1.             Chính sách việc làm cấp địa phương

Theo ILO (2015), một chính sách việc làm là một tầm nhìn thống nhất với các mục tiêu việc làm và cách để đạt được mục tiêu của một quốc gia. ILO (2015) cũng khẳng định chính sách việc làm bao gồm một kế hoạch về những việc cần làm, các lựa chn cần thực hiện theo định hướng nhất định, được thông qua trên cơ sở thỏa thuận chung của tất cả các bên liên quan. Quan điểm trên về chính sách việc làm của ILO không chỉ đề cập tới các mục tiêu về mặt số lượng việc làm mà còn đề cập đến chất lượng việc làm. Khía cạnh chất lượng việc làm là xu hướng quan tâm trong chính sách việc làm của nhiều quốc gia hiện nay. 

Chính sách việc làm không chỉ xem xét các giải pháp liên quan để tạo việc làm, hỗ trợ tìm việc làm mà còn xem xét cả các chính sách khuyến khích người lao động tự tạo việc làm. Chính sách việc làm không chỉ hướng tới đạt được các mục tiêu về số lượng việc làm mà liên quan đến cả chất lượng việc làm. Vì vậy, “Chính sách việc làm của địa phương là một hệ thống các quan điểm, các mục tiêu, các giải pháp và công cụ để chính quyền địa phương giải quyết việc làm (tạo việc làm, hỗ trợ tìm việc làm và khuyến khích tự tạo việc làm) cả về khía cạnh số lượng và chất lượng việc làm cho lực lượng lao động địa phương”. Từ đây cho thấy chính sách việc làm ở cấp địa phương là một chính sách có tính liên ngành, đa lĩnh vực, liên quan đến nhiều đơn vị, tổ chức. Chủ thể ban hành chính sách việc làm là chính quyền địa phương. Việc tổ chức thực thi chính sách việc làm được thực hiện thông qua bộ máy hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã phường. Việc ban hành và tổ chức thực thi chính sách việc làm của địa phương không phải là các hoạt động do một cơ quan chuyên môn của chính quyền địa phương phụ trách mà là một chính sách liên ngành có liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau. Đối tượng của chính sách việc làm là lực lượng lao động ở địa phương, những người đang có việc làm hoặc những người thất nghiệp. Đây là những người hưởng lợi từ chính sách việc làm của địa phương.  Chính sách việc làm của địa phương là một hệ thống các mục tiêu, giải pháp được thực hiện ít nhất 3 hoặc 4 năm, được xây dựng trên cơ sở phân tích toàn diện về tình hình việc làm của địa phương, bối cảnh kinh tế xã hội, dựa trên cơ sở thảo luận về các lựa chọn tốt nhất để giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Chính sách việc làm ở địa phương góp phần thực hiện các mục tiêu của hệ thống chính sách kinh tế, chính sách xã hội ở địa phương và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở cấp quốc gia, nâng cao phúc lợi, bình đẳng xã hội và hòa nhập xã hội của người lao động. Là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính sách kinh tế xã hội quốc gia, vì vậy chính sách việc làm địa phương cần thống nhất với chính sách việc làm của quốc gia và thống nhất với các chính sách kinh tế xã hội khác. Chính sách việc làm của địa phương được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như là một tuyên bố trong các nghị quyết của hội đồng nhân dân về phát triển kinh tế xã hội địa phương, trong một quyết sách của địa phương về xóa đói giảm nghèo, hay trong quyết định riêng về chính sách việc làm của địa phương. Những địa phương có tham vọng cao trong giải quyết việc làm cho lao động địa phương thường ban hành chính sách việc làm riêng trong một văn bản cụ thể của chính quyền địa phương.

2. Các nhân tố ảnh hưởng đến chính sách việc làm ở cấp địa phương

                   Từ việc phân tích bản chất và nội dung của chính sách việc làm ở cấp địa phương như trên có thể thấy rằng việc hoạch định và tổ chức thực thi chính sách của địa phương sẽ chịu tác động của nhiều nhân tố cả bên trong lẫn bên ngoài, bao gồm:

2.1. Các yếu tố thuộc chính quyền địa phương

a)            Sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh về giải quyết việc làm

                   Giải quyết việc làm luôn là vấn đề cấp bách của bất kỳ một quốc gia hay địa phương nào. Việc có được một hệ thống chính sách việc làm tối ưu để giúp lao động địa phương có được việc làm bền vững luôn cần có sự quyết tâm và đi tiên phong của các nhà lãnh đạo. Những địa phương có sự quyết tâm cao của lãnh đạo và từ đó có những chiến lược tốt về vấn đề việc làm sẽ là những điều kiện tiên quyết cho chính sách việc làm trong từng thời kỳ phát triển của địa phương. Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia cho thấy, những địa phương không có sự chủ động, tiên phong của lãnh đạo trong giải quyết việc làm thường dẫn đến tình trạng thất nghiệp dai dẳng (OECD, 2008).

b)           Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương

                   Quy hoạch phát triển KT-XH là sản phẩm của chính quyền địa phương và yếu tố ảnh hưởng căn bản lên chính sách việc làm. Là một kế hoạch mang tính chất định hướng cho chính sách việc làm, quy hoạch phát triển KT-XH có vai trò phác thảo nên những đường nét phát triển KT-XH về mặt không gian, là cơ sở cho xây dựng các nội dung chính sách phát triển kinh tế tạo việc làm ở địa phương. Vì vậy, chất lượng của quy hoạch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nội dung của chính sách việc làm. 

c)            Hoạch định và tổ chức thực thi chính sách việc làm của chính quyền địa phương

Quá trình chính sách việc làm bắt đầu từ giai đoạn hoạch định cho đến giai đoạn tổ chức thực thi chính sách của chính quyền cấp tỉnh. Quá trình chính sách này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung chính sách việc làm được ban hành.

Hoạch định chính sách quyết định tiên quyết đến nội dung chính sách. Trong quá trình hoạch định, nếu các cơ quan hoạch định có những điều kiện sau thì sẽ có được nội dung chính sách việc làm tối ưu: (1) năng lực hoạch định chính sách tốt; (2) thực hiện một cách khoa học quá trình hoạch định chính sách: căn cứ sát thực vào tình hình địa phương, tính tới sự khác biệt của lao động ở các khu vực địa lý khác nhau, căn cứ vào sự phát triển kinh tế xã hội, những tiềm năng và những có hội có thể huy động của địa phương; (3) thu hút sự tham gia của người dân và các tổ chức tại địa phương trong đề xuất các sáng kiến về chính sách và sáng kiến tổ chức thực thi chính sách  (OECD, 2008).

Tuy vậy, hoạch định chính sách mới chỉ là điều kiện cần, tổ chức thực thi chính sách tốt là điều kiện đủ để chính sách đó có thể đi vào cuộc sống và được người dân đánh giá phù hợp với nhu cầu của họ. Mặt khác, những bài học rút ra từ tổ chức thực thi chính sách giúp các nhà hoạch định có được thông tin phản hồi để hoàn thiện các nội dung chính sách, đặc biệt là thông tin phản hồi từ khâu giám sát và đánh giá chính sách.

d)           Năng lực tài chính của địa phương

                   Những nội dung được ban hành trong hệ thống chính sách việc làm luôn thể hiện những tham vọng của chính quyền địa phương, thể hiện rõ ràng nhất ở phần mục tiêu chính sách việc làm. Tuy nhiên, năng lực tài chính của địa phương nhiều khi không cho phép chính quyền địa phương thực hiện các chính sách tham vọng, dù biết rằng chính sách đó phù hợp với nhu cầu của các bên liên quan, đặc biệt là người lao động. Một địa phương có sự phát triển kinh tế mạnh, nguồn thu ngân sách sáng sủa là yếu tố quyết định đến một chính sách việc làm có tính bao phủ rộng hơn là chính sách chỉ có tính chất ưu tiên (OECD, 2010). 

2.2.                          Yếu tố thuộc môi trường của chính quyền địa phương

a)            Đặc điểm của lao động địa phương

                   Đặc thù của lao động địa phương là cơ sở cho hoạch định chính sách việc làm và gián tiếp ảnh hưởng đến nội dung của chính sách việc làm. Sự tăng trưởng mạnh về quy mô của lực lượng lao động địa phương tạo sức ép lớn cho chính sách việc làm. Yếu tố nhân khẩu học như cơ cấu giới tính, cơ cấu tuổi của lực lượng lao động, cơ cấu dân tộc, tôn giáo là những căn cứ cơ bản ảnh hưởng đến chính sách việc làm. Trình độ dân trí, hồ sơ giáo dục, trình trạng thu nhập, xuất thân của người lao động chủ yếu là từ thuần nông hay không, thói quen và truyền thống văn hóa của người dân địa phương… đều là những yếu tố cần quan tâm khi hoạch định chính sách việc làm. Chính sách việc làm không tính tới các yếu tố kiểm soát này có thể dẫn đến chính sách sai, không phù hợp với đặc điểm lao động địa phương.

b)           Sự phát triển kinh tế của các địa phương lân cận

                   Sự phát triển kinh tế ở các địa phương lân cận ảnh hưởng lên chính sách việc làm của địa phương trên hai khía cạnh. Kinh tế địa phương lân cận phát triển hay không sẽ thu hút việc di cư lao động đi và di cư lao động đến, vì vậy chính sách việc làm của địa phương phải tính tới đặc điểm của lao động di cư đi, lao động ở lại địa phương và lao động di cư đến. Mặt khác, phát triển kinh tế địa phương lân cận sẽ ảnh hưởng đến các chính sách kinh tế tạo việc làm ở địa phương xét trên khía cạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương để tạo việc làm, cũng như hợp tác kinh tế với các địa phương lân cận để tạo việc làm cho người lao động.

c)            Chiến lược và chính sách việc làm quốc gia

                   Những định hướng từ chiến lược và chính sách việc làm quốc gia là cơ sở cho những mục tiêu và các giải pháp chính sách việc làm ở địa phương. Chính sách việc làm quốc gia có thể tạo ra những cơ hội và những thách thức cho chính sách việc làm ở địa phương. Những vấn đề về việc làm mà chính sách việc làm quốc gia đã giải quyết có thể giảm nhẹ gánh nặng cho chính sách việc làm địa phương. Vấn đề ngân sách hạn hẹp  khó khả thi tài chính cho một chính sách việc làm quốc gia có tính bao phủ rộng có thể dẫn đến cắt giảm phạm vi chính sách cũng như đối tượng thụ hưởng, sẽ gây sức ép cho chính sách việc làm địa phương. Tuy nhiên có những vấn đề việc làm đặc thù địa phương mà chính sách việc làm quốc gia không thể phù hợp, vì vậy cần có những nội dung giải quyết các vấn đề đặc thù này trong phạm vi chính sách địa phương.

d)           Sự phi tập trung hóa trong ban hành chính sách việc làm

Sự phi tập trung hóa trong ban hành chính sách cho chính quyền địa phương là điều kiện thúc đẩy sự linh hoạt chính sách địa phương để giải quyết các vấn đề việc làm có tính chất địa phương (OECD, 2000). Tuy nhiên phạm vi phi tập trung hóa phù hợp sẽ ảnh hưởng đến với mối quan tâm của địa phương cũng như năng lực của chính quyền địa phương trong giải quyết việc làm. Một thể chế tập trung hóa sẽ dẫn đến sự không linh hoạt, bị động và “chờ đợi” của địa phương trong các vấn đề về việc làm. Sự phi tập trung rộng mở tạo thuận lợi cho chính sách việc làm linh hoạt ở địa phương như chủ động hợp tác với các đối tác trong đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chủ động trong xác định đối tượng và mức hỗ trợ giải quyết việc làm, chủ động trong lựa chọn các giải pháp phát triển kinh tế địa phương, huy động các nguồn lực cho thực thi chính sách việc làm…

e)            Sự hỗ trợ và phối hợp của các tổ chức có liên quan

                   Ngoài bộ máy ban hành và tổ chức thực hiện chính sách của địa phương thì các tổ chức có liên quan khác đóng vai trò không thể thiếu trong đề xuất cũng như trong triển khai chính sách việc làm. Một số các tổ chức chính trị xã hội liên quan như mặt trận tổ quốc, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, hội nông dân. Bên cạnh đó các tổ chức cung cấp dịch vụ việc làm, các trường cao đẳng đại học, các trung tâm dạy nghề, các tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là những tổ chức ảnh hưởng trực tiếp tới việc hoàn thiện và triển khai chính sách. Một số các tổ chức cộng đồng, các tổ chức đoàn thể xã hội, các cơ quan phát thanh truyền hình, báo chí cũng là những lực lượng không thể thiếu trong quá trình chính sách việc làm.

f)              Các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội địa phương

                   Điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội địa phương là những thông tin quan trọng cho  việc xác định những nội dung chính sách việc làm. Điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến đặc điểm dân cư, đặc điểm lao động cũng như những lợi thế, bất lợi đối với phát triển kinh tế - đó là những thông tin ảnh hưởng đến mục tiêu và giải pháp chính sách. Địa phương có xuất phát điểm kinh tế cao, điều kiện kinh tế thuận lợi, ổn định sẽ là cơ hội cho chính sách việc làm và ngược lại. Môi trường xã hội cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chính sách việc làm qua yếu tố trình độ dân trí, gia tăng dân số tự nhiên, gia tăng dân số cơ học, phong tục tập quán vùng miền…

3.                   Kết luận

Chính sách việc làm của địa phương sẽ phải chịu sự tác động của rất nhiều nhân tố theo hướng tích cực hay tiêu cực, trực tiếp hay gián tiếp, ở phạm vi rộng hay hẹp. Do đó, các chủ thể chính sách của chính quyền địa phương đòi hỏi phải có khả năng trực quan tốt, có đầu óc phán  đoán, nhạy bén linh hoạt, có khả năng phân tích, đánh giá một cách logic, khoa học. Điều này giúp cho việc hoạch định và tổ chức thực thi chính sách việc làm đạt các mục tiêu đặt ra.

Tài liệu tham khảo

1.             ILO (2012), Sáng kiến quản lý về giới và chính sách kinh tế Ở châu Á – Thái Bình Dương: việc làm và thị trường lao động, Trung tâm Vùng Châu Á – Thái Bình Dương, Thái Lan.

2.             John Maynard Keynes (1994), “ Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất, tiền tệ”, Nhà xuất bản giáo dục, sách dịch

3.             Khoa Khoa học quản lý (2012), Giáo trình Chính sách kinh tế - xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

4.             Lê Xuân Bá và các tác giả (2006), Báo cáo nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chuyển dịch cơ cấu của lao động nông thôn việt nam, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

5.             Peter Aucoin (1971), Lý thuyết và nghiên cứu về hoạch định chính sách, NXB Macmillan,Toronto, Canada

6.             Roger Blanpain,Juan Pablo Landa Zapirain,Brian Langille (2009), Employment Policies and Multilevel Governance, Buttellin of Comparative Labour Relation.

7.             Thomas Bredgaard, Flemming Larsen (2005), Employment Policy from Different Angles, DJØF Publishing

8.             Thomas R Dye (2012), Understanding Public Policy, Pearson.

 ThS. NCS Đào Quang Thắng, TS. Thái Thị Kim Oanh Khoa Kinh tế - Đại học Vinh