI định hướng xuất khẩu đến từ các nước thành viên TPP vẫn giữ nguyên mức ủng hộ đối với các điều khoản về mở cửa thị trường, trong khi giảm sự ủng hộ đối với lĩnh vực đầu tư và các chương về những vấn đềsau biên giới.

            7.3. Đối với nhóm doanh nghiệp FDI đến từ các nước xuất xứ không thuộc TPP, những doanh nghiệp định hướng thị trường nội địa trong nhóm này vẫn bảo lưu quan điểm về hiệp định thương mại này, tuy nhiên những doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu lại không mấy lạc quan về các hoạt động định hướng xuất khẩu do thách thức mà họ đối mặt khi hiệp định có hiệu lực như chi phí kinh doanh tăng trong khi thiếu vắng sự gia tăng cơ hội tương ứng từ sự mở của thị trường nội địa.

                                                                        TS. Nguyễn Thị Minh Phượng

                                                                        BM Kinh tế đầu tư & Phát triển