Khủng hoảng truyền thông thương hiệu được xác định khi một/chuỗi tiêu cực tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên các doanh nghiệp (Financial Times, 2015). Những tác động này sẽ ảnh hưởng rất xấu tới uy tín và gây thiệt hại nặng nề đến chiến lược phát triển hình ảnh thương hiệu trong tương lai của các doanh nghiệp (Aaker, 2010). Khủng hoảng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng đa số những khủng hoảng thương hiệu trên diện rộng đến từ lỗi sản phẩm - Product failure, cộng với các tác động từ những kênh chính thống và phi chính thống, như: báo chí, mạng xã hội, chính là những yếu tố khiến cho khủng hoảng bùng nổ và lan rộng trong thời gian ngắn (Peter and Olson, 2010). Thêm vào đó, đại đa số người tiêu dùng chỉ tiếp nhận thông tin “những câu chuyện khủng hoảng” như bề mặt của tảng băng, mà không thấu hiểu ngọn nguồn của vấn đề, khiến câu chuyện khủng hoảng trở thành một câu chuyện không có hồi kết với những biến số phức tạp... nằm ở phần chìm của tảng băng.

Cách tiếp cận và xử lý khủng hoảng thương hiệu của các doanh nghiệp

Cách xử lý khủng hoảng thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam

Trong năm 2015 và năm 2016, tần suất xuất hiện khủng hoảng thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam xuất hiện khá nhiều (được thống kê trong biểu đồ sau).

 

Năm 2015, Tập đoàn Tân Hiệp Phát vướng phải vụ bê bối “Con ruồi giá 500 triệu” gây chấn động nhất ngành hàng Nước giải khát, đồng thời gặp phản ứng tiêu cực của người tiêu dùng về thái độ ứng xử đối với khách hàng. Tân Hiệp Phát đã sử dụng cách xử lý trong trường hợp này đó là chối bỏ trách nhiệm, thông cáo báo chí, thách thức người dân và cộng đồng mạng tìm ra lỗi sản phẩm và dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó còn yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp và dội bom quảng cáo để lấy lại hình ảnh.

Năm 2016, Vietcombank gặp phải khủng hoảng thương hiệu khi dồn dập xảy ra nhiều vụ thất thoát tiền gửi của khách hàng. Đối phó với vấn đề này, thời gian đầu VCB giữ im lặng sau đó đổ lỗi cho khách hàng truy cập vào trang web bị hacker tấn công, đồng thời không đưa ra thông cáo báo chí và hướng giải quyết trên mạng xã hội.

Tương tự Tân Hiệp Phát, Công ty URC VietNam cũng gặp phải vấn đề sản phẩm trà xanh C2 và Rồng đỏ nhiễm chì gây hại cho người tiêu dùng và bị nghi ngờ mua chuộc truyền thông để dập tắt thông tin tiêu cực. URC cũng xử lý vẫn đề này bằng cách giữ im lặng, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc và chấp nhận mức phạt 6 tỷ đồng.

Cách xử lý khủng hoảng của doanh nghiệp nước ngoài

Trong khi đó, khi nhắc đến một ví dụ xử lý khủng hoảng một cách khôn ngoan từ doanh nghiệp quốc tế, Hãng hàng không Germanwings (Đức) là một điển hình tiêu biểu trong việc ứng phó mang tính chiến lược. Trong năm 2015, Germanwings đã đương đầu với một trong những cuộc đại khủng hoảng khi phi công hãng này lái máy bay đâm thẳng vào dãy Alps khiến 150 hành khách cùng phi hành đoàn tử vong. Sự việc diễn ra khi các vụ tai nạn máy bay liên tiếp xảy ra từ Malaysian Airline khiến niềm tin khách hàng tụt giảm một cách nghiêm trọng. Có tới 18.600 chuyến bay của hãng bị huỷ, ước tính thiệt hại lên đến 222 triệu Euro chỉ sau 15 ngày. Germanwings đã có một chiến lược truyền thông và xử lý khủng hoảng được cho là “xử lý bi kịch một cách rất nhân văn”.

Doanh nghiệp đã đưa ra 04 hành động ngay sau cuộc khủng hoảng xảy ra chỉ 60 phút, đó là: Tập trung liên tục thông báo tình hình tai nạn trên mạng xã hội Facebook và Twitter, họp báo nhận trách nhiệm xin lỗi thân nhân và đền bù ngay lập tức 50.000 Euro cho mỗi nạn nhân; Thể hiện sự tôn trọng các nạn nhân bằng cách thay đổi màu logo và website sang trắng đen từ công ty mẹ đến các công ty thành viên; Tận dụng nguồn lực - phi công và tiếp viên trong việc truyền tải thông điệp của hãng hàng không; Có chiến lược phục hồi hình ảnh và tái cơ cấu doanh nghiệp ngay sau khủng hoảng. Sau một năm, doanh nghiệp này đã và đang có sự phục hồi đáng kể khi hãng đã và đang tái cơ cấu, mở rộng thị trường và có những con số khả quan từ hoạt động kinh doanh.

Một ví dụ khác, năm 2011, chuỗi nhượng quyền thức ăn nhanh KFC của Mỹ tại Malaysia phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng truyền thông nghiêm trọng. 2 đoạn phim ghi lại hình ảnh nhân viên của họ làm bẩn thực phẩm trước khi bán cho khách hàng đã lan truyền trên internet. Tuy nhiên, cách xử lý bài bản của KFC Malaysia đã không để ảnh hưởng nhiều đến uy tín của mình.Đầu tiên, họ tạo ra một khu vực riêng trên Facebook chính thức của KFC Malaysia mang tên KFC Responds (KFC trả lời). Ở đây, khách hàng của KFC Malaysia được tiếp cận với một danh sách những câu hỏi và trả lời thường gặp liên quan đến vụ việc trên. Thêm vào đó là một đoạn phim xin lỗi khách hàng của ông Mohammed Alwi, Giám đốc điều hành chuỗi nhà hàng KFC Malaysia. Đoạn phim này cũng được đưa lên YouTube, nơi bắt nguồn của 2 đoạn phim gây khủng khoảng.KFC đã chọn mạng xã hội làm phương tiện truyền thông. Chính vì 2 đoạn phim gây tranh cãi xuất phát từ YouTube nên việc KFC trả lời bằng đoạn phim xin lỗi là hợp lý. Ngoài ra, việc thực hiện đoạn phim xin lỗi bằng 2 ngôn ngữ cũng cho thấy KFC đã lường trước được khả năng gây thêm căng thẳng trong trường hợp có những khách hàng người nước ngoài liên quan.

Những vấn đề rút ra

Như vậy, từ một số giải pháp đã được doanh nghiệp Việt Nam áp dụng và so sánh với cách xử lý của doanh nghiệp nước ngoài, có thể nói rằng, việc xử lý khủng hoảng của doanh nghiệp Việt Nam kém hiệu quả, thụ động trong chiến lược ứng phó khủng hoảng. Dựa vào những kinh nghiệm xử lý khủng hoảng thương hiệu thành công của các doanh nghiệp nước ngoài, có thể rút ra một số bài học để ứng phó với khủng hoảng thương hiệu như sau:

- Việc xử lý khủng hoảng thương hiệu cần được chuẩn bị và lập chiến lược như chiến lược kinh doanh.Thành lập ban xử lý khủng hoảng gồm ban giám đốc, người phụ trách pháp lý của doanh nghiệp, trưởng phòng nhân sự, cán bộ an toàn và trưởng phòng PR, trưởng bộ phận nơi xảy ra khủng hoảng. Giám đốc trực tiếp là trưởng ban xử lý. Chọn người phát ngôn cho khủng hoảng.

- Khi có khủng hoảng thương hiệu xảy ra, cần ngay lập tức nhận trách nhiệm, xin lỗi và tiến hành bồi thường thỏa đáng, đồng thời, đảm bảo rằng, những vụ việc tương tự sẽ không lặp lại trong tương lai.

- Chọn mạng xã hội làm phương tiện truyền thông xử lý khủng hoảng.Sẵn sàng hợp tác và chia sẻ thông tin với báo chí và cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông theo kịch bản đã được thống nhất trước. Thể hiện tinh thần sẵn sàng lắng nghe, hợp tác và đối thoại.

- Lắng nghe và liên tục rà soát đánh giá tình hình để chuẩn bị tốt nhất cho việc xử lý khủng hoảng. Trong khủng hoảng, nếu doanh nghiệp xử lý tốt tình huống thì không những không mất uy tín mà ngược lại còn được đối tác cũng như người tiêu dùng ủng hộ tích cực hơn bởi cách ứng xử chuyên nghiệp và đầy trách nhiệm.

Kết luận

Kinh doanh luôn tồn tại những rủi ro khó lường, doanh nghiệp càng lớn thì rủi ro càng cao, nhất là trong “thời đại thông tin” - thông tin lan truyền nhanh như tia chớp. Nhiều doanh nghiệp không ý thức hết được rủi ro nên đã chủ quan trong quá trình kinh doanh, đôi lúc vì “cơm áo gạo tiền” mà quên mất các yếu tố tác động tiêu cực đang âm ỉ trong cộng đồng, dần dần biến thành nguyên nhân của sự bùng phát khủng hoảng. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp phải sáng suốt để lập trình một hệ thống phòng ngừa rủi ro và ứng phó nhanh nhạy khi khủng hoảng xảy ra, nhằm giữ vững thương hiệu trên thị trường và lấy lại niềm tin từ người tiêu dùng.

 

BM Quản trị kinh doanh