ĐẢNG BỘ TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH     ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

ĐẢNG UỶ BP KHOA KINH TẾ                  

                             *                                       TP. Vinh, ngày 24 tháng 8 năm 2018

                 Số 133-BC/ĐU

 

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ

 

I. Mục tiêu

- Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, nhân viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm và trình độ chuyên môn cao, có phong cách giảng dạy, làm việc chuyên nghiệp, có cơ cấu phù hợp, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển Nhà trường trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

- Phấn đấu đến năm 2020, toàn  Khoa có 100% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Tỷ lệ cán bộ có chức danh giáo sư, phó giáo sư đạt 10 - 15% trên tổng số giảng viên. Phấn đấu 10 - 15% giảng viên có thể giảng dạy bằng tiếng Anh. Mỗi năm cử 1-2 cán bộ đi học cao cấp lý luận chính trị.

- - Phấn đấu đến năm 2020 có 100% giảng viên đạt trình độ tiếng Anh bậc 3 trở lên, trong đó 60% giảng viên có trình độ bậc 4 trở lên; có 60% số cán bộ hành chính đạt trình độ tiếng Anh bậc 3 trở lên; 100% giảng viên tiếng Anh được đi học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ở các nước nói tiếng Anh.

II. Quan điểm

- Cán bộ là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của Nhà trường, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ. Thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

- Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của toàn Trường, theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện công tác cán bộ, đồng thời phát huy tối đa vai trò, quyền hạn và tính tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ.

- Tập trung việc đổi mới phương thức, lề lối làm việc, mỗi cán bộ, viên chức phải thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình một cách rõ ràng. Gắn việc xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng tổ chức và đổi mới cơ chế, chính sách. Có cơ chế khuyến khích về vật chất và tinh thần nhằm tạo động lực làm việc và sự sáng tạo của đội ngũ cán bộ, viên chức.

III. Nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho các tổ chức đảng, đơn vị, đoàn thể và mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò, ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp tiến hành và các giải pháp chủ yếu trong các nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng, Nhà nước, Ngành Giáo dục về công tác cán bộ. Trên cơ sở đó xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Đây là giải pháp vừa có tính cấp bách trước mắt, nhưng cũng là nhiệm vụ lâu dài.

- Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, bảo đảm sự chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Coi trọng và phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, người trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ. Thực hiện tốt công tác luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện, công tâm, dựa trên thực tế hiệu quả công việc, cống hiến và năng lực của cán bộ, nhất là cán bộ nữ, cán bộ trẻ.

- Duy trì tổ chức hội nghị trưởng bộ môn, trợ lý đào tạo, cố vấn học tập; hội nghị cán bộ trẻ... để nâng cao nhận thức, quán triệt tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, viên chức trong giai đoạn mới. Làm cho mỗi cán bộ thấy được những khó khăn, thách thức của Nhà trường trong xu thế cạnh tranh và hội nhập. Để từ đó mỗi một cán bộ, viên chức phải trăn trở với sự nghiệp xây dựng và phát triển Nhà trường. Khắc phục tư tưởng bảo thủ, trông chờ, trì trệ, đồng thời cổ vũ tư tưởng đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để tạo nên động lực mới cho quá trình phát triển.

- Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức theo yêu cầu tăng cường chất lượng, tinh giản biên chế, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa các chức danh lãnh đạo, quản lý, các ngạch, bậc viên chức; giữa các độ tuổi, đơn vị, lĩnh vực công tác; khắc phục tình trạng vừa thừa vừa thiếu cán bộ. Tăng cường phát triển đội ngũ cán bộ, nhất là giảng viên, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về chất lượng, chuyên nghiệp trong công việc.

- Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ. Thực hiện tốt chế độ, chính sách cho cán bộ, nhất là về tiền lương, bảo hiểm. Có các giải pháp, chính sách thu hút cán bộ giỏi, có trình độ cao về Trường công tác. Tạo môi trường phát triển cho cán bộ theo phương châm: "Nuôi dưỡng say mê - Khuyến khích sáng tạo - Tôn trọng khác biệt - Thúc đẩy hợp tác".

- Thực hiện nghiêm túc quy định về tiêu chí đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên hng năm, đặc biệt là đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó lấy hiệu quả công việc làm thước đo chính và khuyến khích sự sáng tạo; đồng thời làm cơ sở cho việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ. Khuyến khích cán bộ có đủ tiêu chuẩn làm hồ sơ đăng ký phong tặng chức danh giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú.

- Cụ thể hóa và tổ chức thực hiện quy chế miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức những cán bộ, viên chức: suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; những cán bộ, viên chức được tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động không bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc, quy trình; kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp; thờ ơ với công việc, với những khó khăn, thách thức của Nhà trường và đơn vị, để phương châm "có lên, có xuống, có vào, có ra" được thực hiện bình thường trong bố trí, sử dụng cán bộ.

- Sửa đổi, bổ sung quy chế về công tác cán bộ của Nhà trường. Sắp xếp, bố trí cán bộ, viên chức phù hợp giữa khung năng lực cho từng vị trí việc làm theo đề án vị trí việc làm với trình độ chuyên môn được đào tạo. Sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ, quy định về đánh giá, xếp loại cán bộ, viên chức để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, công bằng trong thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ; gắn trách nhiệm, nghĩa vụ với quyền lợi, người nào có hiệu suất công tác cao, đóng góp nhiều cho việc tăng thu, tiết kiệm chi được chi phúc lợi cao hơn.

- Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng để tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua, xây dựng môi trường làm việc tốt để phát huy tốt nhất khả năng cống hiến và phát triển của cán bộ, viên chức. Thực hiện việc nêu gương những người tốt, việc tốt; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực; đồng thời phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sa sút, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vụ lợi, cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ, vi phạm những chuẩn mực đạo đức xã hội. Xây dựng cơ chế đảng viên và quần chúng tham gia giám sát cán bộ và công tác cán bộ.

- Tham gia đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nói chung và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên nói riêng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

- Đưa nội dung kiểm tra, giám sát công tác cán bộ tại các đảng bộ bộ phận, chi bộ vào Chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của Ban Thường vụ Đảng ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy.

IV. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT VỚI CẤP TRÊN

1. Đảng, Nhà nước cần rà soát các chính sách hiện có và ban hành các cơ chế, chính sách mới bảo đảm để đội ngũ nhà giáo được hưởng đầy đủ lợi ích vật chất, tinh thần tương xứng với giá trị từ kết quả lao động sáng tạo của mình. Đẩy mạnh cải cách hành chính, khắc phục tình trạng rườm rà, bất hợp lý về thủ tục, giảm bớt giấy tờ, hội họp; sâu sát thực tế cơ sở, nói đi đôi với làm.

2. Tiếp tục cụ thể hóa các tiêu chuẩn về phẩm chất, khung năng lực cho đội ngũ cán bộ, viên chức, làm căn cứ để xem xét đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, sử dụng, bố trí cán bộ. Cụ thể hóa tiêu chuẩn cán bộ là cơ sở để thực hiện tốt các khâu của công tác cán bộ.

3. Hằng năm, Trường Đại học Vinh cần tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ, hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để các trường tự tổ chức mở các lớp tập huấn để bổ sung thêm kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý của đơn vị mình, đồng thời cần có kế hoạch trung hạn, dài hạn trong việc nâng cao trình độ cho đội ngũ này.

         

 

 

T/M BCH ĐẢNG ỦY            BÍ THƯ

 

 

Nguyễn Thị Thu Cúc