Mô hình chi
phí mục tiêu là một trong các phương pháp xác định chi phí sản xuất sản phẩm hiện
đại, có nguồn gốc từ các nước phát triển. Đó là tổng thể các phương pháp,
công cụ quản trị cho phép đạt được mục tiêu hoạt động ở giai đoạn thiết kế và kế
hoạch hoá sản phẩm mới. Phương pháp này cũng cho phép nhà quản trị dự đoán được
mục tiêu lợi nhuận đã xác định trong suốt chu kỳ sống của sản phẩm.
Phương
pháp này đã được áp dụng nhiều vào năm cuối thế kỷ 20 bởi các công ty lớn như
Toyota, NEC, Sony và Nissan. Phương pháp này được hiểu như sau: Phương pháp cho
phép doanh nghiệp tạo ra các cơ sở kiểm soát ở giai đoạn sản xuất và bảo đảm
các sản phẩm này đạt được mục tiêu lợi nhuận đã được xác định phù hợp với chu kỳ
sống của sản phẩm.
Chi phí mục
tiêu gắn liền với lợi nhuận có thể đạt được theo chu kỳ sống của sản phẩm. Chi
phí mục tiêu là công cụ quản trị chi phí mà nhà quản trị hoạch định chính sách
hoạt động sử dụng trong các giai đoạn thiết kế và sản xuất để cải tiến quá
trình sản xuất, giảm chi phí sản xuất trong tương lai. Chi phí mục tiêu được tiến
hành song song với các bước quy trình chế tạo sản phẩm. Với mỗi bước của quy
trình chế tạo sản phẩm, chi phí mục tiêu thực hiện nội dung khác nhau. Ở giai
đoạn nghiên cứu thị trường, nhà quản trị xác định giá bán dự kiến của sản phẩm,
chuẩn bị các điều kiện sản xuất. Nhà quản trị xác định được lợi nhuận mục tiêu
trên cơ sở giá bán dự kiến. Dựa vào giá bán dự kiến và lợi nhuận mục tiêu, nhà
quản trị xác định chi phí trần có thể chấp nhận. Các yếu tố này được coi là cố
định trong phương pháp chi phí mục tiêu. Giai đoạn kế tiếp, nhà quản trị
ước tính chi phí sản xuất theo các điều kiện cụ thể của doanh nghiệp. Chi phí mục
tiêu được xác lập dựa trên chi phí trần có thể chấp nhận và chi phí ước tính
theo điều kiện của doanh nghiệp. Chi phí mục tiêu không thể vượt qua chi phí trần.
Sau khi xác lập được chi phí mục tiêu, các định mức chi phí được xây dựng để kiểm
soát chi phí.
Điểm khác biệt
giữa phương pháp chi phí mục tiêu và phương pháp chi phí truyền thống là việc
xác lập chi phí mục tiêu không chỉ quan tâm đến điều kiện sản xuất mà còn chú ý
đến cả lợi nhuận mục tiêu. Chi phí mục tiêu được xem là giới hạn chi phí để đạt
được hiệu quả sản xuất mong muốn. Sau khi xác định được chi phí mục tiêu, nhà
quản trị phải tổ chức quản trị chi phí theo từng giai đoạn của quy trình sản xuất
từ khâu thiết kế đến khâu sản xuất, từ khâu kế hoạch đến khâu tổ chức thực hiện,
làm sao cho chi phí thực tế không vượt quá chi phí mục tiêu. Điều này đòi hỏi
các nhà quản trị phải tổ chức sản xuất và quản trị chi phí thật nghiêm ngặt ở tất
cả các giai đoạn của quy trình sản xuất, không ngừng phát hiện những chi phí
không hữu ích hoặc không tương xứng với tầm quan trọng của sản phẩm, không những
phát hiện các "trục trặc" trong hệ thống để "thay đổi để tốt
hơn" hay "cải tiến liên tục" theo triết lý quản lý Kaizen để cắt
giảm chi phí theo sơ đồ sau.
Khái niệm
Kaizen có thể được hiểu như là sự xem xét cải tiến không ngừng chi phí nhằm duy
trì chi phí ở mức thấp nhất. Kaizen costing quan tâm đến nhận diện những cơ hội
để cải tiến chi phí trong giai đoạn chế tạo. Phương pháp chi phí mục tiêu được
bắt đầu bằng việc ước tính giá bán của sản phẩm. Giá bán ước tính dựa vào công
dụng và thuộc tính của sản phẩm, các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Trên
cơ sở lợi nhuận dự kiến, nhà quản trị phải xác định chi phí sản xuất và tiêu thụ
có thể chấp nhận để tiến hành sản xuất sản phẩm. Mỗi giai đoạn phát triển sản
phẩm sẽ được đánh giá nhằm đạt được mục tiêu chi phí đã xác định. Việc đánh giá
này dựa trên phân tích giá trị nhằm đánh giá việc thiết kế sản phẩm và nhận diện
các cơ hội có thể tiến hành giá trị của sản phẩm.
Phương pháp
xác định chi phí mục tiêu bao gồm các giai đoạn sau:
Giai đoạn 1:
Xác định chi phí mục tiêu theo các bộ phận sản phẩm sản xuất. Việc xác định chi
phí cho các bộ phận này phải dựa vào mức độ quan trọng khác nhau về vai trò của
các bộ phận đối với sản phẩm. Từ đó xác định tỷ lệ chi phí của từng bộ phận
trong tổng chi phí cấu thành sản phẩm.
Giai đoạn 2: Tổ
chức thực hiện các mục tiêu chi phí đã xác định quá trình thực hiện những thành
phần của sản phẩm có chi phí cao so với tầm quan trọng đã xác định ở giai đoan
trước. Từ đó phải có phương pháp điều chỉnh, quản lý chặt chẽ để hạ thấp chi
phí sản xuất. Bên cạnh đó giai đoạn này cũng cần phát hiện các sản phẩm có chi
phí quá thấp so với tầm quan trọng của nó. Việc sản xuất các thành phần này
cũng phải được điều chình cho phì hợp với tầm quan trọng của nó có trong sản phẩm
sản xuất.
Giai đoạn 3:
Đánh giá kết quả, nếu chi phí sản xuất đã đạt được đến chi phí trần, cần phải dừng
lại các hoạt động ở giai đoạn 2 vì sản phẩm sản xuất không mang lại lợi nhuận.
Nếu chi phí sản xuất chưa đạt đến chi phí trần nhưng đạt đến chi phí mục tiêu:
Cần xem xét lại giai đoạn 1 và 2, phải xem xét giai đoạn thiết kế đã hợp lý
chưa hoặc xem lại các bước trong giai đoạn sản xuất để giảm chi phí sản xuất.
Mô hình
Target-Costing phù hợp với môi trường sản xuất tiên tiến, hiện đại, tự động hóa
cao, ở Việt Nam thường được vận dụng vào các công ty sản xuất đồ điện tử, các sản
phẩm viễn thông, các sản phẩm, dịch vụ sản xuất theo đơn đặt hàng...
Nguyễn
Thị Mai Lê – Bộ môn Kế toán