Mở đầu

            Việt Nam đang bước vào một giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng với 11 FTA đã được ký kết và chờ đợi phê chuẩn hai FTA thế hệ mới là TPP và FTA Việt Nam – EU. Quá trình hội nhập của Việt Nam có ảnh hưởng nhất định đến an ninh kinh tế và tăng trưởng kinh tế. Hội nhập có tác động tích cực đến nền kinh tế như mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo sức ép cạnh tranh để nguồn lực phân bổ hiệu quả hơn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những tác động tiêu cực lên nền kinh tế và làm cho công tác đảm bảo an ninh kinh tế trở nên khó khăn hơn.

            An ninh kinh tế có thể được hiểu trên hai cấp độ: cấp độ vĩ mô là các hoạt động có thể ảnh hưởng đến tổng thể nền kinh tế, ví dụ các bất ổn vĩ mô như lạm phát, mất giá nội tệ, bội chi ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, nhập siêu, v.v.;  và cấp độ vi mô như các vấn đề ô nhiễm môi trường (có thể tác động ở phạm vi địa phương, khu vực), an ninh mạng (tác động đến doanh nghiệp), hoặc các hình thức kinh doanh đa cấp, đánh bạc online (tác động đến người dân).

1. Bất ổn vĩ mô dưới tác động của dòng vốn nước ngoài

            Hội nhập mang lại cơ hội cho các nước đang phát triển được tiếp nhận luồng vốn từ bên ngoài dưới nhiều hình thức như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), các khoản vay thương mại, các dòng vốn ODA. Tuy nhiên các cuộc khủng hoảng tài chính đã xảy ra trên thế giới (khủng hoảng nợ Châu Mỹ La Tinh những năm 1980, khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, v.v) cho thấy các dòng vốn nước ngoài cũng có thể đi kèm với các cuộc khủng hoảng nếu nước tiếp nhận dòng vốn không đủ năng lực hấp thụ dòng vốn đó, hoặc không có chiến lược thích ứng tốt tận dụng được dòng vốn nước ngoài, bên cạnh đó kiểm soát tốt các tác động tiêu cực từ dòng vốn này.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Việt Nam giai đoạn gia nhập WTO cũng đã trải qua những kinh nghiệm “đau đớn” khi lượng vốn vào tăng mạnh từ 3,1 tỷ USD năm 2006 lên 17,7 tỷ USD năm 2007, trong đó chủ yếu là vốn FDI tăng 2,5 lần từ 2,5 tỷ USD năm 2006 lên 6,5 tỷ USD năm 2007 và dòng vốn FII tăng gần 6 lần từ 1,1 tỷ USD năm 2006 lên 6,2 tỷ USD năm 2007 (Nguyễn Trọng Hoài và Nguyễn Xuân Lâm, 2012). Nguồn vốn tăng đột ngột đẩy đồng nội tệ (VND) tăng giá và Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã phải can thiệp ổn định tỷ giá VND/USD bằng cách tung một lượng tiền lớn để mua vào đồng USD. Tuy nhiên, NHNN đã lúng túng trong việc sử dụng công cụ thị trường mở để trung hòa lượng VND tung ra thị trường để ổn định tỷ giá VND và kết quả là góp phần gia tăng lạm phát lên tới 23% năm 2008, đứng thứ hai thế giới sau Venezuela (40%). Sau năm 2008, Việt Nam bước vào thời kỳ bất ổn với sự thay đổi liên tục của chính sách tiền tệ từ mở rộng sang thắt chặt và từ thắt chặt sang mở rộng, tạo nên sự bất ổn vĩ mô và suy giảm tăng trưởng kinh tế đến tận những năm gần đây. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn lúng túng trước cơ hội mà hội nhập mang lại và chưa thực sự thấm đẫm các bài học kinh nghiệm từ các khủng hoảng trước đây. Giai đoạn hội nhập sắp tới với việc thực hiện các FTAs thế hệ mới với sự tự do hóa ngày càng cao đòi hỏi Việt Nam phải rút kinh nghiệm một cách sâu sắc từ sự “tập dượt” ban đầu ngay sau khi gia nhập WTO.

2. Thâm hụt cán cân thương mại

            Trong giai đocạn 2001-2015, cán cân thương mại chủ yếu thâm hụt. Cán cân thương mại thâm hụt lớn nhất trong giai đoạn từ 2007-2011, giai đoạn này tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao và cũng là giai đoạn Việt Nam mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

            Với cấu trúc sản xuất và cấu trúc thương mại của nước ta như hiện nay, càng đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng thì nhập siêu càng lớn vì ngành công nghiệp hỗ trợ của nền kinh tế vừa thiếu lại vừa yếu nên khi nền kinh tế mở rộng sản xuất thì đồng thời cũng kéo theo nhập khẩu đầu vào từ bên ngoài mà chủ yếu từ Trung Quốc, sau đó đến Hàn Quốc.


Nguồn: Tổng cục Thống kê

Cán cân thương mại thâm hụt kéo dài và chỉ trở nên thặng dư khi tăng trưởng của nền kinh tế suy giảm cho thấy nhiều vấn đề trong nền kinh tế. Đồ thị dưới đây phần nào cho thấy vấn đề lớn nhất của nền kinh tế.

3. Cân đối thu – chi ngân sách

            Thu ngân sách chỉ đủ dành cho chi thường xuyên, vì vậy chi cho đầu tư phát triển dựa hoàn toàn vào vay nợ. Như vậy, bội chi ngân sách kéo dài và ngày một nghiêm trọng đã làm gia tăng nợ công và vì thế làm ảnh hưởng đến tính bền vững của nợ công, nhất là nợ nước ngoài.

            Về cơ cấu thu ngân sách Nhà nước, năm 2015 (các năm trước đấy không có thay đổi lớn có thể làm thay đổi nhận định chính), thu từ nội địa chiếm tỷ trọng lớn nhất (70%) trong tổng thu ngân sách. Tiếp đến là thu từ xuất nhập khẩu chiếm 19%, thu từ dầu thô chiếm 10,2%. Một điểm đáng lưu ý, thu từ dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu đang có xu hướng giảm dưới tác động của các hiệp định tự do thương mại.

            Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu và từ dầu thô giảm đặt ra thách thức gia tăng thu ngân sách từ các nguồn khác. Trong thu ngân sách nhà nước theo sắc thuế, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đem lại phần đóng góp lớn nhất, trong khi đó đây là 2 loại sắc thuế đánh vào người tiêu dùng và vào thu nhập doanh nghiệp thì với việc tăng thuế giá trị gia tăng hay thuế thu nhập doanh nghiệp để bù đắp cho phần thu giảm từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu, nền kinh tế sẽ chịu tác động nặng nề.

            Hai loại sắc thuế là thuế thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên đem lại thu thấp nhất cho ngân sách nhà nước. Hai loại thuế này là nguồn thu tiềm năng cho ngân sách vì việc thu thuế thu nhập cá nhân hiện ở dưới mức tiềm năng (số người có thu nhập cao nhưng nằm ngoài diện nộp thuế còn lớn) và thuế tài nguyên có thể tăng để vừa tăng thu ngân sách, vừa góp phần bảo vệ tài nguyên. (Thất thoát từ thuế tài nguyên có thể sẽ rất lớn khi khai thác tài nguyên trái phép và buôn lậu diễn ra quy mô tương đối lớn.)

4. Lựa chọn chính sách của Việt Nam

            Thứ nhất, kiểm soát hiệu quả dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam

            Bài học “đắt giá” từ kinh nghiệm của khủng hoảng nợ Châu Mỹ La tinh và khủng hoảng tài chính Châu Á gợi ý rằng Việt Nam cần cân nhắc thận trọng lộ trình tự do hóa tài khoản vốn phù hợp với năng lực của mình. Cách tiếp cận mở cửa dần từng bước có lẽ là lựa chọn thích hợp cho Việt Nam, cụ thể là tự do hóa bắt đầu từ dòng vốn FDI vào Việt Nam, đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài, dòng vốn đầu tư gián tiếp là những lĩnh vực hiện nay Việt Nam đã tự do hóa ở mức độ nhất định. Sau đó, khi hệ thống tài chính trong nước đủ mạnh và được quản trị một cách hiệu quả nhờ bộ máy giám sát tài chính đủ năng lực thì mới tính đến việc tự do hóa dòng vốn vay ngắn hạn và cơ chế chuyển đổi tự do đồng tiền nội tệ và ngoại tệ.

            Thứ hai, giảm bội chi ngân sách, kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài

            Hiện nay tình hình bội chi đã đến mức báo động, dẫn đến tích tụ nợ công và nợ nước ngoài ở mức cao. Việt Nam cần phải có những biện pháp quyết liệt nhằm siết chặt quản lý đầu tư công, chi tiêu công hướng tới các mục tiêu sau: (i) nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư phát triển; (ii) kiểm soát mua sắm công; (iii) tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và Chính phủ không bảo lãnh vốn vay cho các dự án thương mại của Doanh nghiệp nhà nước; (iv) tinh giản bộ máy nhà nước nhằm tiết kiệm ngân sách.

 

            Thứ ba, giảm nhập siêu và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc

            Thiếu công nghiệp hỗ trợ là nguyên nhân cốt lõi của thực trạng nhập siêu và sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc nhiều năm qua của Việt Nam, vì vậy phát triển công nghiệp hỗ trợ là một ưu tiên chính sách trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một thực tế rằng doanh nghiệp trong nước với năng lực tài chính và khoa học công nghệ hiện nay khó có thể đảm nhiệm vai trò dẫn dắt sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp này vì đây là một lĩnh vực đòi hỏi trình độ công nghệ cao và nguồn lao động có kỹ năng. Vì thế, Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới để thu hút các nhà đầu tư FDI vào phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam thông qua Quy tắc xuất xứ.

5. Kết luận

       Đánh giá những vấn đề an ninh kinh tế trên cấp độ vĩ mô trong giai đoạn hội nhập vừa qua, nghiên cứu này đã chỉ ra những thách thức về kinh tế vĩ mô quan trọng nhất bao gồm bất ổn vĩ mô dưới tác động dòng vốn nước ngoài, các mất cân đối vĩ mô về thương mại và thu chi ngân sách. Những lựa chọn chính sách cho giai đoạn hội nhập tới được đề xuất dựa trên việc luận giải các nguyên nhân căn bản nhất của những thách thức vĩ mô trên liên quan đến năng lực quản trị dòng vốn nước ngoài, hiệu quả đầu tư công, chi tiêu công, năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ và năng lực của khu vực xuất khẩu.

 

BM Quản trị kinh doanh