CÁCH THỨC ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ CỦA DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
Ths. Nguyễn Thị Bích Liên Bộ môn Kinh tế Đầu tư và Phát triển Khoa Kinh tế - Trường Đại học Vinh |
Tóm tắt
Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng thể hiện vai trò to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam còn hạn chế mà một trong những nguyên nhân quan trọng là trình độ và năng lực công nghệ của hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh trong những năm tới. Để có thể tồn tại và phát triển, không có cách nào khác là doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình bằng cách đổi mới công nghệ. Rất nhiều nhà quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam còn lúng túng trong việc chọn lựa cách thức đổi mới công nghệ của doanh nghiệp mình. Do vậy, seminar khoa học này sẽ đưa ra cách cách thức mà doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể áp dụng khi thực hiện đổi mới công nghệ.
1. Khái niệm đổi mới công nghệ
Đổi mới công nghệ là việc chủ động thay thế một phần hay toàn bộ công nghệ đang được sử dụng bằng một công nghệ khác tiên tiến hơn nhằm nâng cao hiệu quả của sản xuất - kinh doanh.
Quan điểm chung đều nhấn mạnh yêu cầu đối với một doanh nghiệp được xem là đã đổi mới công nghệ là sản phẩm mới phải được đưa ra thị trường (đổi mới sản phẩm), hoặc một quy trình sản xuất mới được đưa vào ứng dụng trong sản xuất - kinh doanh (đổi mới quy trình). Như vậy, một sản phẩm mới không thương mại hoá được không coi là đổi mới sản phẩm, và những thay đổi về quy trình chưa được áp dụng trong sản xuất thì chưa được tính là đổi mới quy trình.
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy, quan điểm “mới và được cải tiến đáng kể” cần được hiểu là so với chính doanh nghiệp đó, không nhất thiết phải là mới hoặc được cải tiến so với ngành, quốc gia hay thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng quan điểm này của OECD phù hợp với tính chất của hoạt động đổi mới của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa khi thực hiện đổi mới công nghệ
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy, bên cạnh những lợi thế nhất định, doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều bất lợi so với các doanh nghiệp lớn khi tiến hành các hoạt động đổi mới công nghệ (Bảng 1).
Bảng 1: Lợi thế và bất lợi của doanh nghiệp nhỏ và vừa so với doanh nghiệp lớn trong đổi mới công nghệ
Lợi thế | Bất lợi |
Quản lý Cơ cấu quản lý gọn nhẹ, quá trình ra quyết định nhanh chóng. | Thiếu kỹ năng, kinh nghiệm quản lý. |
Liên kết Dễ dàng hợp tác giữa các bộ phận chức năng trong doanh nghiệp. | Thiếu nguồn lực để phát triển mạng lưới hợp tác với các đối tác bên ngoài. |
Marketing - Nhanh chóng thích ứng với những thay đổi của thị trường - Có nhiều cơ hội khai thác thị trường ngách (market niches). | Thiếu thời gian và nguồn lực để thâm nhập thị trường nước ngoài. |
Nhân lực Đội ngũ kỹ thuật dễ dàng gắn kết chặt chẽ với các bộ phận chức năng khác. | Thiếu đội ngũ kỹ thuật có tay nghề cao trong doanh nghiệp, khó huy động các chuyên gia bên ngoài. |
Tài chính Không cần nhiều vốn đầu tư cho các hoạt động ĐMCN. | - Ít có cơ hội, khả năng chia sẻ rủi ro khi thực hiện các dự án đổi mới. - Khó huy động các nguồn vốn bên ngoài cho ĐMCN. |
Tăng trưởng Có nhiều tiềm năng phát triển dựa vào chiến lược tạo ra sự khác biệt về sản phẩm và công nghệ. | Thiếu kỹ năng quản lý phù hợp để khai thác hiệu quả tiềm năng này. |
Pháp lý Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi cho ĐMCN. | - Thiếu kỹ năng cần thiết để đáp ứng các điều kiện hỗ trợ theo quy định. - Thiếu thông tin về về các chính sách ưu đãi, các chương trình hỗ trợ. |
Khả năng học hỏi Quá trình học hỏi nhanh chóng, thích ứng nhanh với những thay đổi của thị trường và công nghệ. | |
Nguồn: The Handbook for Industrial Innovation, 1996
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra nhanh chóng, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn trong những năm tới khi áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng. Các khó khăn chủ yếu cản trở hoạt động đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm:
- Thiếu kỹ năng nghiệp vụ và thực trạng các nguồn thông tin để tìm kiếm công nghệ nên không biết tìm kiếm bằng cách nào và tìm ở đâu.
- Không biết đánh giá như thế nào để lựa chọn công nghệ thích hợp nên chi phí đầu tư thường cao hơn so với giá trị thương mại của công nghê mua về.
- Chưa quen với việc mua công nghệ theo con đường chính thức nên thiếu kỹ năng, kinh nghiệm trong việc lựa chọn hình thức phù hợp để mua công nghệ và đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ với các nhà cung cấp.
- Chưa chú trọng đầu tư cho các hoạt động thích nghi, làm chủ và cải tiến công nghệ mua về nên hiệu quả ứng dụng chưa cao.
- Không có bộ phận chức năng thường xuyên cập nhật thông tin về công nghệ mới, các tiêu chuẩn mới và các quy định luật pháp mới, trong khi hệ thống thông tin trong nước còn nhiều bất cập.
- Nguồn vốn tự có thấp, trong khi thiếu kỹ năng, kinh nghiệm để huy động vốn từ các nguồn bên ngoài cho các hoạt động đổi mới công nghệ.
3. Cách thức đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Trong thực tế, dựa vào mục tiêu của đổi mới công nghệ, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể thực hiện hai loại cơ bản: đổi mới công nghệ sản phẩm (đổi mới sản phẩm) và đổi mới công nghệ quy trình (đổi mới quy trình).
Liên quan đến mức độ của đổi mới, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể thực hiện ở hai mức độ: mới và cải tiến. Theo đó, đổi mới công nghệ có thể nhằm đưa ra thị trường sản phẩm mới (ứng dụng quy trình sản xuất mới) hoặc được cải tiến đáng kể về công nghệ.
Đổi mới sản phẩm là việc một doanh nghiệp đưa ra được thị trường sản phẩm mới hoặc sản phẩm được cải tiến đáng kể về công nghệ với những tính năng, công dụng mới hơn so với các sản phẩm cùng loại được doanh nghiệp sản xuất trước đây.
Hộp 1: Sản phẩm mới và Sản phẩm được cải tiến về công nghệ |
- Sản phẩm mới về công nghệ là sản phẩm có công dụng, tính năng hoàn toàn mới so với các sản phẩm cùng chủng loại được doanh nghiệp sản xuất trước đó. Sản phẩm mới có thể được tạo ra nhờ ứng dụng các công nghệ hoàn toàn mới, hoặc bằng cách thay đổi cách thức tổ chức, tích hợp các công nghệ hiện có để tạo ra tính năng, công dụng mới của sản phẩm. Ví dụ: + Một doanh nghiệp chuyên đúc khuôn ép các sản phẩm nhựa, nay đưa ra thị trường khuôn ép các sản phẩm kim loại kim loại thì loại sản phẩm khuôn ép kim loại là sản phẩm mới của doanh nghiệp đó (mặc dù sản phẩm này có thể không mới đối với ngành chế taoh khuôn mẫu). + Một doanh nghiệp sản xuất tai nghe nhạc có dây (headphones), nay đưa ra thị trường tai nghe không dây (Bluetooth headphones) thì loại tai nghe không dây này là một sản phẩm mới. Sản phẩm này dựa trên việc tích hợp các công nghệ sản xuất tai nghe trước đó với công nghệ Bluetooth. + Một doanh nghiệp sản xuất điện thoại cố định, nay đưa ra thị trường loại điện thoại kéo dài cho phép người sử dụng di chuyển trong phạm vi rộng thì loại điện thoại mới này được xem là một sản phẩm mới của doanh nghiệp. Sản phẩm mới này dựa trên sự kết hợp công nghệ sản xuất điện thoại cố định với công nghệ thông tin-truyền thông. - Sản phẩm được cải tiến về công nghệ được hiểu là một sản phẩm vẫn thuộc dòng sản phẩm trước đó, nhưng có tính năng, công dụng mới hơn nhờ có những cải tiến đáng kể về công nghệ. Những đổi mới này có thể được tạo ra nhờ việc sử dụng loại nguyên vật liệu thích hợp hơn (chi phí thấp hơn hoặc tiết kiệm năng lượng, bền hơn…), hoặc dựa trên việc đổi mới một số bộ phận/linh kiện của sản phẩm đó. Ví dụ: + Một doanh nghiệp sản xuất các loại giấy thơm nay đưa ra thị trường loại giấy thơm tiệt trùng (đã qua xử lý thanh trùng), kết hợp với những cải tiến về kỹ thuật sắp xếp và đóng hộp để thuận tiện cho người sử dụng thì loại sản phẩm mới này được xem là sản phẩm được cải tiến về công nghệ. + Một doanh nghiệp hiện đang chế biến nước hoa quả, nay đưa ra loại nước hoa quả giữ được các hương vị tự nhiên thì loại nước hoa quả mới này là sản phẩm được cải tiến về công nghệ. |
Đổi mới quy trình là việc một doanh nghiệp đưa vào ứng dụng quy trình công nghệ sản xuất mới hoặc được cải tiến đáng kể về công nghệ so với quy trình công nghệ sản xuất được doanh nghiệp ứng dụng trước đó.
Hộp 2: Quy trình mới và quy trình được cải tiến về công nghệ |
- Quy trình mới: là cách thức mới để sản xuất ra sản phẩm và thường gắn với hệ thống máy móc - thiết bị mới, dựa trên các nguyên lý công nghệ mới, phương pháp tổ chức sản xuất mới. Ví dụ: + Một doanh nghiệp chế tạo khuôn mẫu đưa vào sử dụng các loại máy gia công cơ khí CNC (máy cắt dây CNC, máy phay CNC…) để thay thế các máy gia công cơ khí thế hệ cũ thì doanh nghiệp đó được xem là đã thực hiện đổi mới quy trình. Quy trình mới này dựa trên các kỹ thuật lập trình thiết kế & chế tạo với sự trợ giúp của máy tính. Các kỹ thuật cơ khí truyền thống trước đây không cho phép chế tạo các loại khuôn mẫu đòi hỏi độ chính xác cao, mẫu mã thay đổi nhanh. + Một doanh nghiệp sản xuất các loại sản phẩm nhựa cao cấp áp dụng quy trình sản xuất khép kín tự động, từ khâu trộn/ phối liệu - tạo hạt nhựa – ép đùn hỗn hợp để sản xuất các loại cửa sổ, cửa ra vào, vách ngăn với độ bền cao, tránh trầy xước, mầu sắc đa dạng, chịu độ ẩm và nhiệt độ cao… - Quy trình được cải tiến về công nghệ: là việc cải tiến cách thức sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nhưng thường vẫn dựa trên các nguyên lý công nghệ cũ và sản phẩm sản xuất ra vẫn là các sản phẩm truyền thống. + Một doanh nghiệp đưa vào sử dụng “cánh tay rô bốt”để vận chuyển bán thành phẩm giữa các công đoạn sản xuất thay cho các hoạt động thủ công trước đó thì doanh nghiệp đó đã thực hiện cải tiến quy trình sản xuất. + Một doanh nghiệp chế biến hoa quả đưa vào sử dụng máy đục lõi dứa trong qui trình chế biến dứa khoanh hộp thay cho các hoạt động thủ công bằng tay trước đó có thể coi là một cải tiến quy trình. |
Đổi mới căn bản và đổi mới tuần tự. Sự phân định giữa đổi mới căn bản và đổi mới tuần tự được nhiều chuyên gia tư vấn về đổi mới sử dụng để hỗ trợ xây dựng chiến lược đổi mới công nghệ và lựa chọn phương pháp quản lý công nghệ phù hợp.
Tuy nhiên, sự phân định giữa đổi mới tuần tự và đổi mới căn bản chưa giúp lý giải vì sao doanh nghiệp này có nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp kia khi thực hiện một dự án đổi mới công nghệ. Thực tế, không ít doanh nghiệp sở hữu các công nghệ thành phần quan trọng nhưng lại thất bại khi thực hiện cải tiến đối với các công nghệ này để tạo ra các sản phẩm ưu việt hơn.
Mặt khác, có nhiều bằng chứng cho thấy, phần lớn các đổi mới công nghệ trong thực tế là những cải tiến nhỏ được thực hiện thường xuyên dựa trên những sản phẩm/quy trình hiện có nhưng lại có tác động lớn đối với khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Do đó, để tạo ra một sản phẩm mới, doanh nghiệp cần phải có một trong hai loại kiến thức cơ bản: kiến thức liên quan đến các bộ phận hợp thành hệ thống công nghệ và kiến thức về sự liên kết giữa các bộ phận đó.
Sản phẩm mới là kết quả của sự kết hợp của nhiều công nghệ khác nhau. Một sản phẩm hoặc quy trình mới thường được cấu thành bởi nhiều công nghệ hợp phần khác nhau. Ví dụ, một chiếc quạt cảm ứng bao gồm ít nhất 4 công nghệ thành phần chủ yếu: động cơ, cánh quạt, bộ phận cảm ứng (nhiệt độ, độ ẩm), và hệ thống phun hơi nước. Tương tự, một ổ cứng USB flash được tạo ra nhờ 3 công nghệ cơ bản: bản mạch in, đầu cắm kết nối với các cổng USB, và vỏ bảo vệ. Mỗi công nghệ này lại được tích hợp từ nhiều công nghệ đơn lẻ khác. Mặc dù việc đổi mới công nghệ có thể được tạo ra nhờ phát triển các công nghệ đơn lẻ để tạo ra sản phẩm hoặc quy trình mới, nhưng đổi mới công nghệ dựa trên tích hợp các công nghệ thành phần sẵn có sẽ được nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa quan tâm trong những năm tới.
|
| Các nghiên cứu so sánh mô hình đổi mới công nghệ giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Mỹ và Nhật Bản cho rằng, các doanh nghiệp Mỹ thường chú trọng phát triển các công nghệ hợp phần đơn lẻ, trong khi đó nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Nhật lại tập trung vào các giải pháp nhằm mở rộng tiềm năng ứng dụng để đưa ra các sản phẩm, quy trình hiện có. Vì vậy, các doanh nghiệp Mỹ thường tập trung nguồn lực cho nghiên cứu, đổi mới các công nghệ hợp phần đơn lẻ, còn các công ty Nhật lại đi theo chiến lược tích hợp theo chiều ngang, coi trọng các nghiên cứu thích nghi nhằm mở rộng tiềm năng ứng dụng của các công nghệ hiện có. | |
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các nước đang phát triển, đổi mới công nghệ chủ yếu được thực hiện theo hai cách:
- Ứng dụng công nghệ mới để thay thế công nghê đang được sử dụng; và
- Tái tổ chức, tích hợp các công nghệ hợp phần trong hệ thống công nghệ hiện có theo các cách khác nhau.
Trên cơ sở đó, có thể phân chia đổi mới công nghệ thành bốn loại hình cơ bản: Đổi mới tuần tự, đổi mới mô-đun, đổi mới cấu trúc và đổi mới căn bản. Cụ thể có thể phân thành bốn loại sau:
- Đổi mới tuần tự. Đổi mới tuần tự là loại hình đổi mới tạo ra những cải tiến về công nghệ dựa trên những sản phẩm, quy trình sản xuất hiện có của doanh nghiệp. Loại đổi mới này dựa trên các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm được doanh nghiệp học hỏi, tích lũy thông qua quá trình sản xuất - kinh doanh. Kết quả của đổi mới này vẫn là những sản phẩm thuộc dòng sản phẩm được doanh nghiệp sản xuất trước đó, hoặc là những quy trình sản xuất đã được doanh nghiệp ứng dụng vào sản xuất. Mặc dù loại đổi mới này không đòi hỏi phải có kiến thức mới, nhưng để thành công doanh nghiệp cần phải có một số năng lực công nghệ, đặc biệt là năng lực thích nghi, cải tiến đối với sản phẩm hoặc quy trình công nghệ hiện có. Đổi mới tuần tự thường được nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa lựa chọn do có thể tận dụng được các nguồn lực sẵn có.
- Đổi mới mô-đun. Đổi mới mô-đun là loại đổi mới tạo ra những thay đổi đáng kể đối với một số công nghệ hợp phần của sản phẩm hoặc quy trình dựa trên các kiến thức sẵn có về thiết kế và tích hợp hệ thống. Đổi mới mô-đun đòi hỏi doanh nghiệp phải có kiến thức mới về một hoặc một số công nghệ hợp phần.
Đổi mới mô-đun Các thiết bị thông tin không dây (tai nghe nhạc, chuột máy tính, mô-đem, điện thoại kéo dài...), hoặc nhiều thiết bị gia công cơ khí được điều khiển bằng máy tính (CNC) là những ví dụ minh họa về đổi mới mô-đun. |
- Đổi mới kết cấu hệ thống công nghệ. Ngược lại với đổi mới môđun, đổi mới kết cấu công nghệ là loại đổi mới dựa trên việc tái tổ chức các bộ phận, công nghệ hợp phần trong hệ thống công nghệ hiện có theo các cách khác nhau nhằm tạo ra một hệ thống công nghệ mới (sản phẩm, quy trình). Đổi mới kết cấu không đòi hỏi kiến thức mới về các bộ phận, công nghệ hợp phần, mà chủ yếu dựa trên kiến thức thiết kế và tích hợp các công nghệ hợp phần trong hệ thống công nghệ hiện có để tạo ra hệ thống công nghệ mới. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp mới thành lập thường quan tâm nhiều đến loại hình đổi mới này nhằm khai thác các thị trường ngách (Niches market).
Đổi mới kết cấu hệ thống công nghệ Một doanh nghiệp từng sản xuất quạt bàn trước đây, nay đầu tư sản xuất quạt trần thì trường hợp này có thể được xem là đổi mới kết cấu hệ thống công nghệ vì các công nghệ hợp phần của quạt trần (cánh quạt, động cơ, điều khiển…) cũng giống quạt bàn nhưng được tổ chức, tích hợp theo các cách khác nhau. |
- Đổi mới căn bản. Đổi mới căn bản là những thay đổi toàn bộ về tính năng và nguyên lý công nghệ so với các công nghệ cùng chủng loại hiện có. Loại đổi mới này đòi hỏi doanh nghiệp phải có kiến thức hoàn toàn mới cả về các công nghệ hợp phần và kết cấu hệ thống công nghệ. Thực tế, rất ít ĐMCN trong khu vực DNN&V hiện nay (một số ít doanh nghiệp mới thành lập) thuộc loại này.
Hiểu rõ các cách thức đổi mới công nghệ sẽ giúp các nhà quản trị doanh nghiệp lựa chọn cách tiếp cận, giải pháp quản lý các dự án đổi mới công nghệ hiệu quả hơn.
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Đình Bình & Nguyễn Hữu Xuyên (2015), Đổi mới công nghệ trong ngành công nghiệp hỗ trợ, NXB Khoa học và kỹ thuật.
- Bộ môn Quản lý công nghệ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (1999), Phân tích năng lực công nghệ cơ sở phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Báo cáo đề tài cấp Bộ.
- Bộ môn Quản lý công nghệ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (2013), Giáo trình Quản lý công nghệ, NXB Đại học Kinh tế quốc dân.
- Trần Ngọc Ca và các tác giả (2011), Nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư hợp tác với Hoa Kỳ, Báo cáo tổng hợp của NISTPASSS.
- Phan Xuân Dũng và các tác giả (2004), Chuyển giao công nghệ ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, NXB Chính trị quốc gia.