1. Đổi mới và sáng tạo trong dạy và học ở trường Đại học Vinh

            Năm học 2017- 2018, khóa sinh viên đầu tiên của trường Đại học Vinh được học tập dựa trên các phương pháp trải nghiệm chủ động theo mô hình CDIO. Nhà trường đã triển khai chương trình đào tạo tiếp cận CDIO đồng loạt cho 41 chương trình đào tạo (trừ Khoa giáo dục quốc phòng), với 23 học phần được giảng dạy trong học kỳ I.

Nhận thức được tầm quan trọng trong đổi mới dạy và học theo chương trình mới, nhiều giờ thao giảng cấp trường đã được đăng ký trong suốt cả học kỳ I (18 giờ, so với cả năm 2016 là 20 giờ). Nhiều Khoa/Viện có 100% cán bộ giảng dạy các học phần tiếp cận theo CDIO đăng ký thao giảng cấp Khoa và bộ môn (Khoa Kinh tế, Khoa Giáo dục, …..). Trong đó, các giờ thao giảng của thầy cô trong đoàn công tác tham gia học tập kinh nghiệm giảng dạy theo tiếp cận CDIO tại trường Đại học Quốc gia TP.HCM rất được nhà trường và tập thể giảng viên trong trường quan tâm. Mỗi giờ thao giảng có 30 - 40 cán bộ các phòng ban và giảng viên các Khoa/ Viện tham dự để cùng học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.

            Sau một học kỳ triển khai theo mô hình dạy và học mới, cho thấy sự thay đổi trong nhận thức, tư duy của thầy và trò trong dạy và học. Giảng viên không còn đơn thuần đóng vai trò là người truyền đạt kiến thức mà trở thành người hướng dẫn cho sinh viên trên con đường đi tìm tri thức. Trên lớp, giảng viên đóng vai trò là người chỉ huy, người hướng dẫn trong các buổi học, tất cả các hoạt động trên lớp và ở nhà đều được sinh viên chủ động thực hiện thông qua làm việc nhóm. Kết quả ban đầu sau khi áp dụng phương pháp tiếp cận CDIO trong dạy và học đã đem lại hiệu quả rất tích cực.

            * Đối với giảng viên:

- Giảng viên đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức để thiết kế bài giảng khi lên lớp và theo dõi các hoạt động tự học của sinh viên, giúp đỡ khi cần thiết, trao đổi thảo luận và góp ý để người học đi đúng hướng; đóng vai trò là người gợi mở, xúc tác, động viên, cố vấn, trọng tài trong các hoạt động tìm tòi hào hứng, tranh luận sôi nổi của sinh viên.

- Giảng viên đã chú trọng nhiều trong chọn lọc phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá phù hợp với mục tiêu và nội dung bài giảng. Sử dụng đa dạng các phương pháp dạy học theo nguyên tắc “lấy người học là trung tâm”, kết hợp phương pháp giảng dạy truyền thống với các phương pháp giảng dạy hiện đại.

- Giảng viên tích cực, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, nâng cao tính sáng tạo và trở nên linh hoạt hơn trong quá trình giảng dạy của mình. Cụ thể, giảng viên không chỉ bó buộc trong khối lượng kiến thức hiện có mà còn được tìm hiểu thêm về những chuyên ngành khác như tin học và học hỏi các kỹ năng sử dụng hình ảnh, âm thanh trong việc thiết kế bài giảng. Việc sử dụng cổng thông tin cán bộ là một sự đổi mới tích cực và hiệu quả trong việc chia sẻ và gắn kết thông tin giữa giảng viên và sinh viên. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học còn mang đến cho sinh viên những kỹ năng tin học cần thiết ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây sẽ là nền tảng và sự trợ giúp đắc lực giúp học sinh đa dạng và sáng tạo các buổi thuyết trình trước lớp, đồng thời tăng cường khả năng tìm kiếm thông tin cho bài học của sinh viên.

Tập huấn sử dụng cổng thông tin cán bộ tại Trường Đại học Vinh

* Đối với sinh viên:

Thời gian đầu, phần lớn sinh viên chưa thích nghi được với phương pháp giảng dạy mới, rất nhiều bạn trễ hạn trước deadline dày đặc của bài tập cá nhân, bài tập lớn. Sau một thời gian làm quen với phương pháp giảng dạy mới sinh viên đã tích cực, chủ động đọc, tìm hiểu rất nhiều loại tài liệu khác nhau, đồng thời bước đầu chủ động tìm kiếm các bài tập thực tế, các phương pháp thực hành để cụ thể hóa lý thuyết thành kỹ năng.

Về kỹ năng cá nhân: nếu trước đây để có thể trình bày vấn đề gì đó trước lớp, nhất là đối với những sinh viên năm thứ nhất là rất khó khăn, thường bắt gặp tình trạng đùn đẩy nhau lên nói, thì bây giờ sinh viên tự tin hơn rất nhiều khi chuẩn bị và trình bày bài thuyết trình. Hơn thế, để tranh đua giữa các nhóm, sinh viên còn chuẩn bị bằng nhiều phần mềm trình chiếu khác nhau. Do liên tục phải làm việc theo nhóm, sinh viên dần dần có được kỹ năng này, từ lúc chỉ nhìn nhau khi được phân nhóm, thì bây giờ các nhóm đã biết phân công cụ thể và khoa học.

Bên cạnh các kết quả đạt được trong bước đầu triển khai dạy và học theo tiếp cận CDIO, vẫn còn những hạn chế nhất định trong hoạt động dạy và học nói chung:

- Chất lượng giảng dạy của các giờ thao giảng chưa đồng đều, những kết quả đạt được ở trên chủ yếu rơi vào nhóm các giờ thao giảng CDIO. Tuy nhiên, số giờ thao giảng cấp trường theo tiếp cận CDIO còn hạn chế (7 giờ CDIO/18 giờ thao giảng cấp trường). Hình thức tổ chức dạy và học theo chương trình đào tạo cũ chủ yếu vẫn theo lối truyền thụ một chiều, nặng về thuyết giảng, chưa kích thích tính chủ động, sáng tạo của sinh viên.

- Trong thiết kế hoạt động dạy và học nhìn chung chưa có các hoạt động gắn kết giữa sinh viên và doanh nghiệp. Mặc dù, các hoạt động này đóng vai trò rất quan trọng của trong quá trình giáo dục và đào tạo. Nó thực sự mang lại rất nhiều kết quả ý nghĩa lớn và thực tiễn trong quá trình hình thành, rèn luyện các kỹ năng và phẩm chất cần thiết cho sinh viên: mang lại các trải nghiệm thực tế cho sinh viên; định hướng cho quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên; tạo động lực học tập và phấn đấu cho sinh viên, cũng như hình thành và xác định nghề nghiệp cho sinh viên sau khi ra trường.

2. Một số giải pháp tạo động lực kích thích đổi mới, sáng tạo trong dạy và học thời gian tới

*Mỗi giảng viên cần áp dụng linh hoạt và đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học

Mỗi một phương pháp giảng dạy đều nhấn mạnh lên một khía cạnh nào đó của quá trình học tập. Chúng tôi cho rằng, cho dù các phương pháp thể hiện hiệu quả như thế nào thì nó vẫn tồn tại một vài khía cạnh mà người học và người dạy chưa khai thác hết. Chính vì thế mà không có một phương pháp giảng dạy nào được cho là lý tưởng. Mỗi một phương pháp đều có ưu điểm của nó do vậy người thầy nên xây dựng cho mình một phương pháp riêng phù hợp với mục tiêu, bản chất của vấn đề cần trao đổi, phù hợp với thành phần nhóm lớp học, các nguồn lực, công cụ dạy - học sẵn có và cuối cùng là phù hợp với sở thích của mình.

* Kết hợp đánh giá của giảng viên với tự đánh giá của sinh viên

Trước đây giảng viên giữ độc quyền đánh giá sinh viên, nhưng trong phương pháp chủ động thì giảng viên phải hướng dẫn sinh viên phát triển kỹ năng tự đánh giá để tự điều chỉnh cách học. Liên quan với điều này, giảng viên cần tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên được tham gia đánh giá lẫn nhau. Tự đánh giá đúng và điều chỉnh hoạt động kịp thời là năng lực rất cần cho sự thành đạt trong cuộc sống mà nhà trường phải trang bị cho sinh viên. Một điểm cần chú ý trong việc đánh giá đó là phải đánh giá dựa trên quá trình, tránh tập trung đánh giá vào cuối học kỳ và đa dạng các hoạt động đánh giá để người học có cơ hội thể hiện sự tiến bộ của mình trong quá trình học

* Thường xuyên tổ chức các buổi seminar, các giờ thao giảng chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy ở tất cả các cấp: bộ môn, khoa/viện, trường, nhất là các giờ thao giảng theo chương trình CDIO. Đây là giải pháp cần thiết nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy theo CDIO giữa các giảng viên, giúp cho các giảng viên có thể nhanh chóng tiếp cận và có những điều chỉnh kịp thời trong hoạt động giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

* Thường xuyên tổ chức các hoạt động gắn kết giữa sinh viên và doanh nghiệp

            Một số gợi ý về các hoạt động gắn kết giữa sinh viên và doanh nghiệp như:

- Tổ chức các buổi tọa đàm “Xu hướng và nhu cầu thị trường của ngành học”

Một trong những yếu tố quyết định chất lượng đào tạo là chương trình dạy phải bám sát và nắm bắt được nhu cầu và xu hướng của thị trường. Vì vậy, các buổi tọa đàm với sự tham gia trao đổi đóng góp của các doanh nghiệp trong ngành sẽ cho thấy những tác động của nhu cầu thị trường lao động đối với công tác đào tạo nói chung và đối với sinh viên tốt nghiệp của các Khoa/Viện nói riêng. Đồng giúp nhà trường, các Khoa/Viện xem xét và điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp. Đồng thời, đây cũng là dịp để Khoa/viện và doanh nghiệp thắt chặt hợp tác.

- Tổ chức các chương trình “Open talk về kỹ năng mềm” dành cho sinh viên

Hoạt động này sẽ giúp các sinh viên tự khám phá những tiềm năng của bản thân và trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết trong học tập, phát triển bản thân và phát triển nghề nghiệp.

- Tổ chức các chương trình “Gặp gỡ giao lưu cùng các CEO, cựu CEO trong ngành học”

 Tạo cơ hội để sinh viên được giao lưu gặp gỡ với những nhân vật thành đạt  và nổi tiếng trong ngành. Thông qua hoạt động giao lưu, sinh viên sẽ hiểu rõ hơn về quá trình khởi nghiệp, đặc thù của ngành học cũng như những kinh nghiệm quý báu của diễn giả. Những sự chia sẻ, định hướng như thế sẽ là một bài học quý báu cho sinh viên trong định hướng nghề nghiệp tương lai.

Ngoài ra, Nhà trường cần kết hợp với các Khoa/Viện có chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên. Các vườn ươm này sẽ gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, khởi đầu của các ý tưởng, sáng tạo, đưa kết quả của các công trình nghiên cứu vào sử dụng.

Nguyễn Thị Hải Yến, Trần Thị Hoàng Mai

Giảng viên Khoa Kinh tế, Trường Đại học Vinh