Ngày 08/11/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định số 5301/QĐ-BGDĐT về việc cho phép Trường Đại học Vinh đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Quản lý kinh tế.

Bắt đầu từ năm 2017, trường Đại học Vinh sẽ tuyển sinh thạc sĩ Quản lý kinh tế với quy mô tuyển sinh từ 50 - 70 học viên. Đây là chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng với mục tiêu trang bị cho học viên những kiến thức chuyên sâu về Kinh tế và Quản lý kinh tế, nắm bắt được nguyên lý quản lý kinh tế của đơn vị trong một môi trường mở và có tính toàn cầu nhằm phục vụ công tác quản lý kinh tế trong khu vực công cũng như khu vực tư.

Sau khi kết thúc khóa học, học viên có khả năng: Nắm vững những kiến thức chuyên sâu về quản lý các lĩnh vực kinh tế, xã hội và tài nguyên, môi trường; nâng cao kỹ năng quản lý, khả năng làm việc độc lập, sáng tạo để có thể phân tích thực tế và giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý. Trên cơ sở đó, học viên có thêm năng lực phát hiện và xử lý các vấn đề kinh tế nảy sinh trong thực tiễn gắn với lý luận để học viên có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao phù hợp với chuyên ngành được đào tạo.

Tăng cường kỹ năng trong nghiên cứu khoa học; giúp học viên sử dụng thành thạo những kỹ thuật, phương pháp khai thác thông tin, phân tích, tổng hợp; nâng cao khả năng thực hành lý thuyết vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Có khả năng nghiên cứu và giảng dạy về Quản lý kinh tế và Kinh tế nói chung trong các Viện nghiên cứu, các trường và các đơn vị kinh tế.

Có khả năng tham gia vào công tác hoạch định, tổ chức, chỉ đạo thực thi các đường lối, chính sách kinh tế, văn hóa - xã hội của các hình thức tổ chức công và tổ chức tư thuộc mọi lĩnh vực, mọi cấp quản lý.

Trong thời gian đào tạo từ 1,5 – 2,0 năm, học viên được trang bị các kiến thức và kỹ năng chính sau:

* Về kiến thức:

- Những vấn đề lý luận cơ bản về Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng ta về phát triển kinh tế, các lý thuyết, trào lưu kinh tế trên thế giới;

- Những kiến thức chuyên sâu về quản lý kinh tế và phân tích, hoạch định chính sách kinh tế;

- Những tri thức về nền kinh tế Việt Nam- truyền thống và hiện đại, về đời sống kinh tế - xã hội thế giới, những vấn đề phát triển và quản lý kinh tế trong thời kỳ hội nhập.

* Về kỹ năng:

Trang bị, bổ sung cho học viên nắm vững lý thuyết về quản lý kinh tế, phương pháp nghiên cứu chuyên ngành Quản lý kinh tế, phương pháp nghiên cứu khoa học kinh tế, những kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn để họ có khả năng độc lập, sáng tạo trong nghiên cứu, giảng dạy và hoạt động phát triển kinh tế xã hội thực tiễn. Cụ thể:

- Có khả năng vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào phát triển kinh tế  trong lĩnh vực công tác được giao;

- Có năng lực tư vấn, tham mưu lãnh đạo, quản lý, hoạch định chính sách phát triển kinh tế;

- Có kỹ năng quản lý, lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội;

- Có khả năng nghiên cứu khoa học, giảng dạy chuyên ngành quản lý kinh tế ở các trường đại học, trung tâm chính trị.

Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ Quản lý kinh tế, người học có khả năng trở thành các nhà quản lý chuyên nghiệp, làm việc trong các cơ quan quản lý kinh tế từ trung ương đến địa phương, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức lợi nhuận và tổ chức phi lợi nhuận trong nước và quốc tế;  tham gia giảng dạy Kinh tế nói chung, Quản lý kinh tế nói riêng ở các trường đại học, cao đẳng, trường chính trị tỉnh (thành), các viện nghiên cứu kinh tế, tham gia quản lý các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế,...

Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các quy định về đào tạo sau đại học của Trường Đại học Vinh.

Khoa Kinh tế trân trọng thông báo để các sinh viên, học viên có nhu cầu thi tuyển chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lý kinh tế được biết.